Việt Nam

"Con ma" tuyển dụng ảo lừa đảo và món tiền "một đi không trở lại" (2)

Cập nhật lúc 13-09-2018 17:03:17 (GMT+1)
Ảnh minh họa: Sggp.org.vn

 

Nhiều sinh viên sa bẫy lừa đảo việc làm thêm nhưng vì thấp cổ bé họng nên đều tặc lưỡi ngậm đắng nuốt cay xem như mất chút “lệ phí trường đời”. Chính vì thế, nhiều món tiền “một đi không trở lại” làm đầy hầu bao của giới tuyển dụng ảo.


Vén màn chiêu trò lừa lọc

Sau khi biết mình sập bẫy những mánh khóe lừa tuyển việc làm, Hoài Thu – cô sinh viên Tây Bắc quay lại phòng vé máy bay (nơi hứa hẹn tuyển dụng) để xem những chiêu lừa đảo tiếp theo.

Thu tự tin làm bài kiểm tra vì đã thuộc lòng hết bảng giá vé máy bay. Thu nghĩ “để xem mình làm được hết thì bọn lừa đảo còn dùng chiêu gì?”. Cuối cùng, Thu cũng vén màn mánh khóe lọc lõi của dân tuyển dụng ảo.

Người phụ nữ ở phòng vé đưa ra 6 câu hỏi nhưng chỉ có một câu hỏi phần giá vé máy bay “cần học kĩ”, còn lại 5 câu hỏi còn lại nằm trong trang đầu tiên trong tài liệu mà chị ta dặn dò chỉ cần "đọc lướt qua". Chị ta cao giọng: “Chị đã cho tài liệu, em không học, không đạt yêu cầu”. Lẽ dĩ nhiên, Thu không đỗ, chỉ biết ngậm đắng nuốt cay và xác định mất tiền oan.

Đáng nói, người cùng thi hôm đó với Thu làm đúng hết tất cả nhưng vẫn không được nhận. Lý do đưa ra vô cùng chính đáng là phòng vé tạm thời đã tuyển đủ người, đợi đợt sau sẽ gọi đi làm. "Đợt sau" đó không biết đến tận bao giờ hay không hề có.

Hành động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền nhỏ, chỉ thu 250.000 đồng đến 400.000 đồng/người nên rất khó bị phát hiện. Tân sinh viên thấp cổ bé họng, nghĩ bụng chẳng lẽ mất 400.000 đồng cũng đi báo công an. Trăm người như một đều tặc lưỡi cho qua xem như đóng “lệ phí trường đời”.

Kiên quyết đòi lại tiền

Cũng như Hoài Thu, Thu Trang (sinh viên Đại học Thương mại) bị lừa với những mánh khóe tương tự. Trang được tuyển dụng với vị trí bán vé cho một rạp phim. Khi lờ mờ nhận thấy dấu hiệu bị lừa, Trang nhanh trí đến thẳng rạp phim, trực tiếp hỏi quản lý rạp và nhận được câu trả lời phía rạp không hề có nhu cầu tuyển dụng.

Trang gọi điện đối chất thì người tuyển dụng quát tháo, chối bay chối biến và không thừa nhận lừa đảo. Sau đó, Trang tiếp tục gọi nhưng đối tượng không bắt máy.

Sau khi nhờ bạn bè và thầy cô tư vấn, Trang nhắn tin “dọa” báo công an. Ngay lập tức, đầu dây bên kia hồi đáp, vẫn một mực khẳng định không lừa đảo và hẹn Trang sang nhận lại tiền. Trang rủ thêm bạn bè đi cùng để tránh rủi ro và may mắn đòi lại được 500.000 đồng bị thu trước đó.

"Đó là bài học nhớ đời của tôi khi tin vào những trang web tuyển dụng ảo. Nhưng cũng chính vì thế, tôi quyết không để mất tiền oan" - Thu Trang nói. 

Không nhiều tân sinh viên dám đi đến cùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Vì vậy, nhiều món tiền “một đi không trở lại” làm đầy hầu bao của giới tuyển dụng ảo.

Nguồn: THẢO ANH/ Laodong.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo