Sự kiện

41 năm Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Ám ảnh

Cập nhật lúc 18-02-2020 09:19:45 (GMT+1)
Bộ đội ta chiến đấu tại biên giới phía Bắc năm 1979. Ảnh tư liệu báo Tiền Phong

 

Sáng 17/2/1979, sau những cơn mưa đại bác và hỏa tiễn, xe tăng Trung Quốc bắt đầu tấn công những bản làng, thị xã dọc biên giới phía Bắc. Những người phụ nữ vùng cao đưa con nhỏ vào rừng, đàn ông lên chốt bảo vệ biên giới...


Không cân sức

Đêm 16, rạng sáng 17/2/1979, những loạt đạn pháo đầu tiên từ bên kia biên giới rót xuống khu vực sinh hoạt của công nhân nông trường Thông Nông ở xã Cần Yên (Thông Nông, Cao Bằng). Đạn cối từ phía bên kia nhanh chóng san phẳng nhà cửa, công sự.

Những dàn pháo phản lực cũng cất tiếng, dội từng cơn mưa hỏa tiễn xuống bản làng ở Cần Yên, biến những ngôi nhà được làm từ gỗ và lá cọ thành tro bụi. Trời vừa sáng tỏ, từng trung đoàn quân Trung Quốc với xe tăng đã tràn đầy thung lũng.

Chống lại lực lượng đó có khoảng hơn 30 bộ đội và hơn 100 dân quân là công nhân nông trường với đa phần là nữ giới. Chỉ huy nhóm dân quân này là ông Tô Ngọc Báu (SN 1943), người dân tộc Tày ở bản Ngẳm trong xã.

“Chúng bắt đầu bắn thăm dò từ ngày 15/2 gây thương tích cho nhân dân trong bản. Định ngày 17 đưa thương binh về huyện nhưng không kịp. Nó đông lắm, hàng trung đoàn đi qua và có cả văn công, dân sự theo phía sau. Tôi trong giao thông hào nhìn thấy cậu lính biên phòng bắn về chúng được 3 quả B40 thì bị pháo nó bắn lại, hất tung lên”.

Khi những quả đại bác đầu tiên rót xuống, người dân Cần Yên nhanh chóng chạy vào rừng, lên núi. Vợ chồng ông Báu có 6 người con, bố ông lúc đó cũng ngoài 80 tuổi. Sau khi trốn trên rừng, gia đình ông hòa vào dòng người di tản đang kín mít quốc lộ 3, xuôi xuống Thái Nguyên, Bắc Kạn để quyết tâm “theo trung ương chống giặc”.

Dù khó khăn nhưng họ vẫn đùm bọc nhau, ông Báu kể: “Nước cũng không có uống, gạo nhà không mang kịp. Có gạo rồi lại phải đi mượn xoong nồi. Tối đến cả đoàn ngủ bên vệ đường, quần áo rách hết phải chui vào bụi cây ôm nhau tránh rét. Không nói được hết nỗi khổ khi ấy” - ông Báu kể.

Vừa đi, đoàn người phải trốn tránh kẻ thù. Theo ông Báu: “Trong xã dân thường chết nhiều. Ở bản Ngẳm có chị Vương Thị Hùng vốn bị câm dẫn đứa con gái 5 tuổi đi trốn. Địch bắt được rồi tra hỏi nhưng chị chỉ ú ớ nên chúng sinh nghi, bắn chết cả 2 mẹ con”.

Đến Thái Nguyên, ông Báu phải chờ 2 ngày để tìm lại con dấu nông trường của mình. Chứng minh là lãnh đạo nông trường, ông được cấp tiền, lương thực để quay về Cao Bằng tìm lại công nhân, tổ chức thành dân quân giúp bộ đội chiến đấu.

Đã khiêu khích từ lâu

Phía Trung Quốc đã chuẩn bị cho cuộc chiến này từ lâu. Theo bị vong lục của Bộ Ngoại giao nước ta, trước khi tấn công diện rộng, Trung Quốc đã gây ra những sự kiện biên giới phức tạp, lấn chiếm 50 điểm trên toàn tuyến biên giới.

Các hoạt động khiêu khích được phía Trung Quốc tổ chức ngày càng nhiều, năm 1974 có 179 vụ nhưng đến 1977 tăng lên 873 vụ. Các vụ chủ yếu là tuần tra vũ trang hoặc xâm canh vào lãnh thổ nước ta nhưng có hàng chục vụ họ đột nhập, bắt giết người Việt.

Ngày 25/8/1978, Trung Quốc huy động hàng trăm lính mặc quần áo dân thường, dùng gậy, dao tấn công hải quan và biên phòng ta ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) khiến 2 người chết, 25 người bị thương.

Trong tháng 1 và tuần đầu tiên của tháng 2/1979, quân Trung Quốc xâm phạm vũ trang 230 lần, giết hại hơn 40 người, bắt 20 người đưa về bên kia biên giới.

Họ còn dùng các vũ khí hạng nặng bắn bừa bãi vào trạm gác, làng bản của ta, như trạm biên phòng Trà Lĩnh và các bản xung quanh bị cối 82 “giã” gần 20 ngày liên tiếp. Trên vùng trời và biển Việt Nam cũng ghi nhận hàng nghìn vụ xâm nhập trái phép đến từ phương Bắc.

Song song việc khiêu khích, từ năm 1978, phía Trung Quốc đã tích cực huy động lực lượng cho chiến tranh. Hàng chục sư đoàn pháo binh, thiết giáp, sơn cước... được điều động áp sát biên giới. Lực lượng này tiến hành xây dựng công sự, tập trận quy mô lớn, đồng thời yêu cầu dân Trung Quốc vào sâu nội địa để sẵn sàng gây chiến bất cứ lúc nào.

Thời khắc gian nan

Tháng 1/1979, bộ đội ta phát hiện bên kia đổ nhiều đất đá ra ven sông Phục Hòa, sẵn sàng lấp dòng chảy cho xe tăng vượt biên. Lúc đó, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Văn Thượng được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng dân quân chống giặc.

Ông quê Trùng Khánh, đi bộ đội năm 1968, từng chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Đông Nam bộ và sau đó phải bảo vệ biên giới Tây Nam. Đúng 10 năm sau ngày nhập ngũ, ông được điều động về Cao Bằng để sẵn sàng bảo vệ quê hương.

“Họ đánh đúng hôm quân khu hạ cấp báo động. Lúc 1 - 2h sáng, tôi nghe pháo nổ khắp các hướng. Ở Hạ Lang, quân Trung Quốc đánh vào đồn Bí Hà vì phải chiếm được đồn họ mới có thể đi ô tô từ biên giới về huyện. Ở đây, biên phòng đã giữ được 21 ngày, tịch thu được cả kèn và cờ hiệu của chúng. Hằng ngày chúng thay phiên bắn pháo rồi bộ binh xung phong nhưng không làm gì được. Chỉ đến khi trong đồn hết lương thực, chiến sĩ buộc phải rút lui” - ông Thượng kể lại.

Các lực lượng biên phòng và địa phương của ta đã giữ được phía đông Cao Bằng. Tuy nhiên, quân Trung Quốc đã từ hướng Thông Nông xuống chiếm được thị xã Cao Bằng rồi đánh ngược ra các huyện ở phía đông bắc.

Ông Thượng kể: “Chúng từ thị xã đánh lên còn mình chỉ bố trí phòng thủ về phía biên giới. Bị đánh cả mặt trước lẫn mặt sau nên mình phải rút và tổ chức chiếm lại một số nơi dù biết rất khó. Có trung đội của ta tiến đánh địch ở Phục Hòa, anh em tiến dưới một con mương nhưng bị chúng phát hiện, dội hỏa lực vào, hi sinh hết”.

Những người ở Trùng Khánh kể lại, theo sau quân đội, nhiều dân phòng Trung Quốc cũng tràn sang vơ vét từ lợn gà, lương thực, dỡ những căn nhà ra lấy gỗ mang về. Phụ nữ cao tuổi ở Trùng Khánh vẫn nhớ cảnh đem con nhỏ chạy giặc “hết núi này sang rừng nọ”, nhiều ngày trời phải sống đói khát trong hang hốc. Trẻ con ăn không đủ no đi đến nhỏ máu bàn chân.

Họ kể: “Dân mình sơ tán nó cũng bắn pháo vào. Nó đánh từ biên giới sang, mình chạy về thị xã nhưng nó lại từ thị xã đánh lên, đi đâu cũng gặp giặc”.

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc huy động 60 vạn quân, 400 xe tăng cùng hàng nghìn phương tiện quân sự tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh). Các lực lượng địa phương của ta đã kiên quyết đánh trả, từng bước đẩy lùi kẻ địch. Ngày 16/3/1979, sau khi chịu thương vong lớn, Trung Quốc tuyên bố rút quân.

Nguồn: Xuân Ân/ Tienphong.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo