Việt Nam

Xuất khẩu lao động điều dưỡng “đắt hàng”

Cập nhật lúc 01-05-2017 08:07:57 (GMT+1)
Lễ tốt nghiệp của các ứng viên điều dưỡng Việt Nam tại Đức. Ảnh: LÊ HÂN

 

Các nước phát triển có tốc độ già hóa dân số nhanh, nhu cầu chăm sóc người già ngày càng tăng lên còn nhân viên chăm sóc giảm đi. Nắm bắt được nhu cầu đó, những năm gần đây, thị trường xuất khẩu lao động Việt Nam đang chú trọng vào lao động điều dưỡng chất lượng cao, có tay nghề trình độ đại học, cao đẳng, phù hợp với các thị trường có thu nhập tốt như: Đức, Nhật Bản, Úc…


Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa có thông báo tuyển chọn 125 ứng viên điều dưỡng đi học tập, làm việc, chăm sóc người bệnh tại Cộng hòa Liên bang Đức. Thời gian nhận hồ sơ từ nay đến hết ngày 15-6, các ứng viên tốt nghiệp THPT, đã và đang học về điều dưỡng đều được dự thi. Sau khi tốt nghiệp khóa học tiếng Đức tại Việt Nam, các ứng viên được sang Đức học chuyên môn thêm 3 năm, thời gian học được hưởng trợ cấp và lương làm thêm. Cụ thể, năm đầu hưởng lương 850 ơ-rô/tháng (khoảng 21 triệu đồng), năm thứ 2 là 950 ơ-rô/tháng (khoảng 23,5 triệu đồng), năm thứ 3 từ 1.050 ơ-rô/tháng (khoảng 26 triệu đồng). Sau khi vượt qua đợt sát hạch cuối, điều dưỡng viên làm việc cho các cơ sở y tế, bệnh viện tại Đức và hưởng lương 2.400-2.500 ơ-rô/tháng (khoảng 51,5-65 triệu đồng) cùng các khoản phúc lợi khác. Đây là những ứng viên đầu tiên trong dự án thí điểm tuyển chọn và đào tạo điều dưỡng viên Việt Nam sang học tập và làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện của Cộng hòa Liên bang Đức theo thỏa thuận đã ký trước đó giữa Cục QLLĐNN và Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ). Do đang thí điểm nên Cục QLLĐNN trực tiếp nhận hồ sơ và tuyển ứng viên.

Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục QLLĐNN (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: “Việc tiếp tục tiếp nhận lao động ngành điều dưỡng theo dự án thí điểm này đang mở ra cơ hội lớn trong hợp tác đưa lao động có trình độ của Việt Nam sang làm việc tại nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam là nước đầu tiên ngoài khối EU được phía Đức lựa chọn thực hiện thí điểm”. Cơ hội tuyển chọn và xuất khẩu ứng viên ngành điều dưỡng theo ông Hương là khá rộng mở, bởi khi vào được thị trường Đức, lao động Việt Nam có cơ hội làm việc tại các nước khác trong khối EU. Đặc biệt, không chỉ Đức, nhu cầu lao động ngành điều dưỡng tại Thụy Sĩ cũng rất cao. Đại sứ Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ) cũng đang tìm hiểu về nhu cầu thực sự của Thụy Sĩ để đề xuất hướng hợp tác thời gian tới. Riêng ngành điều dưỡng, Việt Nam đang hợp tác với Đức 2 dự án. Dự án thứ nhất là đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người già tại Đức. Dự án thứ hai đang thực hiện thí điểm là đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang học tập và làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người bệnh. Về dự án thứ nhất, hiện đã có 276 lao động sang Đức học tập và làm việc; 92 học viên khác đang học tiếng Đức tại Hà Nội. Ngoài ra, Trung tâm lao động ngoài nước cũng đã phối hợp với Công ty Vivantes (Đức) chuẩn bị tuyển chọn học viên cho khóa tiếp theo bắt đầu học tiếng vào tháng 9 tới.

Cục QLLĐNN xây dựng đề án "Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025" để trình Chính phủ. Đề án hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu lao động trình độ cao ở một số ngành nghề như hộ lý, điều dưỡng sang Nhật Bản, Đức; cơ khí, công nghệ thông tin, điện tử sang Hàn Quốc và hướng đến một số thị trường mới như Slô-va-ki-a, Cộng hòa Séc... Đây là hướng đi mới, không chỉ đem lại cơ hội việc làm mà còn góp phần nâng cao vị thế của lao động Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện nhiều nước trong và ngoài khu vực đang cần nguồn lao động chất lượng cao và có chính sách khuyến khích tiếp nhận. Tuy nhiên, số lượng lao động đi theo những chương trình này còn rất hạn chế. Lý do là ngoài yêu cầu rất khắt khe của các thị trường trên thì cùng với yêu cầu về sức khỏe, tay nghề, kỹ năng, người lao động còn phải đáp ứng được các tiêu chí về ngoại ngữ, ứng xử, tác phong làm việc. Tương tự như lao động phổ thông, lao động đã qua đào tạo đại học, cao đẳng muốn tham gia vào các chương trình xuất khẩu lao động đều phải được hỗ trợ bồi dưỡng về ngoại ngữ, tay nghề, văn hóa, hoặc đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi ngành nghề phù hợp với thị trường tiếp nhận.

Phó cục trưởng Phạm Viết Hương nói rõ: Việc tuyển điều dưỡng sang Đức chỉ thực hiện duy nhất tại Cục QLLĐNN, những công ty, tổ chức khác đứng ra tuyển chọn đều là bất hợp pháp vì hiện có một số tổ chức cũng thông báo tuyển dụng ứng viên điều dưỡng đi Cộng hòa Liên bang Đức theo diện thực tập sinh. Ông Phạm Viết Hương khuyến cáo người lao động đọc những thông tin tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý đi Nhật Bản, Đức mà không phải được đăng tải trên website của Bộ LĐ-TB&XH (www.molisa.gov.vn) và trang website của Cục QLLĐNN (www.dolab.gov.vn) thì phải cảnh giác. Cục QLLĐNN là đơn vị duy nhất tiếp nhận hồ sơ ứng viên tham gia chương trình hợp tác đưa điều dưỡng viên sang Đức làm việc.

Nguồn: HÀ VŨ/ qdnd.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo