Sự kiện

Năm Cam (33): Năm Cam nhận án tử hình, đại gia đình “ông trùm” run rẩy

Cập nhật lúc 20-04-2018 11:50:35 (GMT+1)

 

Năm Cam - ông trùm du đãng Sài Gòn đứng trước vành móng ngựa nhận án tử, trả giá cho những tội ác một thời. Đây cũng là dấu chấm hết cho đế chế tội phạm được coi là tàn bạo nhất, dưới sự lãnh đạo của ông trùm cũng nổi danh ma mãnh, lọc lõi nhất chưa từng kẻ nào sánh được. Vụ án Năm Cam và đồng bọn cũng được coi là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành tư pháp Việt Nam.


Đại gia đình run rẩy trước vành móng ngựa

Hồ sơ chuyên án Z5-01 vạch mặt Năm Cam và đồng bọn khép lại chuyển VKSND và TAND TP.Hồ Chí Minh định ngày xét xử. Thẩm phán Bùi Hoàng Danh (Phó Chánh TAND TP.Hồ Chí Minh) - được cử làm thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử Năm Cam và đồng bọn. Sự phức tạp của vụ án khiến Hoàng Danh chẳng thể nào dứt bỏ công việc sau giờ hành chánh của một thẩm phán, những tình tiết trong bản cáo trạng và hàng vạn trang hồ sơ liên quan đến các vụ án gộp lại để xét xử theo anh về tận nhà, để suy nghĩ về lời khai của bị can, của người bị hại có xác thực không, để đưa ra những câu hỏi đúng trọng tâm đối với các đương sự tại phiên tòa.

Những tình tiết, diễn biến các vụ án liên quan đến Năm Cam là áp lực rất lớn đối với Hoàng Danh. Phân tích, đánh giá, nhận xét đúng về mặt pháp lý, chủ tọa phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh của từng vụ án sẽ có lợi cho Hội đồng xét xử (HĐXX). Ngược lại, việc xét xử và dù tuyên mức án nào trong khuôn khổ luật định cũng không tránh khỏi ý kiến nặng nhẹ khác nhau. Chính vì thế, bản án phải thuyết phục bằng những lý lẽ, lập luận hợp lý để chứng minh đúng các tình, sự việc để hội đồng xét xử đưa ra tuyên án đúng tình, hợp lý, công bằng và nghiêm minh.

Cuối cùng, cũng đến ngày đưa vụ án Năm Cam và đồng bọn ra xét xử công khai tại tòa. Ngày 25.2.2003, thời tiết thành phố nóng bức, dù trước đó đã có vài cơn mưa đầu mùa đổ xuống. Kim đồng hồ chỉ 8h30. Trong phòng xử án, đại gia đình Năm Cam và đồng bọn ngồi trên chiếc ghế dài. Vợ chồng Năm Cam và các con của y đến tòa án trong tâm trạng sợ hãi. Năm Cam nhận thấy tất cả những người từng là nạn nhân của y đều đến dự phiên tòa xét xử mình. Những hàng ghế dài nặng nề, chắc chắn kê suốt tận cuối phòng, chỉ chừa lại hai lối đi ở giữa. Đông nghịt các sinh viên của trường luật đi thực tập và nhà báo tác nghiệp. Phòng xử án phút chốc đã chật nít người.

Thẩm phán Bùi Hoàng Danh tiến hành các thủ tục trước phiên tòa. Chủ Bùi Hòang Danh hỏi: “Các bị cáo đã nhận được bản cáo trạng chưa?”. “Thưa tòa đã có nhận!”, các bị cáo lần lượt trả lời. “Đề nghị tất cả đứng vào vị trí của bị cáo trước vành móng ngựa”, chủ tọa nói. Hiệp “phò mã” bủn rủn tay chân, Thọ “đại úy” đầu óc quay cuồng, còn Bảo “hoàng tử”  không còn chút bình tĩnh nào nữa dù trước đó luật sự bào chữa của đương sự đã bảo khi tòa chưa tuyên án, thì dưới mắt của mọi người bị can vẫn chưa phải là kẻ phạm tội, còn phải chờ phán quyết cuối cùng của pháp luật. Luật sư khuyên thân chủ của mình phải thật bình tĩnh trong phiên tòa, đừng lúng túng khi thẩm phán hoặc công tố viên tra hỏi, bởi vì đó là quyền của họ, nếu người bị chất vấn tỏ ra lúng túng, không trả lời rõ ràng thì họ sẽ vặn hỏi cho tới khi sự việc tuyệt đối rõ ràng, minh bạch.

 

Đại gia đình run rẩy trước vành móng ngựa

Năm Cam nặng nhọc bước giữa hai hàng ghế tiến về phía vành móng ngựa, y nghe nhiều tiếng xì xào trong phòng. Thấy Trúc “mẫu hậu” khóc quá nhiều, Năm Cam động viên vợ: “Bà đừng khóc, hãy cố gắng cứng cỏi để con cái đỡ hoang mang, sợ hãi. Một mình tôi làm chúng đau lòng là đủ rồi”. Đại gia đình Năm Cam và đồng bọn đã có phút giây sợ hãi như vậy.

Phản cung

Thư ký đọc xong bản cáo trạng phòng xử án xôn xao, ồn ào. Chủ tọa Bùi Hoàng Danh dõng dạc gọi: “Bị cáo Trương Văn Cam”. Năm Cam bước tới phía trước. “Bị cáo có biết mình bị tội gì không? Bị cáo có thú nhận mình đã phạm tội hay không?”. Năm Cam ấp úng: “Thưa tòa, theo luật pháp thì tôi thừa nhận có tổ chức đánh bạc trái phép. Nhưng...”. Chủ tọa nghiêm giọng: “Bị cáo nghe cho rõ, Nhà nước nghiêm cấm cờ bạc dưới mọi hình thức, hãy cho tòa biết bị cáo có công nhận mình phạm tội hay không?”. Sự ranh ma của Năm Cam buộc chủ tọa phải hỏi như vậy để chứng minh được tội trạng của Năm Cam tại phiên tòa trước khi tuyên án. Lần lượt các chiêu trò, tội phạm của Năm Cam được HĐXX thẩm vấn công khai để làm rõ tình tiết liên quan đến vụ án tại tòa.

Tòa thẩm vấn bị cáo Nguyễn Tuấn Hải (tức Hải “bánh): “Bị cáo có thừa nhận là mình cùng Vũ Hoàng Dung (tức Dung Hà) tổ chức tạt axít Lê Ngọc Lâm (tức Lâm “chín ngón”) theo lệnh của Trương Văn Cam hay không?”. Hải “bánh” đáp: “Thưa tòa, có!”. Mặt Năm Cam  nhăn nhó, nặng nề thở dài. Hải bánh chậm rãi khai tiếp: “Thưa tòa, bị cáo đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, bản thân đã thành khẩn khai báo. Kính mong tòa xem xét, giảm nhẹ tội”.

Chủ tọa Bùi Hoàng Danh nhìn Năm Cam: “Bị cáo Trương Văn Cam hãy cho tòa biết lời nhận tội của Nguyễn Tuấn Hải có đúng không!”. Năm Cam thất thần: “Thưa tòa tôi không...”, Năm Cam nặng nề không nói được lời nào nữa. Theo lời khai ban đầu của Hải “bánh” tại cơ quan điều tra, nay tại tòa cùng những bị cáo khác cho thấy có đủ cơ sở để tòa buộc tội hành vi Năm Cam là kẻ chủ mưu trong các vụ án chức tạt axit Lâm “chín ngón” để trả thù cá nhân. Hàng loạt các vụ đánh bạc, đưa hối lộ, các vụ thanh toán trả thù và triệt tiêu đối thủ của Năm Cam được khai nhận rõ ràng.

Nét mặt các bị cáo đều nhăn nhó vì HĐXX như đã tường tận hết mọi vụ việc, biết rõ hành vi phạm tội của từng người. Phòng xử án ồn ào, phẫn nộ nhằm vào Năm Cam và những bị cáo từng là cán bộ quyền lực nhưng đã bị tha hóa. Các lời khai của những bị cáo này không có gì mới mẻ so với những lời khai trước đó.

Năm Cam vẫn một mực chỉ thừa nhận tổ chức đánh bạc chứ nhất quyết không khai nhận y là kẻ chủ mưu giết hại Phan Lê Sơn, Hồ Phước Hưng và Dung Hà. Y phản biện đúng như nhận định của nhiều người: “Thưa tòa! Theo kết luận điều tra và cáo trạng sau đó đều xác định Bảy Việt là kẻ chủ mưu giết người, từ việc đưa hung khí đến lôi kéo đồng bọn đánh nhau và đâm chết Phan Lê Sơn, Hồ Phước Hưng. Còn tòa cho tôi chủ mưu giết Dung Hà, tôi thấy không đúng, bởi vì tôi không có giao Hải đi giết Dung Hà. Tôi chỉ nói chuyện với Hải qua điện thoại rằng đi đàm phán với Dung, chứ có bảo Hải phải giết Dung đâu. Hải có mâu thuẫn với Dung nên tự làm việc này chứ tôi chẳng liên quan gì”.

Hải “bánh” bác bỏ: “Thưa tòa, hai kẻ đứng ra tổ chức cho đàn em dùng mã tấu chém anh Phan Lê Sơn đến chết là Thọ “đại úy” (con  Bảy Xi, cháu ruột Năm Cam) và Trương Hiền Bảo (con trai Năm Cam)”. “Lúc đó Năm Cam đang ở đâu!”, HĐXX hỏi. “ Thưa tòa! Năm Cam đang ở Hà Nội để bàn với giới giang hồ phía Bắc việc thành lập đường dây cá độ bóng đá xuyên quốc gia”, Hải khai rành rọt. “Bị cáo cho tòa biết có phải chính bị cáo Trương Văn Cam đã bàn với bị cáo việc bắn chết Dung Hà”, HĐXX hỏi. Hải “bánh” vạch tội Năm Cam: “Thưa tòa, chính Năm Cam đã chỉ đạo cho tôi và đã chi tiền cho tôi đưa Hưng “phi nhon” và Trường “xoăn” đi trốn sau khi bắn chết Dung Hà”.

Riêng vụ giết chết Trung sĩ Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng, đối tượng Bùi Anh Việt (tức Bảy Việ)t đã có đơn gửi Ban Chuyên án xin khai hết sự thật. Lời khai cho thấy, Thượng tá Dương Minh Ngọc và Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung đã bật đèn xanh để bọn tội phạm thông cung, khai báo Bảy Việt là hung thủ theo “đạo diễn” của Trương Văn Cam. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, khi đã có tội phạm đầu thú, hướng điều tra sẽ tập trung làm rõ hành vi giết người của tên này. Năm Cam sẽ chờ đến khi kết luận điều tra về vụ án được hoàn thành, chuyển sang Viện kiểm sát và đưa ra tòa xét xử, thì kẻ đầu thú sẽ phản cung. Do vậy, vụ án hoặc rơi vào bế tắc, phải hoàn trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, hoặc sẽ diễn tiến theo hướng có lợi cho chúng, trong khi thủ phạm chính vẫn ung dung ngoài vòng lao lý.

Giới giang hồ Sài thành đã rộ lên “anh Năm đã chỉ đạo đàn em thế mạng cho sát thủ”. Không hiểu vì sao thông tin này không được Phòng Cảnh sát Hình sự điều tra xem xét. Thêm nữa, tài liệu điều tra ban đầu và những bằng chứng thu thập được cho thấy đây là vụ cố tình sát hại Trung sĩ Phan Lê Sơn, được sắp xếp bởi bàn tay Năm Cam. Nhưng quá trình điều tra lại cho rằng đây là một vụ va chạm, xô xát ngoài quán nhậu dẫn tới án mạng.

Liên quan đến vụ án và nhận hối lộ các năm 1995-2001, các ông Lê Thanh Đạo, Nguyễn Thập Nhất, Phạm Sĩ Chiến, Trần Mai Hạnh, Bùi Quốc Huy, Võ Quang Thắng, Hoàng Linh là những nhà báo, phóng viên được nhắc đến với các tội danh “Nhận hối lộ” và “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thời chiến, trong các trận đánh với quân thù, chuyện thương vong không khó tránh khỏi. Nhưng đó là trận chiến, còn đây là vấn đề tiền bạc của tội phạm, những người lẽ ra không được phạm pháp nhưng lại phải ra tòa đứng trước vành móng ngựa để nghe HĐXX luận tội, hay là cơ hội để soi rọi lại trọng trách của mình, để thấy được mình đang làm gì, ở đâu, và nên dừng ở mức độ nào. Chủ tọa Bùi Hoàng Danh rất đau lòng khi nhắc đến tên các bị cáo là cán bộ cốt cán, anh hùng lực lượng vũ trang. Nhưng một tên du thủ du thực, không ra gì như Năm Cam chỉ có thể đánh gục một một số người có quyền hành thực thi luật pháp do mất cảnh giác chứ không thể lũng đọan an ninh trật tự xã hội làm ảnh hưởng xấu đến anh ninh quốc gia.

(Còn nữa)

Nguồn: Lê Vũ - Thủy Sinh - Phạm Trường/ Báo Pháp Luật

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo