Sự kiện

25 năm sự kiện Thiên An Môn

Cập nhật lúc 04-06-2014 11:38:29 (GMT+1)
Hàng trăm ngàn người biểu tình tập trung ở quảng trường Thiên An Môn quanh bức tượng Nữ Thần Dân Chủ tự chế. (Hình AP)

 

Biến cố Thiên An Môn là cao điểm trong một loạt những vụ biểu tình của sinh viên, trí thức và những nhà lãnh đạo công nhân tại nhiều thành phố ở Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, từ 16 tháng 4 đến 4 tháng 6 năm 1989,  đòi hỏi dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí .


Sự kiện này xảy ra dưới thời Đặng Tiểu Bình khi đường lối đổi mới kinh tế đưa đến những hậu quả lạm phát  tăng cao, thất nghiệp lan tràn đe dọa cuộc sống của nhân dân và tham nhũng trong các giới chức chính quyền. Tình trạng bất ổn ở xã hội các nước Cộng Sản Đông Âu vào thời gian đó cũng góp phần ảnh hưởng đáng kể.

Theo một nghĩa hẹp hơn, đây là vụ Thảm Sát tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989, cuộc đàn áp đẫm máu bằng việc sử dụng Quân Đôi Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc có chiến xa hỗ trợ.

Phong trào tranh đấu rộng lớn nhất sau 40 năm Cộng Sản cai trị Trung Quốc

Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang, một người có xu hướng cải cách và được dân chúng đặt nhiều kỳ vọng, qua đời ngày 15 tháng 4 năm 1989.   Nhân tang lễ của ông, dân chúng Trung Quốc biến thành những cuộc biểu tình tranh đấu tại nhiều thành phố. Ba ngày sau 10,000 sinh viên Bắc Kinh tiến hành cuộc biểu tình ngồi  và đêm 21 tháng 4 trước ngày quốc tang 100,000 sinh viên tuần hành trên quảng trường Thiên An Môn.

Phong trào biểu tình phản đối leo thang dần trong hai tháng tiếp theo. Tới 30 tháng 5 một bức tượng Nữ Thần Dân Chủ được dựng lên giữa quảng trường và nơi đây trở thành trung tâm của phong trào tranh đấu thu hút sự quan tâm theo dõi của truyền thông quốc tế. Váo lúc cao điểm của phong trào dân chủ, có khoảng một triệu người đã tụ tập tại công trường này.]

Trước nguy cơ tình thế có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, đảng Cộng Sản Trung Quốc phải tìm cách đối phó. Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương chủ trương đường lối tiếp cận mềm dẻo với những người biểu tình, nhưng phe ôn hòa của ông bị lấn át bởi phe chủ trương cứng rắn trong đó có lãnh đạo tối cao  Đặng Tiểu Bình, Thủ Tướng Lý Bằng và chủ tịch nước Dương Thượng Côn.

Ngày 20 tháng 5 chính phủ tuyên bố thiết quân luật nhưng quân đội không thể vào Bắc Kinh vì người biểu tình quá đông. Quân đoàn 27 và 28 từ các tỉnh bên ngoài được đưa về vì các đơn vị quân đội ở Bắc Kinh tỏ ra có cảm tình với nhân dân thành phố và người biểu tình. Tối 3 tháng 6, chiến xa, xe thiết giáp và quân đội mang súng gắn lưỡi lê tiến đến quảng trường Thiên An Môn. Cuộc biểu tình bị giải tán và đàn áp không nương tay bằng vũ lực trong đêm và sáng  ngày 4 tháng 6.

Cho đến nay không có con số chính xác nào đáng tin cậy về tổn thất nhân mạng trong vụ đàn áp đẫm máu này. Chính quyền Trung Quốc không bao giờ công bố con số thương vong. Theo một ước lượng khách quan, khoảng 2,500 người chết và 7,000 người bị thương. Những ước lượng khác nhau đưa ra con số người thiệt mạng từ khoảng 200 đến 10,000.

Đây là phong trào tranh đấu mạnh mẽ nhất kể từ khi đảng Cộng Sản Trung Quốc chiếm được chính quyền trên toàn thể lục địa năm 1949, và từ 25 năm gần đây không xảy ra vụ biến động nào có tầm mức đáng kể.

"The Tank Man" Người biểu tình vô danh, đơn độc cản lối xe tăng (Hình: AP/Jeff Widener)

Một người biểu tình cản đường xe tăng

Tiêu biểu cho biến cố Thiên An Môn là bức hình một người đơn độc đứng giữa đại lộ Tràng An cản lối đoàn xe tăng T-59 đi tới quảng trường ngày 5 tháng 6. Phóng viên Jeff Widener của thông tấn xã AP  chụp bức hình này từ lầu 6 khách sạn Beijing Hotel cách xa ½ dặm. 5 phóng viên quốc tế đã chụp được cảnh này từ những góc độ khác nhau, và hình ảnh được đăng ở trang nhất của tất cả mọi tờ báo trên thế giới.

Vào thời kỳ ấy, máy ảnh vẫn còn phải dùng film. Nhiều cuộn phim về sự kiện Thiên An Môn bị công an Trung Quốc vào tận phòng của phóng viên ở khách sạn lục soát và tịch thâu, nhưng vẫn còn một số khác giấu được và lén lút chuyển ra nước ngoài.

Băng video thâu hình cho thấy khi chiếc xe tăng đầu đoàn đị tới sát gần, người này vẫn bình tĩnh đứng yên, lúc xe tăng định rẽ sang tuyến đường bên cạnh để đi qua thì người này bước ngang và xe tăng đành phải dừng lại tránh. Sau nhiều lần bị cản, đoàn xe tăng tắt máy,  người cản đường leo lên chiếc xe dẫn đầu và đứng bên pháo tháp nói chuyện tranh luận với binh sĩ, rồi bước xuống. Tiếp đó chỉ huy trưởng chiếc xe tăng dẫn đầu đứng lên trong pháo tháp và xe máy trở lại định chạy, nhưng bị người này cản lối một lần nữa. Cuối cùng có hai người lạ từ trong đám đông đứng gần, không xác định được là thường dân hay công an, tới kéo người này đi và đoàn xe tăng tiếp tục chạy.

Qua ¼ thế kỷ người ta vẫn không xác định được lý lịch người biểu tình vô danh và chỉ huy trưởng chiếc xe tăng đầu đoàn. Anh ta không bao giờ xuất hiện và nhiều dư luận cho rằng đã bị bắt giam hay bị giết. Tờ báo lá cải Sunday Express ở Anh dẫn nguồn tin bí mật nói đương sự là một sinh viên 19 tuổi tên Wang We Đảng Cộng Sản Trung Quốc bác bỏ tiết lộ này và nói rằng họ cũng không biết người ấy là ai, không có tên nào như vậy trong danh sách bị bắt hay chết. Một cựu phụ tá của Tổng Thống Nixon, ông Bruce Herschensohn trong bài nói chuyện năm 1999, nói rằng người này bị bắt và bị xử bắn hai tuần sau biến cố Thiên An Môn. Một số tin khác cho biết anh ta bị xử bắn một tháng sau.

Jan Wrong trong cuốn: “In Red China Blues: My Long March from Mao to Now” nói là thăm hỏi qua các viên chức thông tin nhà nước Trung Quốc, họ cũng không biết người này ở đâu, có thể trốn tránh đâu đó trong nôi địa.

Năm 1990, Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình ABC với Barbara Walters, tuyên bố: “Tôi không thể xác định được là thanh niên mà bà hỏi đã bị bắt hay không” và nói thêm: “Tôi tin anh ta không bao giờ bị giết”. Cơ quan tuyên truyền nhà nước Trung Quốc vào thời kỳ ấy cũng căn cứ trên hình radio để nói rằng sự kiện này chứng tỏ “tính nhân đạo của quân đội”.

Tạp chí Time cuối năm 1998 xếp “Người Biểu Tình Vô Danh” này vào trong “100 Nhân Vật có ảnh hưởng nhất Thế Kỷ 20”  Charlie Cole chụp bức hình tương tự như AP đem về cho tạp chí Newsweek và năm 2003 được tạp chí Life  xếp vào danh sách "100 bức ảnh làm thay đổi thế giới". Nhưng  nhân vật trong sự kiện một con người hiên ngang đứng trước chiến xa mãi mãi là bí ẩn.

Sau Thiên An Môn

Những vụ bắt giữ và thanh trừng tiếp tục trong một thời gian dài nhiều năm sau biến cố Thiên An Môn. Qua thời gian, sự kiện này đưa tới những hậu quả cùng ảnh hưởng sâu sắc  trong sinh hoạt chính trị và xã hội Trung Quốc mà thể hiện là có một hố sâu ngăn cách các thế hệ như hầu hết các nhà phân tích ghi nhận.

Vả lại trong lịch sử,  1/4 thế kỷ là thời gian đủ dài đề mọi chuyện đã trở thành chỉ còn là kỷ niệm, thay vì có tầm tác động đáng kể nào với hoàn cảnh mới. Do đó mặc dầu dấu ấn của biến cố Thiên An Môn có thể còn đậm nét ở những giới người cao tuổi nhưng bây giờ họ không là đa số trong dân chúng và không còn nhiều khả năng tiếp tục hành động. Thế hệ mới lớn, những người trong lứa tuổi dưới 30 rất ít hoặc hầu như không biết cũng như không quan tâm gì về biến cố này,  và đó là thực tế bình thường ở một đất nước mà các nguồn tin tức đều bị giới hạn, kiểm soát chặt chẽ.

International Business Times dẫn lời một nữ chuyên viên tư vấn về quản trị tên Xiong, 27 tuổi, ở Hong Kong: “Tôi không biết gì về biến cố Thiên An Môn khi còn ở Trung Quốc. Cho tới khi là sinh viên du học tại các trường Hoa Kỳ và Canada tôi mới thấy người ta nói đến chuyện đó và bắt đầu tìm hiểu”.

Còn với những người chưa từng ra nước ngoài, đặc phái viên của NPR ở Bắc Kinh cho biết tại đại học Bắc Kinh, trường đại học số 1 ở Trung Quốc, trong số 10 sinh viên được hỏi, chỉ có 15 người biết bức hình “Tank Man”, người biểu tình vô danh cản đường xe tăng.

Nhiều người dân Trung Quốc ngày nay quan tâm tới mức sinh hoạt, phát triển kinh tế, tình trạng tham nhũng, chủ nghĩa quốc gia, bảo vệ môi trường và nhận thức sự yếu kém của Trung Quốc về ảnh hưởng đối với các sự kiện quốc tế. Họ không còn coi việc tự do hóa chính trị là một nhu cầu bức thiết nữa và chấp nhận sự chuyển đổi dần dần đến dân chủ hóa.

Vì vậy dư âm của Thiên An Môn hầu như chỉ còn lắng đọng trong một thiểu số trí thức lớn tuổi và trong mọi trường hợp những người này .không phải là thành phần chủ đạo hành động. 

Nguồn: HC/Người Việt

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo