Việt Nam

'Chó, mèo vào diện bị quản lý': Băn khoăn việc thực thi

Cập nhật lúc 30-11-2012 02:15:38 (GMT+1)
Hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về việc quản lý chó, mèo.

 

Bộ NNPTNT đã phê duyệt kế hoạch đưa chó, mèo vào diện bị quản lý nhằm khống chế, loại trừ bệnh dại. Chủ trương này được nhiều người ủng hộ, tuy nhiên cũng không ít người băn khoăn về việc thực thi...


Ông Nguyễn Thành Trí - Chủ tịch UBND xã Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội: Nhiều điểm “vướng”

Tôi thấy việc Bộ NNPTNT phê duyệt kế hoạch “Khống chế và loại trừ bệnh dại” là cần thiết. Tuy nhiên để triển khai việc này ở khu vực nông thôn là hết sức khó khăn do “vướng” một số điểm sau: Về nhân sự, cả xã chỉ có một cán bộ thú y, duy trì việc tiêm phòng hàng năm cho gia súc, gia cầm, chó, mèo đã tốn không ít thời gian, giờ thêm việc quản lý chó, mèo e chừng hơi khó.

Vả lại, chó, mèo là vật nuôi ngàn đời của người dân nông thôn, quanh năm suốt tháng thả rông; nay đưa chúng vào diện quản lý, mà đã quản lý thì liên quan đến… lệ phí! Mặt khác, chó và mèo là giống liên tục bị… khai tử, chẳng lẽ mỗi khi giết một con chó, người dân lại phải đi xin xác nhận?

Ông Trịnh Văn Kiền (Khu tập thể Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội): Hạn chế nuôi ở đô thị

Ở nông thôn có thể phải xét lại nhưng đã ở thành phố, thị xã… nhất định phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với chính quyền, bởi lẽ: Thú nuôi ở thành phố, thị xã đa phần bị nhốt hoặc xích, lâu ngày chúng rất dễ vì tù túng mà hóa dại. Chủ nuôi nhất định phải đăng ký để nhỡ chó, mèo có cắn ai còn dễ xử lý. Mặt khác, việc nuôi nhiều chó, mèo ở đô thị rất dễ gây ô nhiễm môi trường, vì vậy theo tôi nên hạn chế nuôi.

Anh Nguyễn Đình Mót (xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị): Không quan tâm đến kế hoạch

Ở địa phương tui, từ xưa đến nay chưa hề có việc đưa chó, mèo đến UBND xã đăng ký bao giờ. Việc nuôi chó, mèo là để giữ nhà, bắt chuột, nếu bây giờ phải nhốt lại khác gì để cho chuột sinh sôi nảy nở và làm sao giữ nhà được…

Với lại, con chó, con mèo có giá trị thấp nên người dân chúng tôi không quan tâm cho lắm về kế hoạch nói trên của Bộ NNPTNT, nếu chết con này thì lại nuôi con khác.

Ông Nguyễn Văn Tước (xã Trường Minh, Nông Cống, Thanh Hóa): Chỉ nên tăng cường tiêm phòng

Thú thực khi đến nhà ai mà có chó dữ, tôi cũng hơi hãi. Tuy nhiên, chó, mèo vừa là giống giữ nhà, vừa là vật nuôi tăng nguồn thu nhập cho nông dân. Đây là nguồn thu nhập không thường xuyên, thích thì bán, không thích thì thịt… Vì vậy theo tôi chỉ nên tăng cường công tác tiêm phòng dại cho 2 giống này. Việc đưa chúng vào “diện quản lý” chỉ nên áp dụng ở thành phố, thị xã, còn ở nông thôn, có áp dụng cũng khó khả thi.

Ông Dương Minh Phí – Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Long An: Khó thực hiện

Quy định về quản lý chó, mèo đã có từ lâu (Thông tư 48, ngày 4.8.2009 của Bộ NNPTNT), thế nhưng suốt 3 năm nay thực tế trên địa bàn Long An chưa có người dân nào đi đăng ký. Có thể ở một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, chó, mèo cảnh thường có giá trị thì người nuôi mới đăng ký để khi mất dễ báo án. Còn vùng nông thôn như Long An, toàn chó, mèo “cơm” giá trị như con gà, con vịt nên chẳng ai đăng ký. Muốn quản lý, có lẽ nhiều ngành phải cùng vào cuộc chứ một mình cơ quan thú y sẽ khó có thể làm được.

Anh Phạm Văn Được (xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam): Phiền hà khai sinh cho chó, mèo

Từ thời nào đến giờ, nuôi chó, nuôi mèo không đăng ký mà có xảy ra chuyện gì đâu. Giờ có quy định này quả thật gây phiền hà cho người dân nông thôn chúng tôi. Nhà tôi nuôi 2 con chó, chẳng nhẽ cứ mỗi lần nó đẻ, tôi lại phải lên trình báo, rồi mỗi lần bán hay cho nó đi, tôi cũng phải trình báo với ủy ban xã hay sao. Việc này sao giống như đi làm giấy khai sinh cho chó, mèo vậy? Rồi chó chết có lên xã khai báo nữa không?

Nguồn: Danviet

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo