Việt Nam

Những thách thức đang chờ đợi tân chính phủ Việt Nam

Cập nhật lúc 22-07-2011 16:51:31 (GMT+1)
Quốc hội mới của Việt Nam khai mạc phiên họp đầu tiên ở Hà Nội ngày 21/07

 

Quốc hội khóa 13 của Việt Nam mở kỳ họp thứ nhất từ ngày 21 tháng 7 đến ngày 6 tháng 8 tại Hà Nội, với một trong các nội dung quan trọng then chốt là việc chính thức bầu ra một tân Chính phủ cho nhiệm kỳ mới (2011-2015).


 

Đây là một nhiệm kỳ với rất nhiều thách thức to lớn đặt ra trước tân Chính phủ, khi nền kinh tế có hàng loạt căn bệnh kinh niên, cần phải chữa trị dứt điểm nhưng trong nhiệm kỳ qua đã không được xử lý kịp thời.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, lưu ý với BBC về thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay:  “Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện nay không còn là nền kinh tế tăng trưởng lớn thứ hai sau Trung Quốc, điều mà báo chí trong nước vẫn nói lâu nay đó là hoàn toàn không đúng sự thực.”Những thách thức đang chờ đợi tân chính phủ Việt Nam

Chuyên gia cho biết hiện nay nhiều quốc gia trong khu vực như Indonesia, Lào hay Campuchia đã tăng trưởng cao hơn Việt Nam.

Được biết, Singapore, trong năm 2010 đã tăng trưởng nhanh hơn Việt Nam, tới mức 15,2%, mặc dù trước đó đảo quốc này đã bị sút giảm tăng trưởng nghiêm trọng vào năm 2009, mức tăng trưởng này vẫn được cho là “ngoạn mục.”

 “Hiện nay, Việt Nam là một nước tăng trưởng rất vừa phải thôi, xếp thứ tư hay thứ năm trong khu vực, và không phải là tăng trưởng cao.”

Một chuyên gia từ Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho hay tình hình kinh tế ở trong nước hiện nay là rất “khó lường,” trong lúc đà lạm phát đã ở mức rất cao, thâm hụt thương mại rất lớn, bội chi ngân sách quá cao và đồng tiền liên tục mất giá.

Theo chuyên gia không muốn tiết lộ danh tính này, nếu tiếp tục vận hành nền kinh tế theo cách thức như nhiệm kỳ trước của Chính phủ, “với bội chi ngân sách cao, đầu tư quá tràn lan, tập trung và thiên vị cho khu vực nhà nước, trong khi lỏng lẻo kiểm soát hiệu quả đầu tư và kỷ luật tài chính ở các tập đoàn, doanh nghiệp ở khu vực này, thì nền kinh tế sẽ tiếp tục xuống dốc”.

 “Bẫy Chính phủ”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách độc lập IDS, ngoài điều được gọi là nguy cơ mắc phải cái bẫy phát triển “thu nhập trung bình”, Việt Nam đang đứng trước một cái bẫy khác nghiêm trọng hơn mà ông gọi là “bẫy Chính phủ”.

Theo ông Quang A, nếu các cán bộ, quan chức của Chính phủ được tuyển dụng, cất nhắc dựa vào các tiêu chí như “cánh hẩu”, “con ông, cháu cha,” thậm chí “mua quan bán chức”, thì không thể có những người tài giỏi tham gia vào chính quyền.

 “Và như thế, chất lượng chính sách sẽ tồi, làm cho kinh tế kém phát triển, hoặc phát triển một cách méo mó, toàn bộ nền kinh tế hoạt động không có hiệu quả. Mà khi không có hiệu quả, đát nước khó có đủ nguồn lực để trả công cho công chức một cách đàng hoàng để họ làm việc. Tôi gọi đây là một cái vòng luẩn quẩn,” ông nói với BBC.

Nhiều nhà tư vấn tài trợ quốc tế, các cơ quan và định chế quốc tế và châu lục như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân hàng Phát triển Á Châu... đã nhiều lần lưu ý Việt Nam về việc giải quyết vấn đề tham nhũng trong bộ máy Chính phủ ở các cấp, tuy nhiên, theo giới quan sát, Việt Nam đạt được các tiến bộ rất chậm chạp và thiếu các động thái chủ động, cụ thể trong các lĩnh vực này.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ đã xuất hiện một hiện tượng “chưa từng có trước đây”:

“Đó là các đại gia tư nhân, các nhóm lợi ích có thể ảnh hưởng đến các chính sách và những quyết định. Ví dụ, người ta nói quyết định mở rộng Hà Nội không do Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội khởi xướng, mà do một nhóm đại gia nào đấy đã có tính toán về việc mở rộng đất đai, giá đất sẽ lến, và đã có khởi xướng, dẫn đến những quyết định như vậy,” cựu thành viên Ban Nghiên cứu tư vấn chính phủ, đã bị giải thể, nói với BBC.

 “Người ta cũng nói là quyết định đầu tư ở chỗ này, chỗ kia, ở sau lưng đó, đều có đại gia có tác động vào đấy. Tức là Chính phủ áp dụng những cơ chế, chính sách để phù hợp và đáp ứng lợi ích của một nhóm rất nhỏ, chứ không tính đến lợi ích của đại đa số người dân,” tiến sĩ cho biết thêm.

Nợ nước ngoài

Giới quan sát trong nước cũng phản ánh tình hình nợ nước ngoài của Việt Nam hiện đang có những vấn đề nghiêm trọng.

Những thách thức đang chờ đợi tân chính phủ Việt NamBáo chí và truyền thông nhà nước cũng thừa nhận tình hình tiết kiệm nội địa Việt Nam đã giảm đi nhiều, với mức tiết kiệm trước đây đạt xấp xỉ 30% của GDP, nhưng nay chỉ còn ở mức từ 25-26% của Tổng Sản phẩm Quốc nội này.

 “Tức là chỉ trong một thời gian rất ngắn, người Việt đã tiêu dùng nhiều hơn. Hiện nay, một số người tiêu dùng quá mức cho phép so với mức thu nhập đầu người bình quân là 1.100 USD,” tiến sĩ Lê Đăng Doanh bình luận.

Ông cũng cho biết thêm rằng do muốn thúc đẩy tăng trưởng nhanh, Chính phủ đã tăng đầu tư của mình từ khoảng 34% GDP lên mức 40-41% Tổng Sản phẩm Quốc nội, do đó kéo theo nợ tăng lên.

 “Nợ đó được vay và chuyển vào các tập đoàn Nhà nước như Vinashin v.v... mà chúng ta đã biết người ta sử dụng đồng vốn vay đó như thế nào,” ông Doanh nhận xét tiếp.

 “Chúng ta cần xem xét lại một cách nghiêm chỉnh tốc độ tăng nợ và việc vỡ nợ của các nước như Hy Lạp. Tôi rất mong Quốc hội có những quy định rất nghiêm ngặt trong việc vay nợ. Bởi vì nợ công của VN, nợ của doanh nghiệp nhà nước cũng là một mối đe dọa sự ổn định kinh tế.”

Cải cách thể chế

Trong nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ, giới quan sát cũng cho rằng nhiều chính sách kinh tế vĩ mô đã được thiết lập “thiếu hợp lý,” trong đó Việt Nam đã chững lại trong xu hướng cải cách thể chế nói chung, cổ phần hóa các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước, khuyến khích động lực thực sự của khu vực tư nhân (trong và ngoài nước) vốn đóng góp tới gần 70% hiệu quả đầu tư.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng chính sách kinh tế trong vòng 25 năm trở lại đây, có cốt lõi là “trả lại cho người dân, doanh nghiệp quyền tự do kinh tế vốn đã bị tước đoạt một thời” và là một sự “giải phóng và động lực rất lớn” trong giai đoạn đầu những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Nhưng nay, theo ông, nền kinh tế cần phải chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, vì chính sách trên có lẽ đã “phát huy hết nội lực của nó” và chính phủ phải có những chính sách kinh tế dẫn dắt, khuyến khích động viên tốt hơn người dân và các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, như “một bước hay một cuộc đổi mới thứ hai".

 “Rất đáng tiếc, những chính sách như thế đã không được hình thành trong suốt thời kỳ qua cũng như nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ,” Tiến sĩ Quang A nói.

Một số nhà quan sát cho rằng nhiều chính sách của chính phủ đã tập trung quá nhiều vào sức mạnh kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế, mà lại thiếu kiểm soát kỷ luật tài chính, hiệu quả đồng vốn của các doanh nghiệp này, dẫn đến nền kinh tế tiếp tục sa lầy ngay trong bối cảnh tham nhũng lan tràn và thu hút vốn đầu tư quốc tế không còn dễ dàng như trước.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo