Sự kiện

Kỉ niệm 223 năm cách mạng Pháp 14.7.1789 – 14.7.2012

Cập nhật lúc 10-07-2012 18:31:38 (GMT+1)

 

Mác đã gọi Cách mạng Pháp 1789 là “đầu tàu của lịch sử”. Cách mạng Pháp 1789 được xem là cuộc cách mạng tư sản triệt để, tiêu biểu nhất mà các cuộc cách mạng tư sản trước đó ở Anh, ở Hà Lan chưa làm được. Nó đã xóa bỏ triệt để các đặc quyền, đặc lợi của phong kiến.


Phá ngục Bastille ngày 14.7.1789, giết tên chỉ huy Launay đã bắn vào quần chúng đi phá ngục. Đầu Launay bị xóc vào ngọn giáo. Vợ chồng vua Louis XVI ăn chơi xa xỉ cũng bị chém đầu. Phá bỏ mọi đặc quyền của quí tộc và tăng lữ… Cách mạng 1789 ngay từ hồi đó đã là trung tâm của lịch sử thế giới hiện đại và ngày phá ngục Bastille 14.7.1789 được lấy làm ngày Quốc khánh Pháp.

Loài người ghi nhận công lao vĩ đại của cuộc Cách mạng Pháp còn ở chỗ lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc Cách mạng dõng dạc Tuyên ngôn về Quyền Con Người.

Ngày 26.8.1789, bản Tuyên ngôn về các Quyền Con Người và các Quyền Công Dân gồm 17 điều được chính thức thông qua. Tuyên ngôn Quyền Con Người và Quyền Công Dân của Cách mạng Pháp đã tỏa sáng thế giới suốt hơn hai thế kỉ qua và mãi mãi tỏa sáng trong lịch sử loài người. Lý do có nhiều, nhưng như một nhà sử học đã nhận định chủ yếu là “do tính chất phổ biến của nó, do cách lập luận thuần túy ý chí của nó, do cái giọng nói lên những chân lý tuyệt đối của nó. Hơn 200 năm đã đi qua chúng ta hãy dành ít phút để đọc lại những dòng mở đầu trịnh trọng của bản tuyên ngôn lịch sử này”: Các đại biểu của nhân dân Pháp họp thành Quốc hội, cho rằng việc không biết tới, sự lãng quên hay sự coi thường các Quyền của Con Người là những nguyên nhân gây ra những đau khổ chung thân và sự hư hỏng của những kẻ cầm quyền, vì thế đã quyết định trình bày các quyền tự nhiên thiêng liêng và không thể tước bỏ được của Con Người.

Ánh sáng đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận và đưa vào ngay dòng đầu tiên của bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi… đó là những lẽ phải không chối cãi được.

Khẩu hiệu cao cả và thiết thực: Tự do – Bình đẳng – Bác ái của Cách mạng Pháp, hay nói khác đi những tư tưởng dân chủ của Cách mạng Pháp là những giá trị tinh thần chung của loài người.

Đánh giá cho thật công bằng, khách quan về giai cấp tư sản trong Cách mạng Pháp, cần nhắc lại nhận xét sắc sảo của Albert Mathiez, nhà sử học Pháp (1874 – 1932): Sự nghèo khổ đôi khi dẫn đến những cuộc nổi loạn nhưng không thể gây ra những đảo lộn lớn. Những đảo lộn này bao giờ cũng xuất hiện từ tình trạng mất cân bằng giữa các giai cấp. (La Révolution Francaise. Paris 1959, trang 11). Đúng thế, Cách mạng Pháp 1789 như A. Mathiez phân tích đã bùng nổ ra không phải trong một đất nước khánh kiệt mà trái lại, nó bùng nổ trong một đất nước đang phồn vinh, đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Giai cấp tư sản Pháp là đại diện cho thế lực đang đi lên đó. Cùng với nông dân nghèo khổ và các tầng lớp nhân dân lao động khác, giai cấp tư sản có chung kẻ thù là bọn phong kiến quí tộc và tăng lữ. Suốt quá trình Cách mạng Pháp diễn ra, trong nhiều năm, qua nhiều thăng trầm đầy kịch tính, mỗi khi quyền lợi ích kỉ của giai cấp tư sản bị đụng chạm thì nó sẵn sàng phản lại lá cờ tự do dân chủ mà nó đã giương lên trong Cách mạng. Đó là tính hai mặt của giai cấp tư sản. Vì vậy không thể xem những thành quả của Cách mạng 1789 là của riêng giai cấp tư sản, thuộc về tư sản.

Một trong những sai lầm lớn nhất trong quá trình xây dựng XHCN (xã hội chủ nghĩa) ở các nước Cộng sản là đã coi những giá trị tinh thần mà các cuộc cách mạng tư sản đã giành được, tiêu biểu là Cách mạng Pháp, như các quyền tư do, dân chủ, nhân quyền… không phải là những giá trị chung của loài người tiến bộ. Vì thế khi xây dựng nền dân chủ XHCN, người ta đã không kế thừa nó, mà trái lại, đem đối lập nền dân chủ XHCN với dân chủ tư sản. Thậm chí, cứ làm ngược lại với dân chủ tư sản thì có dân chủ XHCN! (Nguyễn Khắc Viện, Cách mạng 1789 và chúng ta. NXB thành phố Hồ Chí Minh, 1989, trang 155). Vì thế XHCN đã sụp đổ như một tất yếu lịch sử.

Hơn 200 năm đã đi qua, loài người đã bước vào thế kỉ 21 nhưng tinh thần của Cách mạng 1789 vẫn còn nguyên giá trị. Nước Pháp vẫn là đầu tàu của lịch sử khi Chính phủ Pháp là Nhà nước đầu tiên tuyên bố công nhận chính quyền của những người nổi dậy trong cuộc Cách mạng Hoa Lài ở các nước Bắc Phi xóa bỏ bạo quyền. Bà Aung San Suuki, người phụ nữ châu Á kiên cường đấu tranh đòi Quyền Con người, Quyền Công Dân cho người dân Myanmar vừa tới thủ đô nước Pháp cuối tháng sáu vừa qua đã được Tổng thống Pháp Francoise Hollande đón tiếp tại điện Élysées như một quốc khách. Thị trưởng Paris Bertrand Dolance đã mời bà làm công dân danh dự của Paris. Ngoại trưởng Laurant Fabius đã mời bà trồng cây Tự do trong khuôn viên bộ Ngoại giao. Ánh sáng Tự do – Bình đẳng – Bác ái từ nước Pháp vẫn đang tỏa sáng hành tinh.

Vậy mà sau gần 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khẳng định những giá trị Dân chủ, Nhân quyền, những người yêu nước đòi hỏi Dân chủ, Nhân quyền ở Việt Nam vẫn bị trù dập, đàn áp tàn bạo hơn cả thời phong kiến hủ lậu, dã man hơn cả thời thực dân đô hộ. Trần Anh Kim, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Phạm Thanh Nghiên, Vi Đức Hồi và bao người khác đang bị cầm tù vì đòi Tự do, Dân chủ. Bùi Thị Minh Hằng vừa phải khẩn thiết kêu cứu lương tri loài người và tuyên bố sẽ tự thiêu vì người phụ nữ yêu nước, khao khát tự do dân chủ này đang bị đàn áp dã man, vô nhân đạo.

Những tội ác của bạo quyền đã bị Cách mạng 1789 Pháp trừng trị và xóa bỏ vĩnh viễn cách đây đã hơn 200 năm mà ngày nay vẫn đang ngang nhiên ngự trị ở Việt Nam như một sự thách thức loài người văn minh.

Bùi Thị Minh Hằng và các anh, các chị Trần Anh Kim, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Thanh Nghiên… xin hãy vững tin rằng: Ánh sáng Cách mạng 1789, và lịch sử loài người đang đồng hành với các chị, các anh. Các chị, các anh đang làm tiếp phần việc của Cách mạng 1789 ở nơi còn bạo quyền, làm phần việc của lịch sử trao cho. Nhân dân Việt Nam đã thức tỉnh đang đứng bên các chị, các anh. Loài người tiến bộ đang đứng bên các chị, các anh. Loài người không đi ngược chiều lịch sử.

Nguồn: Lê Phú Khải/ Bauxite Việt Nam

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo