Việt Nam

Dư luận viên tấn công tài khoản Facebook của Bộ trưởng bộ ngoại giao Séc

Cập nhật lúc 13-10-2020 09:10:54 (GMT+1)
Ảnh: Gabriel Kuchta, Deník N

 

Vì ủng hộ Phạm Đoan Trang - nhà hoạt động nhân quyền người Việt Bộ trưởng Bộ ngoại giao Séc Tomas Petricek (CSSD) đã trở thành đích ngắm để các troll - dư luận viên tấn công trên internet. Các trận tấn công tương tự trên mạng không chỉ là lãnh vực của nước Nga, là một trong các nước toàn trị Việt nam vốn có một đơn vị quân đội mang tên A47 chuyên được đào tạo cho mục đích này.


Hôm thứ Sáu, ông Petříček - người đứng đầu ngành ngoại giao đã lưu ý trên Facebook về trường hợp của nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang, người đã được trao giải thưởng Homo Homini tại Praha, và là giải thưởng hàng năm của Tổ chức Người trong gian khó.

“Hiện nay Phạm Đoan Trang đã bị bắt giữ vì các hoạt động của cô ấy trong lĩnh vực nhân quyền và có thể bị án 20 năm tù.  Trong tinh thần tôn trọng các công ước quốc tế bước đi này của chính quyền Việt nam là không thể chấp nhận đối với tôi và tôi tin rằng cô ấy sẽ sớm được trả tự do”, ông Petříček lên án bước đi của nhà nước cộng sản.

Phạm Đoan Trang là một cây bút, một nhà báo tại Việt nam mà công khai phê phán chế độ toàn trị tại nước này. Cô tiếp tục công việc của mình ngay cả bị dọa dẫm liên tục, tài khoản Facebook của cô được hàng chục ngàn người theo dõi.

Vì sự ủng hộ đối với nhà hoạt động nhân quyền, ông Petříček đã nhận được một đòn trả đũa cứng rắn trên không gian mạng. Dưới status của ông xuất hiện hàng trăm lời bình luận căng thẳng và đầy xúc phạm từ các tài khoản mang tên Việt. “Tomáš Petříček là đ., Rosicky là chúa”, như câu bình luận của một người mang tên Do Duc, tài khoản của người này trống rỗng và ngoài mấy bức hình được đăng tải trong suốt mấy năm, không có hoạt động nào khác. Một số tài khoản còn đăng tải các cảnh đám đông xử tử và bạo lực.

Trên tài khoản facebook của ông Petříček xuất hiện hàng trăm các bình luận tương tự. Mặc dù Bộ ngoại giao cố gắng xóa bớt nhưng sự tấn công đến dồn dập, vì thế các bình luận này vẫn chiếm đa số. “Tôi đã quen với sự tấn công đến từ các máy chủ đặt tại Nga, đến từ những người ủng hộ các đảng phái, phong trào cực đoan tại Séc, nhưng một cuộc tấn công ồ ạt đến như thế này chỉ vì một status trên facebook đã làm tôi ngạc nhiên”, ông Petricek thú nhận với tờ Denik N.

“Nhưng tôi không thể im lặng trước sự đàn áp vì chính trị, bởi vì bảo vệ quyền con người là nền tảng cho chính sách ngoại giao của Séc từ sau tháng 11 (năm 1989)” ông giải thích tại sao lại ủng hộ nhà hoạt động.

Đồng thời ông cũng cho biết ông có các mối quan hệ đặc biệt với cộng đồng người Việt tại Séc. “Với cộng đồng người Việt tại Séc tôi có các mối quan hệ trên mức bình thường, tuần này tôi đi ăn tối với họ và tôi muốn cám ơn họ vì những gì họ đã giúp chúng tôi hồi tháng Ba, trong những làn sóng dịch bệnh đầu tiên, và tôi muốn đề nghị họ hãy tiếp tục đoàn kết cả những lúc này”, ông tuyên bố. Ông có ý rằng các bình luận này đến từ Việt nam. “Một loạt các bình luận cho thấy họ sử dụng dịch thuật của internet”, ông bổ sung.

“Đôi khi các cơn bão tương tự cũng xảy ra vì một số đề tài nhạy cảm hơn, nhất là khi đụng đến các đề tài liên quan tới Trung quốc hoặc Nga. Trong trường hợp cụ thể này chúng tôi không ngờ đến phản ứng đến như vậy, vì trong việc ủng hộ Phạm Đoan Trang chúng tôi không thấy có gì là phức tạp, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao, bà Zuzana Štíchová cho biết.

Theo ông Jakub Kalenský, chuyên viên về việc phát tán các thông tin sai lệch tại Trung tâm Atlantic Council, trạng thái tài khoản Facebook của ông Petříček quả thật giống hệt các cuộc tấn công của troll. Ông đánh giá “Chỉ nhìn qua các tranh luận cũng thấy các yếu tố mà chúng tôi biết rõ, ví dụ từ cuộc chiến thông tin với Nga – phần lớn những người tranh luận mang tên Việt đều chọn kỹ thuật thao túng giống nhau, ví dụ như chuyển hướng vấn đề sang đề tài kỳ thị chủng tộc, hoặc là “chủ nghĩa gì vậy” (whataboutism) của Kremlin khá vụng về “trước hết hãy đi mà dạy Hoa kỳ về nhân quyền”.

Theo ông Kalenský ý nghĩa của cuộc tấn công là dọa nạt để người viết lần sau sẽ phải suy nghĩ về sự ủng hộ của mình. “Một ý định nữa của họ có thể là tạo nên một ấn tượng rằng đây phần lớn là ý kiến của người dân Việt nam. Mục đích cuối cùng của tất cả các các chiến dịch thông tin là làm các cá nhân hoặc các tổ chức phải thay đổi các ứng xử, mà sự thay đổi này sẽ dẫn đến các tình huống có lợi hơn cho kẻ tấn công bằng công nghệ thông tin – trong trường hợp này là bịt miệng tiếng nói phê phán chế độ Việt nam và bảo vệ tính hợp pháp của chế độ.

Đội quân internet của Việt nam

Người ta hay nói tới các troll của Nga và các trại troll, mà các hoạt động của họ có thể thấy rõ trong thời gian Nga tấn công Ucraina và tên lửa của Nga bắn rơi máy bay hàng không dân dụng MH17.

Hồi đó troll phối hợp với các máy chủ chuyên loan tải các thông tin sai lệch, đã thả thông tin rác vào các cuộc thảo luận trên mạng xã hội và cả các máy chủ đưa tin tức thời sự và hướng họ đến các dữ liệu giả, một số trường hợp họ còn để ý tới số lượng bài đăng, để có vẻ phù hợp với thông tin thật.

Nhưng Nga không phải là quốc gia duy nhất có thể chiến đấu trên không gian mạng. Việt Nam cũng có thể làm được điều này, họ đã trực tiếp thiết lập một đơn vị quân đội mang tên Lực lượng 47 để làm nhiệm vụ troll và chiến tranh mạng. Liệu cuộc tấn công vào ông Petricek có phải do họ đạo diễn hay không, thì hãy còn là điều chưa rõ, nhưng nó giống một cách đáng ngờ các trường hợp trước đây, mà các phương tiện truyền thông thế giới đã theo dõi được.

Năm 2017, tờ báo Tuổi Trẻ có đăng bài viết của Trung tướng Nguyễn Trọng Nghiên, người đã mô tả hoạt động của Lực lượng 47. "Mỗi giờ, mỗi phút và mỗi giây, chúng ta phải chuẩn bị để chủ động chống lại những nhận thức sai lầm", tờ báo dẫn lời người lính. Hãng thông tấn Reuters đã cung cấp lại lời tuyên bố này. Theo hãng này, lực lượng của Lực lượng 47 có thể tương đương với lực lượng sẵn có, ví dụ, của CHDCND Triều Tiên, người ta nói đến con số sáu nghìn người.

Khi BBC viết về việc những người bất đồng chính kiến bị đàn áp và quyền của họ ở Việt Nam, những lời troll tương tự như trong status của Petříček, đã xuất hiện trong bài báo. “Những người được gọi là nhà hoạt động dân chủ và trí thức ngày càng trở nên lố bịch. Họ đang tỏ ra là những kẻ cơ hội chính trị và sự đê hèn của họ không có giới hạn”, một trong những lời bình luận viết. Những bình luận khác cũng trong tinh thần tương tự. Đài BBC của Anh sau đó đã mô tả kinh nghiệm của họ với những kẻ troll Việt Nam và phương pháp của chúng.

Các nhà hoạt động và blogger Việt Nam cũng chỉ trích cả Facebook bởi các hoạt động của Lực lượng 47. Nói tóm lại, họ bức bối vì mạng xã hội có thể đi quá xa để phục vụ cho một chế độ độc tài và đánh sập sổ các tài khoản ương bướng. Một số trong các tài khoản đó có thể đã bị chính Lực lượng 47 báo cáo ồ ạt.
Facebook từ chối lời chỉ trích này và đã ra thông báo sẽ cố gắng ủng hộ xã hội dân sự tại Việt nam.
Cộng hòa Séc thường gặp rắc rối bởi những kẻ troll thân Nga đang cố gắng lan tỏa các tuyên truyền của nước Nga. Tuyên truyền này muốn làm mất uy tín của Liên minh châu Âu và NATO, và làm người dân mất dần niềm tin vào nhà nước. Trong khi đó, họ được sự ủng hộ của các phương tiện truyền thông do Kremlin trả tiền, như Sputnik. Tại Séc có các nhóm lưu ý tới sự tuyên truyền ngầm và các thông tin sai lệch này – ví dụ như nhóm Elfove - một nhóm người chuyên lưu ý về các dữ kiên trong các cuộc thảo luận.

Người dịch: Thanh Mai - vietinfo.eu

Nguồn: denikn.cz

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo