Có hay không việc cô giáo đánh phạt học sinh gây tử vong ở Sài Gòn?
![]() |
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Trên mạng facebook vừa qua xuất hiện thông tin một cô giáo ở trường THCS Phan Bội Châu, quận Tân Phú, thành phố HCM đánh một em học sinh nữ dẫn đến tử vong. Điều đáng nói là nguồn tin này cho biết sau khi bé mất cô giáo đã không đến nhà để xin lỗi và cô giáo chỉ bị nhà trường kỷ luật.
Diễn biến sự việc
Nạn nhân tên là Lê Thị Phước H. học sinh lớp 6/7, trường THSC Phan Bội Châu, Quận Tân Phú, TpHCM. Ngày 6/1/2015, nhà trường điện thoại cho mẹ của cháu H. thông báo cháu đang cấp cứu ở trạm y tế phường. Khi vừa đến nơi thì mẹ cháu chứng kiến cháu đang được “nhồi tim”.
Mẹ cháu có hỏi vì sao lại nhồi tim cho cháu, thì được cô ý tá (ở trường đi theo cấp cứu) nói là cháu đã không còn nhịp tim từ lúc cháu H. bị xỉu ở trường. Sau đó mới đưa lên trạm y tế với hy vọng cứu kịp nhưng tim cháu đã ngừng đập.
Sự việc được một em học sinh là bạn của H. kể như sau:
Trong giờ học môn công nghệ do cô Vy phụ trách, cháu H. nói chuyện trong lớp thì bị cô phạt kêu nằm lên bàn để đánh. Cô giáo dùng những cây thước ở trong lớp đánh vào mông cháu. Sau đó cháu H. té từ trên bàn xuống, khó thở, tiểu ra quần, mắt trợn ngược. Sau đó cô đã đưa xuống phòng y tế của trường thì không đo được nhịp tim.
Cô Vy dặn cả lớp là không được nói cô đánh, đó là lý do vì sao khi chị của cháu H. hỏi những em khác thì các em đều nói là cô không đánh. Một em học sinh vì thấy cháu H. bị chết oan nên đã kể ra, gia đình có ghi âm lại, nhưng vì sợ liên quan nên khi hỏi lại em bảo là không nhớ. Gia đình đưa thi thể cháu H. về nhà thì thầy hiệu trưởng và mấy cô khác tới hỏi thăm và có nói là sẽ kỷ luật cô Vy.
Điều đáng nói là sau khi sự việc xảy ra, cô giáo này đã không đến nhà để xin lỗi gia đình.
Có nên giáo dục bằng đòn roi?
Nghề dạy học ở Việt Nam là nghề cao quý, chả vậy mà khi học sinh vừa bước vào trường học đã được dạy những bài học về “Tôn sư trọng đạo”, hay “Tiên học lễ, hậu học văn”. Người Việt Nam từ xa xưa đã quen với hình ảnh người thầy cầm roi dạy học, vì thế mà dân gian ví rằng nghề dạy học là nghề “Gõ đầu trẻ” hay “Thương cho roi cho vọt”. Có lẽ phương pháp giáo dục truyền thống này đã ăn quá sâu vào não trạng của mỗi chúng ta, cho nên ngay mấy năm trở lại đây, chúng ta cũng vẫn thấy nhiều vụ việc giáo viên đánh học sinh, thậm chí là trẻ em mẫu giáo, một cách vô nhân tính và dẫn tới những sự việc đáng tiếc như trường hợp này đây..
Chúng ta có thể dễ dàng thông cảm với các giáo viên vì áp lực thành tích thi đua, điểm số của học sinh,… đến những việc gặp phải ở gia đình và ngoài xã hội. Nhưng vì thế mà đồng ý với việc dùng đòn roi với học sinh là điều không thể chấp nhận được. Bản thân người viết đã từng rất thù ghét những trận đòn roi này và điều này sinh ra tâm lý tiêu cực khi lớn lên. Tại sao chúng ta không dùng những phương pháp nhân văn hơn để giáo dục học sinh như khuyến khích, khen thưởng,... hay việc bãi bỏ việc đánh giá học sinh qua điểm số, thi cử. Có như vậy học sinh mới thấy việc đến trường không là gánh nặng và mỗi ngày đến trường là một niềm vui?
Chúng ta không thể nào không rùng mình khi nhớ lại vụ bạo hành trẻ em ở trường mẫu giáo Phương Anh bị báo Tuổi trẻ phanh phui vào tháng 12/2013 và kết quả là 2 giáo viên bảo mẫu sau đó bị rơi vào vòng lao lý. Hay mới đây là vụ việc một thầy giáo cấp 3 ở Sóc Trăng bị nhà trường kỷ luật vì đánh bầm mông học sinh chỉ vì em này không thuộc bài. Việc đánh học sinh gây ra những chấn thương tâm lý nhất là với trẻ nhỏ.
Lỗi của ai?
Chúng ta thấy được trong trường hợp này lỗi là ở Bộ giáo dục mà cụ thể là bộ trưởng bộ giáo dục Phạm Vũ Luận. Nhìn vào chương trình đào tạo giáo dục tiểu học tại Đại học Sư phạm Huế như một ví dụ, chúng ta có thể thấy phần hướng dẫn cho các giáo viên tương lai về tâm lý trẻ ít được chú trọng, tối đa chỉ có 4 tín chỉ trong cả chương trình, trong khi đó riêng phần Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, và Đường lối cách mạng của Đảng CSVN đã chiếm tới 10 tín chí. Giờ học đã ít, giáo viên tương lai lại càng thiếu thời gian thực hành do đó không có kinh nghiệm để đối phó với những trường hợp cá biệt.
Có thể trong trường hợp của cháu H. cô giáo đã không cố ý đánh học sinh đến chết, có thể là do cháu bị bệnh tim? Nhưng việc do tác động của cô giáo gây nên cái chết của học sinh là điều không thể chối cãi. Liệu rằng những em học sinh khác trong lớp tâm lý có bị chấn thương hay không? Liệu rằng các em còn coi thầy cô là những người chỉ lối, đưa đường cao quý?
Đã đến lúc phải thay đổi nền giáo dục Việt Nam một cách triệt để, để không còn trường hợp giáo viên đánh học sinh dẫn tới những hậu quả đau lòng như thế này.
Nguồn: danluan