Tin tức

Vàng: một nửa sự thật!

Cập nhật lúc 19-07-2013 07:03:54 (GMT+1)

 

Bất chấp những phân tích của báo chí và những phản ứng có phần gay gắt của dư luận, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đấu thầu vàng, tiếp tục duy trì chênh lệch giá vàng nội - ngoại ở mức 4,5-6 triệu đồng/lượng. Ngay trong giới ngân hàng, người ta đánh giá bước đi trên thị trường vàng của NHNN có một nửa dũng cảm, một nửa liều lĩnh.


Bóc đi những lớp vỏ bề ngoài, những cuộc tranh luận của giới học giả, đi sâu vào các ngóc ngách của giới kinh doanh vàng mới thấy cuộc chiến không khoan nhượng giữa một bên đầu cơ và một bên là chính sách điều hành làm sao để người ta chán vàng.

Theo thống kê của NHNN, đến ngày 17-7-2013 cơ quan này đã tổ chức 44 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 1.193.600 lượng vàng, tương đương 45,9 tấn. Tính theo giá quốc tế, Việt Nam đã chi trên 2 tỉ đô la Mỹ để nhập số vàng trên.

Trước khi đấu thầu, cuối tháng 3-2013, theo một lãnh đạo của NHNN, NHNN dự kiến “bơm” ra khoảng 20 tấn là đủ cho các ngân hàng đóng trạng thái vàng, cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường. Thực tế số vàng “bơm” ra đã gấp hơn hai lần dự kiến, có lẽ không phải vì NHNN không nắm được số dư cho vay vàng cộng với số vàng các ngân hàng cần mua để tất toán trạng thái. Mà vì, có lẽ NHNN không muốn ngay từ đầu công khai số lượng vàng phải bán ra quá lớn; và kế đó là sức đầu cơ trong nước cũng như sự giảm giá mạnh của vàng thế giới.

Mua với giá cao hơn giá quốc tế 15-20% hiện tại là một rủi ro vô cùng lớn cho người nắm giữ vàng. Sức chịu đựng rủi ro này có thể kéo dài bao lâu nữa?

Chính sự tụt dốc của giá vàng quốc tế đã kích thích nhu cầu vàng nội địa. Nhu cầu này xuất phát từ hai đối tượng. Thứ nhất một bộ phận người dân có ý định mua vàng, họ chờ đợi giá thấp, và nay khi thấy giá đã đủ thấp, họ mua. Lực cầu của bộ phận này thực ra không lớn như nhiều người hình dung. Vào những ngày cao điểm sau 30-6-2013, lượng vàng bán ra của Công ty SJC khoảng 1.000-3.000 lượng/ngày. Số lượng bán của những doanh nghiệp khác tầm 500-1.000 lượng/ngày. Tổng lượng vàng mà người dân có thể mua, như thế, khoảng 5.000-10.000 lượng/ngày. Tuần đầu tiên của tháng 7, NHNN đã đấu thầu tới bốn phiên, tung ra 146.000 lượng, vẫn hết vèo. Người mua ở đây, rõ ràng, không phải chỉ có dân cư.

Người mua chủ yếu là các ngân hàng. Trạng thái vàng đã đóng, nhưng dư nợ vàng vẫn còn đó. Vàng cho vay từ chỗ lấy từ nguồn huy động, nay trở thành vàng tài sản của ngân hàng. Giá vàng càng giảm, ngân hàng càng có nguy cơ lỗ nặng (xem bài Nước mắt của vàng, TBKTSG số 26-2013, ra ngày 27-6-2013). Ngân hàng, dĩ nhiên, không thể ngồi nhìn giá trị tài sản “bốc hơi”, họ gây sức ép, buộc người vay vàng phải chuyển sang vay tiền đồng. Nếu khách hàng từ chối, họ tăng lãi suất vay vàng lên gấp ba, tầm 12%/năm. Người vay vàng nào chịu nổi lãi suất này?

Đó là lý do vì sao các ngân hàng vẫn mua vàng, tạo sức cầu dày đặc: họ mua để thúc ép khách hàng trả nợ vàng. Mặt khác, khi khách hàng trả vàng, hoặc chuyển sang vay tiền đồng, ngân hàng thu được vàng, nhưng chưa bán ngay. Họ đợi giá vàng phục hồi được chút nào hay chút đó. Giá vàng trong nước càng cao hơn giá thế giới, họ càng có lợi. Nên nhớ vàng ngân hàng mua vào trước ngày 30-6 để trả cho người gửi có giá cao hơn hẳn mức 37-38 triệu đồng/lượng hiện nay. Bán ra ở mức giá hiện hành, họ đã lỗ 5-7 triệu đồng/lượng.

Không gian cho đầu cơ vàng có thể sẽ không còn nhiều. Và nếu may mắn, giá vàng quốc tế cứ dích dắc đi xuống, tỷ giá không biến động quá mức dự liệu, đến một thời điểm nào đó, thay vì mua vàng người ta sẽ bán vàng.

Quay ngược kim đồng hồ về năm 2008, thời điểm của những “cơn sốt” vàng dữ dội. Ngày đó vàng đã được các ngân hàng cho vay để bán khống, lấy tiền đồng hưởng chênh lệch lãi suất. Vay vàng 4%/năm trong khi lãi suất tiền đồng 15-20%/năm. Có nhóm khách hàng đã vay và bán khống cả triệu lượng vàng ở mức giá thấp. Những năm sau khi giá vàng tăng, một số khách hàng cắt lỗ, mua vàng trả nợ. Tuy nhiên, một số khác không những không trả, mà còn kéo dài thời gian vay qua các đợt gia hạn hợp đồng. Lỗ vì vàng cứ thế chồng chất.

Liệu ngân hàng nào dám cho khách hàng vay cả triệu lượng vàng để bán nếu khách hàng đó không phải là những công ty sân sau, những ông chủ có mối quan hệ với nhiều tổ chức tín dụng? NHNN thời đó hẳn biết những ngóc ngách này, song đã không có một giải pháp hữu hiệu nào kiểm soát.

Vàng, vì những lý do trên, đang nằm ở ngân hàng. Ngoài ra người dân mua vàng, cũng đem vào ngân hàng nhờ giữ hộ, đồng ý trả phí. Chỉ một số ít người giữ vàng ở nhà. Doanh nghiệp kinh doanh vàng giữ vàng ở đâu? Cũng ở ngân hàng. Vô hình trung, cả khách quan và chủ quan, ngân hàng là điểm tập kết cuối cùng của vàng. Vàng được giao dịch, mua bán cũng từ ngân hàng mà ra, rồi cuối cùng lại trở về két sắt ngân hàng.

Muốn đầu cơ phải có vàng và tiền. Vàng ngân hàng đã có. Tiền ngân hàng không thiếu. Ở phía này, sức của đầu cơ không hề mỏng!

Tuy nhiên, cốt lõi của đầu cơ không chỉ có thế. Đầu cơ chỉ có thể lan rộng khi cầu “vùng lên” do nguồn cung suy giảm. Cung vàng cho thị trường hiện giờ chỉ có từ NHNN thông qua nhập khẩu. Câu hỏi là NHNN có thể chi ra bao nhiêu ngoại tệ để nhập vàng, đảm bảo nguồn cung? Khoảng 3-4 hay 5 tỉ đô la Mỹ?

Hành động của NHNN đã và đang cho thấy cơ quan này không ngại nhập vàng và dự trữ ngoại hối hiện đủ mạnh để cho phép nhập khẩu vàng đến mức cần thiết. Những ngày đấu thầu liên tiếp với khối lượng 40.000 lượng/phiên đang chứng minh điều đó. Sẵn sàng cung ứng vàng, nhưng không bán giá thấp, NHNN đang dằn mặt đầu cơ: một sự tuyên chiến ngầm. Mua với giá cao hơn giá quốc tế 15-20% hiện tại là một rủi ro vô cùng lớn cho người nắm giữ vàng. Sức chịu đựng rủi ro này có thể kéo dài bao lâu nữa?

Dư nợ vàng rồi sẽ tiến tới bằng không. Trạng thái vàng của ngân hàng theo quy định cộng trừ tối đa 2% vốn tự có. Không gian cho đầu cơ vàng có thể sẽ không còn nhiều. Và nếu may mắn, giá vàng quốc tế cứ dích dắc đi xuống, tỷ giá không biến động quá mức dự liệu, đến một thời điểm nào đó, thay vì mua vàng người ta sẽ bán vàng. Nhiều người nói họ mua vàng cho mục đích tích lũy lâu dài và không bán. Nhưng cũng có một quy luật bất thành văn khác là người ta có xu hướng rời bỏ những thứ tài sản mà càng giữ càng mất giá trị. Cơ may mua lại được vàng trong tương lai để xuất khẩu, gia tăng dự trữ ngoại hối của NHNN, do đó, không phải là không có nhưng cho đến giờ là khá mong manh. 

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Nguồn: Hải Lý/ TBKTSG

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo