Việt Nam

Ngăn biểu tình, CA ‘bắt hàng trăm người’ ở Tp.HCM

Cập nhật lúc 19-06-2018 11:33:40 (GMT+1)
Cảnh sát phong tỏa trung tâm Tp.HCM để ngăn cản biểu tình, 17/6/2018

 

Công an tại thành phố lớn nhất Việt Nam hôm 17/6 đưa 140 người “có dấu hiệu, hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng” về trụ sở “để làm việc”, theo báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh.


Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động tại địa phương viết trên mạng xã hội Facebook rằng số người bị nhà chức trách thành phố bắt “lên đến gần 200 người”.

Một tuần trước, các cuộc biểu tình có hàng ngàn người tham gia ngày 10 và 11/6 đã nổ ra ở một loạt tỉnh, thành để phản đối hai Dự luật Đặc khu và An ninh mạng. Báo chí trong nước dẫn thông tin từ công an cho hay, có 300 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình này.

Nhiều hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội kèm với lời cáo buộc là cảnh sát và nhân viên an ninh nhà nước đã đánh đập, kéo lê, bắt bớ người biểu tình.

Tôi cũng muốn đồng hành cùng đồng bào, cất lên tiếng nói yêu nước, nhưng mà không nghĩ là khi mình thể hiện tiếng nói yêu nước của một công dân thì lại bị đàn áp, bắt bớ như vậy

Anh Lý Bình

Riêng tại Bình Thuận, biểu tình đã leo thang thành bạo loạn với kết cục là một số xe cộ và tòa nhà thuộc chính quyền địa phương bị đốt phá.

Sau đó, đã xuất hiện trên mạng xã hội lời kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình vào ngày 17/6. Theo Reuters, vào ngày này, ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã diễn ra các cuộc “tuần hành ôn hòa” của các giáo dân bày tỏ phản đối Dự luật Đặc khu đang bị hoãn và Luật An ninh mạng mới được thông qua.

Không có tin tức nào cho biết người biểu tình có xuống đường ở các địa phương khác của Việt Nam hay không.

Nhiều người ở Tp.HCM tố cáo qua các tài khoản Facebook cá nhân rằng các nhân viên công an, an ninh thành phố hôm 17/6 buộc họ phải ở nhà, hoặc bắt giữ họ để ngăn chặn biểu tình nổ ra.

Các nhà hoạt động và người dân nói trên Facebook rằng nhà chức trách Tp.HCM đã “tùy tiện bắt người”. Theo lời họ, tại trung tâm thành phố từ sáng cho đến chiều ngày 17/6, công an có lúc “xô vào bắt “những người đang ngồi trong quán café”, lúc khác công an “vây quanh” người đang đi bộ “rồi đẩy lên xe đưa về đồn”.

Anh Lý Bình bị công an Tp.HCM tạm giữ gần 1 ngày hôm 17/6/2018
Anh Lý Bình bị công an Tp.HCM tạm giữ gần 1 ngày hôm 17/6/2018

Anh Lý Bình, 32 tuổi, một trong những người rơi vào hoàn cảnh như vậy, cho VOA biết, anh và một số người khác bị bắt ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, khi “chỉ uống cà phê và ra chụp hình”. Công an các cấp khác nhau đã “câu lưu” anh trong hơn 20 tiếng, anh cho hay.

Người đàn ông trẻ lâu nay tích cực lên tiếng về các vấn đề quan trọng của đất nước bày tỏ suy nghĩ về hành xử của phía chính quyền:

“Tôi vô cùng bức xúc và cảm thấy không hợp lý với một nhà nước mà gọi là bảo vệ cho dân. Tôi cũng muốn đồng hành cùng đồng bào, cất lên tiếng nói yêu nước, nhưng mà không nghĩ là khi mình thể hiện tiếng nói yêu nước của một công dân thì lại bị đàn áp, bắt bớ như vậy”.

Cá nhân anh không bị đánh đập, nhưng anh chứng kiến những người khác không được may mắn như vậy. Anh tường thuật thêm:

"Vào đó, tôi thấy có những người bị họ [công an] đánh, còng tay, các thứ”.

Tôi không có thừa nhận do là mình bị bắt cóc. Lúc đó thì bị tra tấn của những tên an ninh. Lúc đó, tôi quyết định tuyệt thực, không nói lời nào nữa, quyết định giữ quyền im lặng của bản thân

Anh Nguyễn Tín

Trong số những người bị công an Tp.HCM “đưa về trụ sở để làm việc”, có những người bị bắt trước ngày 17/6 tới cả hai ngày.

Anh Nguyễn Tín, 28 tuổi, người tham gia các hoạt động thúc đẩy tự do, dân chủ trong 2 năm qua, cho VOA biết anh bị công an một phường của quận Tân Bình cưỡng chế về đồn hồi 10h tối ngày 15/6. Bị tra hỏi về việc tham gia như thế nào vào cuộc biểu tình trước đó 5 ngày, song anh “từ chối hợp tác”.

Anh kể lại:

“Tôi không có thừa nhận do là mình bị bắt cóc. Lúc đó thì bị tra tấn của những tên an ninh. Lúc đó, tôi quyết định tuyệt thực, không nói lời nào nữa, quyết định giữ quyền im lặng của bản thân. Không có làm việc với những tên an ninh nữa, thì bị những cú đấm, những cùi chỏ vào đầu”.

Trên Facebook hôm 18/6, nhà hoạt động này đăng ảnh chụp nội dung toa thuốc sau khi khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, trong đó bác sĩ chẩn đoán “chấn thương phần mềm đầu khai do bị đánh”.

Bên cạnh lời tự thuật của hai anh Nguyễn Tín và Lý Bình, giới hoạt động ở Tp.HCM chia sẻ những hình ảnh trên mạng xã hội về các trường hợp mà theo lời họ “bị công an bắt và đánh đập tàn tệ”, trong đó có các anh Đặng Minh Ty và Trịnh Toàn bị đánh đến mức phải đi bệnh viện.

Có cáo buộc là nhà hoạt động Trịnh Toàn bị công an Tp.HCM đánh trọng thương hôm 17/6/2018
Có cáo buộc là nhà hoạt động Trịnh Toàn bị công an Tp.HCM đánh trọng thương hôm 17/6/2018

Trên trang cá nhân, luật sư Lê Luân viết: “Bắt bớ người dân không cần (trát) lệnh của toà án hay viện kiểm sát trong một vụ án hình sự đã là một sự vô pháp nghiêm trọng và phải bị trừng trị nghiêm minh theo pháp luật”.

Người thường xuyên phân tích, bình luận về các sự kiện ở Việt Nam viết thêm: “Nếu đám người nào đó đánh người đi biểu tình đến bất tỉnh và chấn thương sọ não, tràn máu não thì đó là hành vi man rợ và là tội phạm có dấu hiệu của tội giết người, dù bất kể kẻ đó là ai, nhân danh bất cứ điều gì và vì bất kỳ mục đích (an ninh) nào đi nữa”. Đi cùng bài viết là hình anh Trịnh Toàn đang nằm trên giường bệnh.

Tôi là một người dân có tình yêu với quê hương đất nước và luôn đòi hỏi tự do dân chủ cho một Việt Nam tốt đẹp. Thì những sự bắt bớ, đánh đập, tra tấn cũng như là tù đày sẽ không làm ý chí và hành động của tôi bị ngăn lại

Anh Nguyễn Tín

Võ sư Đoàn Bảo Châu, người cũng là một nhà văn có nhiều ảnh hưởng, viết trên Facebook rằng ông “cực lực phản đối cách dùng nhục hình, ép cung” của công an Tp.HCM. Ông gọi đó là “vô pháp, lạm quyền thô bỉ và tàn nhẫn”.

Đông đảo người sử dụng mạng xã hội cũng bày tỏ sự ủng hộ những quan điểm này và đưa ra các ý kiến tương tự.

Sau các cuộc biểu tình hôm 10 và 11/6, báo chí Công An Nhân Dân hôm 13/6 nói, một số người biểu tình ở Bình Thuận “nhận 300.000 đồng từ một kẻ kích động là phụ nữ”. Các nhà hoạt động và nhiều người dân bày tỏ rằng họ không thấy có bằng chứng thuyết phục trong bài báo.

Bản thân là người đi biểu tình, anh Nguyễn Tín bác bỏ thông tin trên báo nhà nước, đồng thời chia sẻ về động lực của anh:

“Những điều đó là hoàn toàn sai sự thật và nó hoàn toàn chỉ mang tính chất tuyên truyền của nhà chức trách thôi. Tôi là một người dân có tình yêu với quê hương đất nước và luôn đòi hỏi tự do dân chủ cho một Việt Nam tốt đẹp. Thì những sự bắt bớ, đánh đập, tra tấn cũng như là tù đày sẽ không làm ý chí và hành động của tôi bị ngăn lại”.

Trong các tuyên bố riêng rẽ hôm 15 và 18/6, tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW và Ân xá Quốc tế lần lượt kêu gọi Việt Nam “chấm dứt các vụ bắt giữ không hợp pháp” và “sử dụng vũ lực” chống lại những người biểu tình, cũng như cần phải “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” những người biểu tình bị giam, bên cạnh đó là “tiến hành điều tra ngay, toàn diện và hiệu quả” đối với những cáo buộc về việc có những người biểu tình bị tra tấn trong khi bắt giữ.

Nguồn: VOA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.
Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo