Toàn cầu hóa ‘‘kiểu Trung Quốc’’ đe dọa nước yếu
![]() |
Bản đồ Con Đường Tơ Lụa thời cổ đại nối liền Âu-Á Ảnh : Wikipedia |
Thứ Hai, 15/05/2017, báo Pháp nhất loạt nói về tân tổng thống Macron, người vừa nhậm chức hôm trước. Libération : « Hãy cố lên ». Les Echos : « Vào cuộc ». Báo Le Figaro nói đến « Những thách thức lớn ». Về thời sự quốc tế, Le Monde chú ý đến thượng đỉnh « Con Đường Tơ Lụa Mới » tại Bắc Kinh, diễn ra trong hai ngày, 14 và 15/05, với bài phân tích : « Một cuộc toàn cầu hóa ‘‘kiểu Trung Quốc’’'».
Le Monde ghi nhận một thực tế rất mới là, kể từ một năm nay, cứ mỗi tuần lại có một đoàn tàu chở hàng từ Trung Quốc vượt qua hơn 10.000 km, tới khoảng 15 thành phố Châu Âu, từ Lyon, đến Luân Đôn, Madrid, Duisburg (Đức)… Việc hàng hóa lưu chuyển bằng đường sắt từ Đông qua Tây, và ngược lại, là một trụ cột trong dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh, còn gọi là dự án « Một vành đai, một con đường », khởi sự từ năm 2013, có tham vọng bao trùm hơn 60 quốc gia, với hai phần ba dân số và gần một nửa GDP toàn cầu.
Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy một « thời kỳ vàng son » cho thương mại song phương châu Âu – Trung Quốc đang đến ?
« Hoàn toàn không có gì chắc chắn » ! Bên cạnh một loạt các cản trở hiện tại, như hàng rào thuế quan còn tồn tại ở nhiều nơi, tuyến đường sắt hiện chưa được nối liền hoàn toàn, an ninh tại nhiều khu vực bất ổn suốt dọc tuyến đường sắt…, Le Monde nhấn mạnh đến « tính chất nguy hiểm của dự án đối với các nước dễ tổn thương nhất ».
Đầu tư rất khó hoàn vốn
Hồi tháng 1/2017, công ty thẩm định tài chính Ficht cho rằng các nước nghèo rất ít có khả năng hoàn trả các khoản tín dụng khổng lồ, để xây dựng các cơ sở hạ tầng, vay từ Trung Quốc. Cụ thể như, dự án đường sắt cao tốc qua Lào, có trị giá ước tính 7 tỉ đô la, tương đương một nửa GDP quốc gia nghèo nhất hành tinh này. Theo chuyên gia văn phòng tư vấn Gavekal Dragonomics, một số quan chức Trung Quốc thừa nhận rằng sẽ phải chấp nhận mất đến 80% số vốn đầu tư vào Pakistan chẳng hạn.
Dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc, về mặt hình thức, có vẻ rất hấp dẫn. Khoảng 140 thỏa thuận về giao thông các loại đã được Trung Quốc ký kết với các đối tác, riêng tại khu vực Trung Á. Thế nhưng theo chuyên gia François Godement của một viện tư vấn hàng đầu của châu Âu (European Council on Foreign Relations), cách làm ăn của Trung Quốc rõ ràng mang tính manh mún, bởi các thỏa thuận song phương như vậy hoàn toàn không thể thay thế cho một thỏa thuận thương mại toàn thể.
Theo chuyên gia nói trên, phần lớn các dự án bắt nguồn từ mục tiêu « địa chính trị » hơn là « thuần túy thương mại ». Rất nhiều quốc gia ký kết hợp đồng với Trung Quốc ở trong trạng thái rất mong manh về tài chính, bất ổn về an ninh và nạn tham nhũng đè nặng.
Chủ yếu để giải quyết hàng dư thừa
Phân tích của Le Monde nhấn mạnh đến động lực ẩn đằng sau quyết tâm mở ra dự án « toàn cầu hóa theo kiểu Trung Quốc » này, trước hết là để Bắc Kinh xuất khẩu khối lượng lớn hàng hóa công nghiệp đang dư thừa trong nước, sau nhiều thập niên tăng trưởng quá nóng. Bao nhiêu thép, xi măng, máy móc không có người tiêu thụ tại Trung Quốc cần đến các thị trường mới.
Theo Ngân hàng Phát Triển Châu Âu, từ nay đến 2030, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng riêng tại châu Á ước tính là 26.000 tỉ đô la. Với lý do này, nhiều người hy vọng, nếu được quản lý tốt dự án Một Vành Đai Một Con Đường có thể thúc đẩy nhiều khu vực kinh tế « chậm phát triển nhất ». Nhưng nhiều thực tế như đã dẫn ở trên cho thấy trong hiện tại, dự án khổng lồ của Trung Quốc rõ ràng là một mối nguy với nhiều nước nghèo.
Cũng về chủ đề này, báo La Croix dẫn nhận định của đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Trung Quốc, ông Hans Dietmar Schweisgut, lưu ý : để khẳng định thiện chí thúc đẩy tự do thương mại của mình, trước hết Trung Quốc nên thực hiện, ngay tại nước mình, những điều mà Bắc Kinh thường « rao giảng » trên trường quốc tế, cụ thể là không ngăn cản hàng hóa của châu Âu vào Trung Quốc.
Nguồn: Trọng Thành/RFI