Việt Nam

Việt Nam phao tin Nga khẳng định hơi độc novichock xuất xứ từ Séc

Cập nhật lúc 04-04-2018 16:15:31 (GMT+1)
Ảnh: Internet

 

Thế kỷ 21 mặc dù đã qua một phần năm nhưng các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của đủ các cấp vẫn chưa ý thức được- hay ngoan cố phớt lờ- thực tiễn, rằng trong thời đại “a còng” và trên thế giới phẳng mọi thông tin đều có thể xác minh được trong vòng “một nốt nhạc”. Ví dụ mới nhất là vụ hạ độc điệp viên Nga hai mang Sergei Skripal.


Thứ Sáu, ngày 30/03/2018 hồi 12:28 PM GMT+7, kênh VTC News mà cơ quan chủ quản là Đài Truyền hình KTS VTC duy nhất trên thế giới trắng trợn tung tin: Nga khẳng định chất độc sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal có nguồn gốc từ Séc, một trong những nước trục xuất các nhà ngoại giao Nga ngày 26/3 vừa qua.”


Trong khi đó, diễn biến căng thẳng liên quan tới vụ việc này đang là đề tài được quan tâm và cập nhập liên tục. Cho nên hết sức dễ dàng xác minh phát ngôn viên bộ Ngoại giao LB Nga Marija Zacharovová đã thực sự nói như thế nào trong phiên họp báo hôm thứ Năm, 29/03. Bình luận về sự việc, phát ngôn nhân Marija Zacharovová tuyên bố, rằng NATO tận dụng tiềm năng của công nghiệp hóa chất CH Séc và kinh nghiệm của Séc trong lĩnh vực chống vũ khí hóa học. “Không ai cáo buộc Praha điều gì bao giờ và hiện không cáo buộc,” Marija Zacharovová tuyên bố nhưng đồng thời bổ xung, là trên truyền thông đại chúng kể cả truyền thông Séc có nhiều bài viết khẳng định về tiềm năng nghiên cứu hóa chất của Séc.

Theo Marija Zacharovová, Séc (Tiệp Khắc) đã tiến hành các nghiên cứu trong lĩnh vực chống vũ khí hóa học trong khuôn khổ Hiệp ước Warsawa. “Trên tất cả các phương tiện truyền thông đều có tin tức về đề tài này, rằng sau khi tổ chức (Hiệp ước Warsawa) sụp đổ tiềm năng khoa học Séc trong lĩnh vực này vô cùng thích hợp cho đồng minh phương Tây mới, và NATO đã thừa kế,” Marija Zacharovová nói và bổ xung, rằng bộ đội hóa học Séc đã đảm nhiệm sứ mệnh đặc biệt ở vùng Cận Đông, đã khắc phục hậu quả vũ khí hóa học sử dụng ở Kuvaj. Nhân đây cần nhắc lại, là sau cuộc chiến vùng Vịnh nhiều binh sĩ Mỹ có triệu chứng nhiễm độc chất nên Lầu Năm góc đã đề nghị bộ Quốc phòng Cộng hòa Séc cung cấp tài liệu mà bộ đội hóa học Séc thu lượm được khi làm nhiệm vụ. Qua sự kiện này dạo đó quân đội CH Séc đã hãnh diện vì là thành viên có ích cho Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thế nhưng ngày đó truyền thông nhà nước Việt Nam đã phao tin ngược, rằng là bộ Quốc phòng CH Séc yêu cầu phía Mỹ cung cấp thông tin về khả năng sử dụng vũ khí hóa học, vì nhiều binh sĩ Séc khi về nước có biểu hiện nhiễm hóa chất độc. Trong khi đó trên thực tế hầu hết các hoạt động quốc tế mà bộ đội Séc tham gia là đặc nhiệm hóa học.

Điều này cũng được Marija Zacharovová nhấn mạnh lại trong phiên họp báo, rằng vị trí quan trọng trong nghiên cứu phát triển khí độc ở CH Séc có cả chất hại thần kinh dạng novichock. Marija Zacharovová nhắc lại khẳng định trước đó của Kreml, rằng nghiên cứu mang mã “Novichock” diễn ra tại Anh, Mỹ, Séc và Thụy Điển. Rằng các nhà khoa học Séc không chỉ một lần nhận được tài trợ từ Ban khoa học NATO và tại vùng Vyškov của Séc có trung tâm tránh vũ khí hủy diệt hàng loạt của NATO.

Nguyên văn tuyên bố của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga Marija Zacharovová hôm 29/03 là: “Không ai cáo buộc Praha điều gì bao giờ và hiện không cáo buộc. Trái ngược với các đồng nghiệp Anh quốc chúng tôi không đưa ra lời cáo buộc nào. Chúng tôi chỉ nói, là thậm chí cả trên không gian truyền thông- và đó không phải là tuyên truyền, không phải Nga, mà là truyền thông Séc- có tồn tại lượng tài liệu lớn, khẳng định tiềm năng của Séc trong lĩnh vực nghiên cứu hóa học. Và cần phải lưu ý về điều đó”. Ngoại trưởng CH Séc Martin Stropnický (ANO) mặc dù tuyên bố không bình luận về câu nói của đại diện phía Nga- “Tôi không thuộc tuýp phản ứng lại tất cả mọi luận điệu”- nhưng đồng thời khẳng định: “Đấy không phải là tuyên bố xuông, nhưng điều quan trọng, là chúng tôi trên vị thế thủ tướng và Ngoại trưởng đã cực lực bác bỏ.” Còn thủ tướng Andrej Babiš (ANO) liên quan tới việc CH Séc trục xuất ba nhà ngoại giao Nga từng bình luận, rằng hành động của chính quyền Séc không chỉ là đoàn kết với Anh quốc, mà cả vì lí sự của người Nga là novichock “có thể xuất xứ từ Séc” và điều đó “đã đi quá mọi giới hạn”.

Và cách hiểu đơn giản như thông lệ của truyền thông Việt Nam qua phần thể hiện võ đoán mới nhất của VTC New là Nga khẳng định chất độc sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal có nguồn gốc từ Séc”.  

Vì lập luận trước đó của người Nga cho rằng novichock có thể xuất xứ từ Séc, bộ Ngoại giao CH Séc đã triệu tập đại sứ Nga ở Praha tới để yêu cầu giải thích. Nếu nhà đương cục Séc biết được khẳng định của VTC New, không loại trừ khả năng đại sứ Việt Nam ở Praha cũng phải tới bộ Ngoại giao để giải thích.

“Chỉ người điên…”

Cũng liên quan đến vụ hạ độc điệp viên Nga hai mang Sergei Skripal, phiên bản Việt ngữ của trang Sputnik có bài phỏng vấn của kênh này với hai nhân vật có hai luồng quan điểm trái ngược, và được nhiều cổng thông tin chính thức của Việt Nam đăng lại với tiêu đề “Doanh nhân Séc: chỉ người điên mới ra lệnh tiêu diệt kẻ phản bội trước bầu cử tổng thống. ”. Nhưng độc giả Việt ngữ chỉ được biết một nửa nội dung.

https://vn.sputniknews.com/opinion/201803295099755-vu-dau-doc-skripal-truoc-bau-cu-tong-thong/    tiếng Việt

https://cz.sputniknews.com/ceskarepublika/201803277037476-cesko-babis-rusko-diplomacie-skripal/   tiếng Séc

Trong phỏng vấn này, Sputnik đưa tin về lập trường của chủ tịch Liên hiệp Công nghệ Năng lượng Séc Zdeněk Zbytek và cựu đại sứ CH Séc ở LB Nga Luboš Dobrovský. Nhưng độc giả tiếng Việt chỉ biết được suy nghĩ của cựu sĩ quan cao cấp quân đội Tiệp Khắc Zdeněk Zbytek, nay là doanh nhân gặt hái nhiều thành công với thị trường Nga và là đệ tử gần gũi của tổng thống Miloš Zeman. Vì có mối quan hệ gắn bó với cấu trúc Liên Xô cũ, từ thập kỷ 90 nhân vật này đã bị Cục Tình báo dân sự (BIS) để ý. Dĩ nhiên thái độ của Zdeněk Zbytek bênh vực điện Kreml tuyệt đối.

Vì thế cho nên NVXQ thấy rằng độc giả Việt ngữ cũng nên biết về lập trường trái ngược của cựu đại sứ CH Séc ở LB Nga Luboš Dobrovský. Luboš Dobrovský hoàn toàn tán thành lập trường chính thức của chính phủ Séc khi giải thích lí do trục xuất ba nhân viên ngoại giao Nga. Theo Luboš Dobrovský thì lẽ ra CH Séc đã phải trục xuất những nhà ngoại giao này từ lâu, vì một bộ phận phái đoàn ngoại giao Nga ở Praha hoạt động gián điệp. “Hàng năm phản gián của chúng ta đều lưu ý chính phủ và thậm chí công bố một phần báo cáo, khẳng định tại đại sứ quán LB Nga ở Praha có những đối tượng rõ ràng chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ gián điệp trên mọi lĩnh vực, trong khi tạm thời chính quyền chúng ta chưa can đảm hành động. (…) Nhân sự đại sứ quán Nga oử Praha đông gấp nhiều lần số lượng nhân viên ngoại giao Séc ở đại sứ quán của chúng ta ở Moscow. Điều này có thể là vì các nhân viên ngoại giao Nga lười biếng, bất tài hơn người Séc? Nhưng chắc chắn không phải như vậy,” Luboš Dobrovský nói với Sputnik.

Theo Luboš Dobrovský, việc nhân viên ngoại gia Nga bị trục xuất đồng loạt có thể dẫn đến khả năng, là một số đại diện cơ quan Ngoại giao Nga bắt đầu “có thái độ hữu nghị hơn” trong nhiều vấn đề tranh chấp. Thế nhưng trước thực tế, rằng phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga Marija Zacharovová và thứ trưởng Sergei Rijakov khăng khăng, là khí độc novichock với mã số A234 có thể có xuất xứ từ Séc, thì phía Séc không thể để yên.

Luboš Dobrovský thậm chí nhận xét, là qua việc trục xuất có thể cải thiện mối quan hệ Séc- Nga, nếu như phía Nga không trả đũa: “Tổng thống Miloš Zeman luôn khẳng định có quan hệ tốt đẹp với tổng thống Vladimir Putin. Nên nếu như ngài (Ngoại trưởng Nga) Lavrov chấp nhận giảm vài nhân viên ngoại giao ở Praha mà không tiến hành bất kỳ bước đi trả đũa thù địch nào, thì mối quan hệ Séc- Nga sẽ được thắt chặt thêm.”

Trước những kinh nghiệm như vậy với hệ thống truyền thông có sự chỉ đạo tài tình của các cấp, chắc chỉ có kẻ điên mới tin tưởng mù quáng!

David Nguyen tổng hợp theo Lidové Noviny,  Sputnik, VCT New
©Vietinfo

 

 

 

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.
Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo