Sự kiện

Đặng Tiểu Bình trong kỷ nguyên Chủ nghĩa Cộng sản – Tư bản thân hữu

Cập nhật lúc 02-02-2012 12:52:30 (GMT+1)

 

Trong hầu hết các xã hội, xác định thời điểm khởi động tiến trình cải cách thì dễ, nhưng làm rõ sự kết thúc của nó thì không. Hiện tượng này có thể thấy trong trường hợp Trung Quốc – thời kỳ hậu Mao Trạch Đông. 


Một số người vẫn khẳng định cuộc cải cách này bắt đầu từ năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền. Một số ít hơn không đồng tình, cho rằng công cuộc cải cách được tái khởi động cách đây 20 năm, khi Đặng, nhận thức được tình hình cấp bách trước viễn cảnh kinh tế đình đốn và sự tồn vong của chế độ, đã thực hiện chuyến đi lịch sử xuống miền Nam Trung Quốc và thúc đẩy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giải phóng nền kinh tế, háo hức đón nhận, học hỏi chủ nghĩa tư bản không chút ngần ngại.

Khi Trung Quốc đánh dấu kỷ niệm 20 năm chuyến đi làm thay đổi lịch sử của Đặng Tiểu Bình, điều mỉa mai nhất – và có lẽ là điều bí mật tồi tệ nhất của Trung Quốc – cải cách theo hướng cổ vũ kinh tế thị trường tại Trung Quốc đã biến mất từ lúc nào rồi.

Rất dễ nhận ra dấu hiệu cái chết của cải cách kinh tế này. Nhà nước Trung Quốc đã tái khẳng định sự kiểm soát đối với nền kinh tế. Các doanh nghiệp nhà nước lớn thống trị gần như toàn bộ  các lĩnh vực then chốt, như ngân hàng, tài chính, vận tải, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và công nghiệp nặng. Khu vực tư nhân, nạn nhân của tình trạng phân biệt đối xử chính thức và triền miên, hiện phải tháo lui hoàn toàn. Những giá cả trọng yếu, như lãi suất và giá đất, được chính thức kiểm soát và bị làm méo mó trầm trọng. Các doanh nghiệp nước ngoài, đã có thời được chào đón với vòng tay rộng mở, nay đang bị siết chặt bởi những biện pháp mang tính bảo hộ. Định hướng toàn diện của nền kinh tế đã đổi chiều, lệch rất xa khỏi con đường cải cách mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài, những người từng có thời gian dài ủng hộ Trung Quốc, nay đang bày tỏ nỗi thất vọng cay đắng, có một số người thậm chí lên tiếng công khai. Những đối tác thương mại phương Tây chủ yếu của Trung Quốc không cần đọc những phân tích học thuật để biết nhịp đập cải cách không còn. Tất cả những gì họ cần là [nhà nước Trung Quốc] nên lắng nghe cộng đồng kinh doanh của họ, rà soát lại số liệu thống kê thương mại của họ với Trung Quốc, và xem lại chính sách kinh tế quốc gia.

Đặng Tiểu Bình giương cao chiếc mũ cowboy trong chuyến thăm Mỹ

Xác định thời gian xảy ra cái chết của tiến trình cải cách tại Trung Quốc có lẽ là điều không thể, chủ yếu vì trong hai thập niên qua không hề có bất kỳ sự kiện nào ghi dấu ấn về việc này. Tiến trình cải cách phải chịu một cái chết bởi cả ngàn nhát chém – tuy nhỏ nhưng là những bước đi quan trọng của Bắc Kinh, dần dần đảo ngược chiều hướng của nền kinh tế Trung Quốc. Rất có thể, cuộc cải cách của Trung Quốc đã chấm dứt trong thập niên vừa qua, theo sau việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (dù rất nhiều dấu hiệu báo trước cho thấy việc gia nhập WTO sẽ làm tăng tốc cải cách). Vì đang trên đà tăng trưởng mạnh chủ yếu do đầu tư, Trung Quốc đã tìm cách giữ được mức tăng trưởng cao bất chấp sự thiếu vắng cải cách cả một thập niên. Tất nhiên, Trung Quốc đã trả một cái giá rất đắt, biểu hiện qua những sự mất cân đối cấu trúc lớn, thường xuyên thiếu hiệu quả và kém bền vững.

Người ta có thể bị thuyết phục về việc đổ lỗi cho sự thất bại của giới lãnh đạo đã gây ra cái chết yểu cho công cuộc cải cách. Trong khi tất nhiên đây cũng là một nguyên nhân, có một yếu tố quan trọng hơn rất nhiều phải chịu trách nhiệm về việc này: mục đích chính trị của công cuộc cải cách do ĐCSTQ đề ra, về cơ bản không tương hợp với nền kinh tế thị trường.

Không ai có thể hiểu vì sao Trung Quốc cần phải cải cách nền kinh tế hơn chính bản thân Đặng Tiểu Bình. Vào năm 1992, cũng như hồi năm 1978, Đặng biết rằng chỉ có cải cách theo hướng thị trường mới có thể cứu nguy cho ĐCSTQ. Mặc dù Đặng nắm rõ mục đích chính trị đối với những cải cách của mình, nhưng ông không bao giờ xác nhận dứt khoát nền kinh tế thị trường theo tư bản chủ nghĩa là mục tiêu cuối cùng. Đây chính là khuyết tật chủ yếu của công cuộc cải cách Trung Quốc: chừng nào những cải cách theo hướng thị trường còn được sử dụng như phương tiện nhằm bảo vệ sự độc quyền chính trị của ĐCSTQ, các cuộc cải cách như vậy tất yếu rơi vào thất bại.

Thứ nhất, từ khi cuộc cải cách bị tác động mạnh bởi tình hình khủng hoảng, thật nghịch lý, những thành tựu đạt được chắc chắn làm giảm áp lực phải tiếp tục cải cách. Vào lúc sự cầm quyền của ĐCSTQ được đảm bảo hơn do tình hình kinh tế được cải thiện, giới tinh hoa cầm quyền sẽ mất đi động cơ để tiến hành cải cách xa hơn. Đó là lý do tại sao trong suốt thập niên trước đây, chúng ta chứng kiến [tại Trung Quốc] diễn ra hiện tượng tăng trưởng nhưng không có cải cách.

Thứ hai, ĐCSTQ không phải là một chính đảng cầm quyền bình thường. Đó là một hệ thống bảo trợ chính trị trải rộng khắp nơi, gồm những người chỉ biết lợi ích cá nhân, hăm hở trục lợi từ những cuộc đầu tư chính trị. Trong một nền kinh tế bị nhà nước chi phối nặng nề, việc biến quyền lực chính trị thành lợi ích và đặc quyền kinh tế dễ dàng hơn nhiều so với nền kinh tế theo hướng thị trường. Vì vậy, lợi ích của giới tinh hoa cầm quyền xung đột với những đòi hỏi của cải cách theo hướng thị trường. Nhìn từ góc độ ngược lại, lôgic này đã làm sáng tỏ căn nguyên mang tính hệ thống của hiện tượng “chủ nghĩa cộng sản tư bản thân hữu” (crony compitalism) tại Trung Quốc – cuộc hôn phối giữa quyền lực và sự giàu có, hiện tượng này phát sinh chỉ khi một thể chế chuyên quyền hậu cộng sản đảm đương lèo lái một nền kinh tế được cải cách nửa vời.

Vì cải cách không còn hiện diện, nên người ta phải lấy làm lạ tại sao những người anh em đồng chí tại Bắc Kinh tại tổ chức kỷ niệm chuyến đi miền Nam Trung Quốc của Đặng.

Tác giảông Minxin Pei là giáo sư môn chính phủ học tại trường Claremont McKenna College.

Nguồn: Financial Times/ Basam

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo