Tin tức

Việt Nam vẫn đang bị Trung Quốc ép về kinh tế

Cập nhật lúc 13-05-2015 12:22:36 (GMT+1)
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa.(Hình: TBKTSG)

 

Ðó là thông tin mà ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Kế Hoạch-Ðầu tư của chính phủ Việt Nam, cung cấp cho Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam.


Ông Vinh là người được chính phủ Việt Nam trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của quý 1 năm nay. Theo báo cáo đó thì “kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt nên ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhưng ở mức thấp, thu ngân sách khá, tăng trưởng tín dụng tăng, lãi suất giảm, thị trường ngoại tệ ổn định, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cao hơn cũng kỳ năm trước”...

Tuy nhiên bộ trưởng Kế Hoạch-Ðầu Tư của chính phủ Việt Nam, cung cấp thêm những thông tin không được nêu trong báo cáo. Ðó là nhiều mặt hàng xuất cảng, đặc biệt là nông sản, trước đây từng là thế mạnh của kinh tế Việt Nam, gần đây đang gặp khó khăn lớn. Ông Vinh sử dụng hai chữ “mặt trận” để gọi công việc xuất cảng nông sản sang Trung Quốc và khái quát: Chúng ta đang gặp sức ép trên tất cả các mặt trận!

Sự kiện gần nhất là Trung Quốc cấm nhập cảng gạo từ Việt Nam theo đường tiểu ngạch (hình thức thương mại do dân cư sinh sống ở các vùng nằm hai bên biên giới quốc gia trực tiếp thực hiện, không phụ thuộc vào hạn ngạch nhập cảng và không phải thực hiện những thủ tục rườm rà như chính ngạch) và khiến hàng ngàn tấn gạo bị ứ đọng ở biên giới Việt-Trung.

Trước nữa vào giữa tháng 4, xuất cảng dưa hấu sang Trung Quốc bị tắc. Dưa hấu ở Quảng Nam và Quảng Ngãi tụt xuống chỉ còn khoảng 300 đồng một ký. Một tạ dưa hấu chỉ bán được chừng 30,000 đồng, tương đương với giá một tô phở bình dân nhưng bán với giá đó cũng không có người mua.

Ông Vinh nhắc lại hai sự kiện vừa kể và bảo rằng, việc xuất cảng nhiều mặt hàng khác cũng “đang rất căng thẳng” chứ không chỉ có gạo và dưa hấu.

Ðó có thể là lý do mà trong quý 1 vừa qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp-lâm nghiệp-thủy sản chỉ có 2.14%.

Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội quý 1 năm nay của chính phủ Việt Nam cho biết, trong quí 1 này, nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 8.1 tỉ Mỹ kim. Tuy nhiên, nhờ thặng dư trong thương mại với nhiều thị trường khác nên mức độ nhập siêu giảm xuống còn khoảng 1.8 tỉ Mỹ kim.

Trong khi báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội quý 1 năm nay của chính phủ Việt Nam có vẻ rất lạc quan như đã dẫn thì ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội Việt Nam, công khai tỏ ra băn khoăn khi tăng trưởng của khu vực nông nghiệp-lâm nghiệp-thủy sản thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Giàu cảnh báo, giá các loại nông sản xuất cảng của Việt Nam vẫn tiếp tục sụt giảm. Do kim ngạch xuất cảng nông sản giảm, Việt Nam có khuynh hướng rơi trở lại vào tình trạng nhập siêu. Tình trạng kim ngạch xuất cảng sụt giảm đang diễn ra trên diện rộng đối với các mặt hàng xuất cảng khác do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Tính chung, mức độ sụt giảm lên tới hơn 5%.

Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội Việt Nam còn cảnh báo về tình trạng nợ chính phủ vẫn tăng với tốc độ cao. Theo “Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020” thì việc trả nợ hàng năm không được quá 25% tổng thu ngân sách. Tuy nhiên theo dự kiến, số tiền mà chính phủ Việt Nam phải dùng để trả nợ trong năm nay đã lên tới khoảng 31% tổng thu ngân sách. 

Nguồn: Nguoi-viet

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo