Việt Nam

Ông Trọng đang ‘cải tổ’ Bộ Công an?

Cập nhật lúc 17-01-2018 11:46:32 (GMT+1)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị Công an toàn quốc vào ngày 15/1/2018.

 

Tại Hội nghị Công an toàn quốc ngày 15/1, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lực lượng an ninh Việt Nam “phải đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng”, đồng thời hối thúc điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy Bộ Công an.


Phát biểu của ông Trọng được đưa ra giữa bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam đang gây chú ý qua vụ bắt và xét xử Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng và cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.

'Còn Đảng còn mình'

Ngay điểm đầu tiên trong bài phát biểu dài hơn 4.600 từ, ông Trọng khen lực lượng công an “Đã thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn chức năng tham mưu với Đảng”, “Chủ động đề xuất các chủ trương, đối sách phù hợp để xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống, nhất là các vấn đề nhạy cảm, không để bị động, bất ngờ”, “vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước”.

Tổng bí thư cũng không quên nhắc đến công của lực lượng công an trong chiến dịch chống tham nhũng.

“Nhiều vụ việc tồn tại từ những năm trước đã được triển khai đồng bộ, bài bản, thận trọng và giải quyết triệt để, đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được dư luận hết sức quan tâm, nhân dân đồng tình ủng hộ”, ông Trọng nói.

Trong bài phát biểu, ông Trọng liên tục đề cập đến vai trò chỉ đạo “tuyệt đối” và “trực tiếp” của Đảng. Ông nhắc lực lượng công an phải “luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí” và thực hiện cho bằng được chân lý “Còn Đảng thì còn mình”.

TS. Phạm Chí Dũng, một nhà nghiên cứu chính trị, thời sự tại Việt Nam, cho rằng sở dĩ ông Trọng chú ý đặc biệt, thậm chí trực tiếp tham gia vào lực lượng công an là do học hỏi từ kinh nghiệm từ chiến dịch chống tham nhũng và thâu tóm quyền lực của Tập Cận Bình ở Trung Quốc.

“Công an quan trọng ở chỗ: Thứ nhất, đó là cơ quan điều tra, nếu cần thiết có thể điều tra về tham nhũng. Thứ hai, đó là cơ quan nắm hồ sơ về tham nhũng mà các cơ quan khác khó lòng nắm được. Nhưng điều quan trọng trên hết, khi thi hành các biện pháp tố tụng hình sự đối với các quan chức, thì chính công an là cơ quan có quyền khởi tố và đi bắt người”, TS. Phạm Chí Dũng phân tích.

Tháng 9/2016, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng bí thư đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam “chủ động tham gia” vào Đảng ủy Công an Trung ương.

Cho đến nay, theo nhận định của TS. Phạm Chí Dũng, ông Trọng đã bắt đầu “nắm” được Bộ Công an, và minh chứng rõ ràng nhất là vụ “điều binh khiển tướng” bắt Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.

Vụ án ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng, theo nhận định của giới quan sát quốc tế, là một cuộc đấu đá nội bộ, trong đó phe cánh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đối tượng đang bị nhắm tới.

Biến động lớn về nhân sự?

Cũng tại hội nghị của lực lượng công an, ông Nguyễn Phú Trọng còn đề cập đến vấn đề “lợi ích nhóm” khi nhắc nhở về những biểu hiện “suy thoái” của công an nhân dân.

TS. Phạm Chí Dũng cho rằng nhắc nhở của ông Trọng có liên quan đến những vụ bê bối trong ngành công an. Ông nói:

“Lần đầu tiên kể từ khi tham gia vào Thường vụ Đảng ủy Trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng đề cập đến chuyện phải xử lý nghiêm khắc những cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật. Cũng thời điểm này lại xảy ra 2 vụ trong ngành công an. Thứ nhất là vụ Vũ Nhôm đào thoát khỏi Việt Nam và sau đó bị dẫn độ về Việt Nam. Vụ thứ hai là tin đồn cựu Tổng cục trưởng Cảnh sát nhân dân, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, bị bắt liên quan đến việc bảo kê cờ bạc. Mặc dù tin này chưa được xác nhận chính thức, nhưng Bộ Công an khi trả lời báo chí cũng không khẳng định không bắt Phan Văn Vĩnh, chỉ nói rằng tin đồn không có cơ sở. Nhưng cho tới giờ, không có bất cứ phát biểu, hình ảnh của ông Vĩnh được đưa ra nên dư luận càng nghi ngờ việc bắt Phan Văn Vĩnh là có thật”.

Trong bài phát biểu, ông Trọng cũng đề cập đến việc “sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an”, một chỉ dấu mà theo TS. Phạm Chí Dũng, báo hiệu những biến động, đảo lộn lớn về mặt nhân sự tại Bộ Công an trong năm 2018, trong đó, không loại trừ khả năng đối thủ chính trị hay phe cánh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục bị nhắm tới.

“Sắp xếp hay cải tổ thì đều liên quan đến vấn đề nhân sự. Những nhân sự cũ của ông Nguyễn Tấn Dũng để lại trong Bộ Công an vẫn còn. Nên theo tôi, những nhân sự do ông Nguyễn Tấn Dũng bố trí trong Bộ Công an trước đây có lẽ là một thành phần quan trọng mà ông Nguyễn Phú Trọng muốn nhắm tới trong việc cải tổ, sắp xếp lại Bộ Công an”, TS. Phạm Chí Dũng nói.

Tại Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10 năm ngoái, ông Nguyễn Phú Trọng nói “tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh” và “cơ cấu bên trong chưa hợp lý”. Ông yêu cầu phải sắp xếp lại bộ máy, trong đó, công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước là thành phần được ông Trọng điểm ra.

Nguồn: VOA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo