Tin tức

Trung Quốc nắm yết hầu ngành gạo

Cập nhật lúc 12-03-2014 05:38:52 (GMT+1)
Các bao gạo Việt Nam được chuyển lên tàu để xuất khẩu.

 

Chính phủ Việt Nam đang cố gắng gia tăng xuất khẩu gạo vào Trung Quốc cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch để giải quyết đầu ra bế tắc. Tuy vậy sự lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc cũng có thể gặp rủi ro với tính cách của người Hoa một khi họ nắm giữ yết hầu của ngành gạo.


Tiểu ngạch hay chính ngạch?

Nếu kể cả chính ngạch và tiểu ngạch, năm 2013 Trung Quốc đã mua 3,6 triệu tấn gạo từ Việt Nam. Thị trường Trung Quốc đang trở thành nơi “ăn” gạo trọng yếu của các doanh nghiệp Việt Nam và ngày càng có nhiều người cho rằng bán được hàng là tốt dù bán nó đi đâu.

Phải từ năm ngoái mới có nhiều thông tin về việc xuất bán gạo qua biên giới phía bắc với khối lượng lớn gia tăng từng ngày. Song song với đó là các thông tin Trung Quốc hủy bỏ rất nhiều hợp đồng mua gạo chính ngạch. Lúc đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cảnh báo doanh nghiệp thành viên thận trọng để tránh bị người Hoa lừa, trong một số trường hợp có mở tín dụng thư vẫn gặp rắc rối. Tổng kết năm 2013, Việt Nam xuất khẩu chính ngạch 6,68 triệu tấn gạo trong đó xuất qua thị trường Trung Quốc hơn 2 triệu tấn chiếm tỷ trọng 1/3. Nếu kể luôn 1,5 triệu tấn gạo bán tiểu ngạch qua biên giới phía bắc thì năm ngoái Việt Nam xuất khẩu 8,2 triệu tấn gạo.

Về tình hình xuất gạo tiểu ngạch rộ lên từ năm ngoái tới nay, ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang nhận định:

“ Nếu tăng được cầu thì giá nội địa đỡ căng thẳng. Khi cầu tăng thì cung bớt dư thừa đi. Việt Nam dư thừa gạo hàng năm phải xuất khoảng 7 triệu tấn, thành ra xuất tiểu ngạch hay chính ngạch thì theo tôi cũng giúp giải tỏa lượng gạo thừa. Xuất khẩu gạo tiểu ngạch hay chính ngạch đều được miễn thuế xuất khẩu. Chúng tôi có thăm dò các doanh nghiệp thì cũng có tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch, nhưng doanh nghiệp ở An Giang không bán trực tiếp cho bạn hàng Trung Quốc vì không có quan hệ. Thông thường, doanh nghiệp An Giang và đồng bằng sông Cửu Long mua gạo rồi bán nội địa cho các doanh nghiệp phía Bắc ở Hải Phòng hay Quảng Ninh, ở đó họ có mối liên hệ để bán tiểu ngạch.”

Giải thích về việc trước đây có sự tranh cãi về xuất khẩu tiểu ngạch, phải chăng việc này có thể gây bất lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch. Trên thực tế chi phí cho xuất khẩu tiểu ngạch thấp hơn một nửa so với việc thực hiện các hợp đồng chính ngạch. Ông Đoàn Ngọc Phả phân tích:

“ Có tình hình xuất tiểu ngạch được giá cao hơn thì mấy ông xuất chính ngạch bị khó. Thí dụ xuất tiểu ngạch nhiều với giá cao hơn thì giá lúa nguyên liệu cao lên, đỡ cho người nông dân. Nhưng mà nếu doanh nghiệp ký chính ngạch giá thấp, các doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu bị đối tác nước ngoài ký giá thấp thì họ rất khó mua nguyên liệu lúa trong nội địa. Xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc thường được giá cao hơn chính ngạch, thực tế có vấn đề này thành ra các doanh nghiệp cũng than. Nhưng giá tiểu ngạch khi cao khi thấp không bền vững, thanh toán cũng tiềm ẩn những rủi ro.”

Các chuyên gia từng quan ngại về tính cách của thương nhân Trung Quốc, cảnh giác về lối mua bán khó hiểu của họ. Thanh Long, mủ cao su từng có những thời điểm bị thiệt hại nặng nề, khi nhà cầm quyền Trung Quốc bất ngờ ngừng cấp phép nhập khẩu qua biên giới. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội từng nhận định:

Riêng cách mua nông sản không những làm cho Việt Nam thiệt thòi mà nhiều khi còn gây khó bằng cách là, có khi họ đưa giá lên rất cao mua ào ạt, rồi đùng một cái dừng lại không mua tiếp nữa, làm cho nông dân khi lỡ sản xuất ra rồi không làm thế nào được.”

Xuất khẩu gạo sẽ khó khăn trong năm 2014

Năm 2014 này, gạo Việt Nam gặp nhiều khó khăn phải cạnh tranh về giá với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan, khi nước này dự kiến bán ra mỗi tháng 1 triệu tấn gạo tồn kho để lấy tiền trả nợ nông dân. Về các loại gạo phẩm cấp trung bình, Việt Nam vất vả cạnh tranh với các đối thủ Ấn Độ, Pakistan, Myanmar và cả Campuchia. Thị trường Trung Quốc từng cứu gạo Việt Nam năm 2013, nhưng năm nay Trung Quốc có thể mua nhiều gạo Thái Lan, và các nước khác cũng tranh phần bán vào TQ.

Chính phủ dự kiến mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long, để tránh tình trạng lúa chín đầy đồng không có người mua. Bộ Công thương dự kiến một cơ chế xuất khẩu gạo tiểu ngạch làm thí điểm ở Lào Cai để doanh nghiệp có thể dễ dàng bán gạo qua biên giới. Hiện nay chỉ có khoảng 150 doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu gạo và đa số tập trung trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA. Trong khi đó các doanh nghiệp địa phương ở các tỉnh biên giới lại không có giấy phép xuất khẩu gạo và phải mượn giấy phép qua hình thức ủy thác xuất khẩu vừa tốn kém vừa chậm trể.

Cố gắng xuất khẩu gạo qua Trung Quốc cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch chỉ là việc cấp thời phải làm, để tiêu thụ hết lúa cho nông dân, dù giá lúa trong nhiều thời điểm xuống gần sát giá thành sản xuất. Về lâu về dài vấn đề lớn của đất nước xuất khẩu gạo trong tốp 3 nước đứng đầu thế giới, là phải tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi giá trị lúa gạo từ người nông dân cho tới các khâu thu mua chế biến tồn trữ tiêu thụ và xuất khẩu. Việc giảm lượng tăng chất, nắm vững thị trường tiêu thụ không sản xuất quá dư thừa là khuyến cáo của các chuyên gia.

Nguồn: Nam Nguyên/RFA

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo