Tin tức

TPP hay công cụ đầu cơ?

Cập nhật lúc 06-08-2015 18:41:07 (GMT+1)
Ảnh minh họa: Internet

 

Thông tin về việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Việt Nam và các quốc gia chưa thể đi đến những thỏa thuận cuối cùng vào cuối tuần rồi, được xem là nguyên nhân chính khiến cho TTCK giảm mạnh vào phiên đầu tuần 3-8. Nhưng thực tế có phải như vậy hay không?


TPP vốn là hàn thử biểu của nền kinh tế, bởi khi gia nhập, GDP nước ta có thể tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025. Vì vậy khi Việt Nam chưa thể “chốt” xong việc gia nhập, sự chờ đợi còn tiếp tục đã dẫn đến những phản ứng trong ngắn hạn trên TTCK.

Nhưng nếu xem đây là nguyên nhân chủ đạo khiến CP ngân hàng (NH), chứng khoán, bảo hiểm… rớt mạnh trong phiên 3-8 e rằng sẽ có phần phiến diện. Đơn cử như trường hợp của BVH, đã giảm sàn từ 5.2 xuống 4.9 trong phiên 3-8.

Có thể lập luận khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu dành cho bảo hiểm sẽ tăng, tất nhiên các doanh nghiệp trong ngành như BVH hưởng lợi. Nhưng xâu chuỗi có thể tìm ra rất nhiều loại tin tức khác nhau tác động đến TTCK mà không thể đo đếm nổi chứ không chỉ TPP. Thực ra việc BVH giảm điểm được xem là hệ quả của việc CP này đã tăng giá quá mạnh trong thời gian qua. Vậy nên, chỉ cần thị trường có một thông tin nào đó có phần bi quan có thể khiến CP này “được đà” giảm mạnh thêm.

Điều tương tự cũng xuất hiện với VCB, CP có giá trị vốn hóa lớn nhất hiện nay và có ảnh hưởng mạnh nhất đến VN Index. Dù không giảm sàn như BVH, nhưng trong phiên 3-8 VCB cũng “đứt” 2.000 đồng/CP, giảm từ 5.0 xuống 4.8. Mối tương quan giữa ngành NH và TPP không phải là không có, nhưng thời gian vừa qua CP NH tăng không dính dáng gì đến TPP.

Nói một cách khác, TPP được xem như cái cớ để TTCK điều chỉnh một cách hợp lý trong ngày 3-8 sau một thời gian tăng mạnh. VN Index cũng đã có một thời gian khá dài trụ trên mốc 600 điểm, cũng là mức đỉnh của chỉ số này trong vài năm qua.

Đối với những CP gần với TPP, được xem là sẽ được hưởng lợi nếu hiệp định này được thông qua cũng có những sự ngộ nhận nhất định. Điển hình là trường hợp của VHC, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất hiện nay. VHC được xem như có mối liên hệ mật thiết với câu chuyện TPP, thường mỗi khi thị trường nổi sóng bởi TPP VHC cũng bùng nổ. Nhưng thực tế có đúng như vậy không?

Một chuyên gia phân tích am hiểu về VHC khẳng định, VHC sẽ hưởng lợi nhờ TPP nhưng tác động này mang tính chất dài hạn, còn trong ngắn hạn không rõ ràng, thậm chí là không hưởng lợi gì. Bởi thuế nhập khẩu và thuế chống bán phá giá của VHC tại thị trường Hoa Kỳ, một thị trường quan trọng và nằm trong TPP, hiện nay đều là 0%.

Nghĩa là thuế suất của VHC cũng không thể giảm thêm nữa cho dù TPP có được thông qua hay không. Có chăng tác động ở đây là khi gia nhập TPP, ngành thủy sản sẽ có nhiều cơ hội tham gia nhiều thị trường hơn, kỳ vọng ngành tăng lên và một doanh nghiệp đầu ngành như VHC cũng được hưởng lợi. Nhưng kỳ vọng kiểu này cũng khá… xa xôi.

Trường hợp của VHC có thể xem như một kiểu gán ghép với TPP khá gượng gạo. Điều này cũng dễ hiểu, VHC trong khoảng 1 năm trở lại đây, nhờ vào KQKD khả quan nên đã tăng giá rất mạnh. Từ chỗ là CP “hàng chìm”, thanh khoản thấp, giờ trở thành CP mang tính thị trường, nghĩa là thị trường tăng, VHC cũng tăng và ngược lại. Vậy nên, những ai tham gia VHC cũng thích những thông tin mới mẻ, có sức bật và TPP được xem như chất xúc tác tạo ra cảm xúc.

Trường hợp của dệt may có vẻ rõ ràng hơn, thuế suất của sản phẩm khi vào thị trường Hoa Kỳ đang là 17,3%, nếu TPP được thông qua sẽ có cơ hội giảm về 0%. Tuy nhiên, để có thể hưởng lợi tối đa từ TPP, sản phẩm của các doanh nghiệp dệt may phải đáp ứng tiêu chuẩn từ sợi trở đi. Và chiếu theo tiêu chí này hiện tại chỉ có TCM trên sàn được hưởng lợi nhiều nhất.

Khi TTCK mới bắt đầu phục hồi vào giữa tháng 5, TCM chỉ có giá hơn 25.000 đồng/CP, nhưng đến cuối tháng 7, cũng là giai đoạn sóng TPP xuất hiện, giá của CP này đã vượt 4.0. Tăng mạnh ắt giảm mạnh, TCM giảm từ 4.0 xuống còn hơn 3.7 trong phiên 3-8, đến ngày 4-8 tiếp tục giảm tiếp xuống dưới 3.7.

Nói TCM gắn với TPP là hợp lý, nhưng chuyện CP này tăng giá thế nào, có phải thuần túy do TPP hay không cần phải xem xét theo nhiều chiều: Bao nhiêu NĐT có thể “lượng hóa” được cụ thể hoạt động kinh doanh của TCM sẽ khởi sắc ra sao? Doanh thu, lợi nhuận thế nào nếu như Việt Nam tham gia TPP? Đó là còn chưa nói đến việc room sở hữu nước ngoài của TCM hiện đang là 49%, cuộc chơi tại CP này hiện đang là của dòng vốn trong nước.

Nói đến đây, mới thấy lực hỗ trợ của TCM còn có thể tác động trong trường hợp xảy ra việc mở room, nghĩa là TCM vẫn còn có những yếu tố khác hỗ trợ. Vậy nên chuyện tăng giảm của TCM có thể dựa trên một số nền tảng, thông tin nhất định, tuy nhiên những biến động ngắn hạn còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố cung-cầu trên thị trường.

Nói tóm lại, TPP đôi lúc đã bị biến thành một cái cớ để dòng tiền nóng và ngắn hạn có thể tham gia vào CP với một sự yên tâm hơn, giảm thiểu rủi ro. Chẳng hạn, một CP có “dính dáng” đến TPP (dù rằng hơi xa) tăng giá, một NĐT mua vào sẽ cảm thấy yên tâm vì dù sao CP có thông tin mang tính cơ bản và mình đang đầu tư giá trị. Trong khi đó, dòng tiền nóng có đổ vào những CP liên quan đến TPP cũng sẽ tạo ra màu sắc giá trị và ít nhất cũng cảm thấy tự tin hơn.

Nguồn: Sài Gòn Đầu Tư

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo