Việt Nam

Khủng hoảng Đức – Việt sẽ chuyển qua thời kỳ đóng băng?

Cập nhật lúc 09-10-2017 08:03:57 (GMT+1)
Vụ Trịnh Xuân Thanh gây bùng phát khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt. (Hình: Getty Images)

 

Thông báo ngày 22 Tháng Chín của Bộ Ngoại Giao Đức về việc quốc gia này tạm thời đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như trục xuất nhân viên ngoại giao thứ hai của Hà Nội có thể là đoạn cao trào của bản giao hưởng tràn ngập tính bi kịch, tạm thời kết thúc cơn bùng phát khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt để chuyển sang một giai đoạn đóng băng kéo dài trong quan hệ giữa hai nước.


Người Đức đã “oải”?

Một chi tiết đáng chú ý trong bản thông báo ngày 22 Tháng Chín là phía Đức dường như đã thay đổi yêu cầu đòi giới chóp bu Việt Nam phải trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức, với đoạn viết: “Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó có việc phiên xử ông ấy phải được tiến hành theo pháp quyền và mở cửa cho các quan sát viên quốc tế.”

Vào ngày 2 Tháng Tám, cũng một tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Đức đã yêu cầu “ông Trịnh Xuân Thanh được cho phép trở lại Đức ngay lập tức để được xem xét toàn diện về chuyện dẫn độ và xin tị nạn theo đúng pháp luật.”

Có vẻ người Đức, sau chuỗi ngày chứng kiến thái độ trả treo cù nhầy của đoàn đàm phán Việt Nam, đã “oải” đến mức phải “buông” Trịnh Xuân Thanh. Yêu cầu của Đức về việc Việt Nam cho các quan sát viên quốc tế tham dự phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh có lẽ chỉ là một yêu sách mang tính thủ tục và cách nào đó giữ thể diện cho một quốc gia đã bị người ngoài tổ chức bắt cóc ngay trên lãnh thổ của mình.

Sự chây lì và quan điểm “chấp nhận trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội” đã chiến thắng trước cỗ xe tăng Đức.

Trịnh Xuân Thanh, không ngoài dự đoán của giới quan sát chính trị, hiển nhiên đã trở thành con át chủ bài lợi hại của tổng bí thư trong công cuộc được xem là “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng.

Rất dễ để nhận ra rằng ngay sau khi “Thanh về” vào cuối Tháng Bảy, chiến dịch bắt bớ giới đại gia, quan chức ngành ngân hàng và dầu khí đã được đẩy nhanh hẳn so với trước đó. Cũng không khó để cho rằng ít ra cho tới thời điểm hiện nay, Tổng Bí Thư Trọng không có đối thủ chính trị. Nhân vật Trịnh Xuân Thanh như chắp thêm cánh cho nhân vật tổng bí thư vượt lên đỉnh cao độc tôn quyền lực đến tận đại hội 13 của đảng cầm quyền (nếu còn có đại hội này), thậm chí như một ngạn ngữ phương Tây “quyền lực cho đến chết.”

Nhưng người Đức sẽ tiếp tục trừng phạt?

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Sau “giải quyết đối nội,” phần “trả giá đối ngoại” là đến mức nào? Và đã thật sự chấm dứt hay chưa?

Người Đức đã khá mau chóng kết thúc những cuộc đàm phán khủng hoảng ngoại giao với Việt Nam bằng “tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược” – một biện pháp trừng phạt thật sự bất ngờ đối với giới quan sát chính trị và dĩ nhiên với cả giới chóp bu Hà Nội.

Sự bất ngờ trên lại có thể là tiền đề mà có thể dẫn đến những bất ngờ khác và khó tưởng tượng trong tương lai, không chỉ là tương lai quan hệ giữa Đức và Việt Nam mà còn là quan hệ Việt Nam – châu Âu.

Trong thực tế, cấp độ quan hệ đối tác chiến lược còn cao hơn và bao trùm hơn so với quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Dù chỉ tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược, đây là lời cảnh báo rất trực tiếp về khả năng người Đức có thể tiến tới cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Cũng không còn quá muộn để nói: “Xin vĩnh biệt Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA).”

Không có quan hệ đối tác chiến lược với Đức, hoặc mối quan hệ này bị tạm treo vô thời hạn, Việt Nam sẽ chẳng còn hy vọng gì để tham gia EVFTA vào năm 2018 hay trước năm 2020 mà do đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này thêm vài phần trăm. Thậm chí một khi quan hệ đối tác chiến lược bị dang dở, mối quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Đức cũng đương nhiên bị ảnh hưởng. Sẽ khó còn cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu đến 6 tỷ đô la hàng năm vào đất Đức. Một hàng rào thuế quan và kiểm định chất lượng hàng hóa sẽ được dựng lên, và cũng giống như người Mỹ đã và đang làm với cá basa, tôm của Việt Nam, người Đức sẽ tỏ ra nghiêm khắc hơn hẳn trong việc giám sát không chỉ hàng hóa Việt Nam mà cả người Việt Nam “nhập khẩu” vào Đức.

Đức lại là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khối EU. Đức cũng là quốc gia nhập khẩu 1/5 các sản phẩm của Việt Nam xuất qua Châu Âu. Giá trị thương mại song phương Đức – Việt Nam lên đến 9 tỷ đô la, giúp cho số xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào thị trường EU lên tới 25 tỷ đô la, hoàn toàn trái ngược với số nhập siêu – cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch – của Việt Nam từ “bạn vàng” Bắc Kinh gấp đôi như thế – hơn 50 tỷ đô la mỗi năm.

Thời kỳ đóng băng kéo dài?

Một hiện tượng chính trị quốc tế đáng phân tích là ngay sau bản thông báo “tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược” của Đức được phổ biến vào ngày 22 Tháng Chín, gần như đồng loạt Đại sứ quán các nước EU như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ý, Thụy Điển đã đăng trên Facebook của mình bản Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại Giao Đức. Việc đăng lại như vậy là nhằm mục đích gì, nếu không phải để ủng hộ tuyên bố này của chính phủ Đức?

Trong số những nước đăng lại bản thông báo trên, Thụy Điển là quốc gia mà vào năm 2013 đã tuyên bố cắt giảm mạnh mẽ viện trợ ODA cho Việt Nam bởi lý do phía Thụy Điển đã phát hiện một phần viện trợ ODA bị giới chức Việt Nam ăn chặn và tham nhũng không chỉ lần đầu. Còn Bỉ là quốc gia mà một quan chức cao cấp của Việt Nam là Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ vừa công du để vận động nước này, cũng như một số nước Tây Âu khác, ủng hộ việc sớm thông qua EVFTA, nhưng ông Huệ đã chẳng nhận được bất kỳ hứa hẹn nào từ các quốc gia này.

Một khả năng có thể xảy đến là trong thời gian tới, những quốc gia như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ý, Thụy Điển sẽ có một số biểu cảm nào đó gần tương tự biểu hiện của người Đức đối với Việt Nam. Những biểu cảm này sẽ liên đới mật thiết với viện trợ không hoàn lại, tín dụng cho vay, cũng khiến đầu tư nước ngoài của Châu Âu vào Việt Nam có thể sụt giảm đáng kể. Những ưu đãi về hàng rào thuế quan trong nhập khẩu hàng Việt Nam cũng bởi thế sẽ được thả nổi theo mặt bằng thị trường chung. Thậm chí khách du lịch Châu Âu – khi đã được báo chí lục địa này dồn dập cảnh báo về “nhà nước bắt cóc,” sẽ chẳng còn mấy tha thiết đi dã ngoại ở một Việt Nam đầy rủi ro rình rập.

Một cách không cần tuyên bố, cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức- Việt và có thể liên quan đến quan hệ Việt Nam với một phần Châu Âu sẽ chuyển qua giai đoạn mới: thời kỳ đóng băng kéo dài nhiều năm.

Khi đó và theo cách nói nhấn nhá của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Đức “không có gì phải vội vàng cả” khi nói về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin, hậu quả với Việt Nam sẽ từ từ, dai dẳng và không kém phần đau đớn. Nhiều người dân và doanh nghiệp Việt Nam sẽ vô hình trung trở thành nạn nhân của hệ lụy trừng phạt từ phương Tây, nhưng lại chẳng dám thốt ra tên của thủ phạm đã gây ra những hậu quả ghê gớm này.

Nguồn: Phạm Chí Dũng/Người Việt

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.
Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo