Những tiếng hô Hồ Chí Minh
![]() |
Ảnh minh họa internet |
Đêm Paris chấm dứt với âm thanh đinh tai cho những người đàm phán của Hà Nội. Mỗi ngày vào lúc 7 giờ 30, đồng hồ báo thức của họ reo vang lên trong tầng một của khách sạn “Lutetia”.
35 nhà ngoại giao của Hồ Chí Minh, những người muốn giành lấy chiến thắng-hòa bình cho nước Cộng hòa của họ ở cạnh dòng sông Seine, luôn luôn cùng nhau ăn sáng. Trong phòng ăn “Babylone”, họ đã thưởng thức croissant ngọt với đồ gia vị cay màu đỏ ngay từ ban sáng. Họ cùng nhau đọc báo quốc tế, rồi ông Nguyen Van Sao của họ mang giày sandal màu be đi vào vị trí của ông ấy. Được bao quanh bởi những đóa hoa layơn và một bể cá vàng, người châu Á đứng từ 9 đến 12 giờ và từ 15 đến 18 giờ trong gian sảnh của khách sạn và tiếp – lúc nào cũng lần lượt – các nhà báo. Ông ấy nói không nhiều, thường là “demain” [ngày mai], và mỉm cười.
Làm náo động xung quanh ông ấy là những phụ nữ Mỹ đã luống tuổi với tóc nhuộm xanh – trong tuần vừa rồi lúc nào cũng có khoảng 80 công dân Hoa Kỳ sống chung với phái đoàn Hà Nội dưới một mái nhà.
Lần đầu tiên trong đời của bà ấy, nữ trưởng ban nghi lễ Bắc Việt, Vu Thi Dat, 43 tuổi, một trong hai phụ nữ của đoàn, đến Paris. Lần đầu tiên trong đời của bà ấy, bà ấy nhìn thấy người Mỹ bằng xương bằng thịt, và đối với bà ấy họ trông có vẻ thù hằn bất thường.
“Tôi thương lượng từ thế mạnh…” Chicago Daily News. Ảnh biếm họa từ báo Der Spiegel số 21/1968
Chân mang sandal, một bao gạo ở thắt lưng, súng tự động trong tay, những người Cộng Sản của Việt Nam chống lại máy bay ném bom, pháo binh, hỏa tiển từ trực thăng và xe tăng như thế qua tất cả những năm vừa rồi. David châu Á cuối cùng đã bắt buộc Goliath Mỹ đến bàn hội nghị Paris như thế.
Người Việt Nam đứng chống lại gã khổng lồ Mỹ ở cạnh sông Seine cũng khiêm tốn tương tự như thế. Người Việt Nam mướn “cho thời gian của các cuộc đàm phán hòa bình” 19 phòng cho 35 phái viên của họ. Người Việt Nam đi trong thủ đô Pháp bằng bảy chiếc xe Citroen DS 21 màu đen và một chiếc Peugeot, mãi vài ngày trước khi phái đoàn đến, đại diện của họ mới mua ba chiếc xe; Bộ Ngoại giao Pháp cho họ mượn ba chiếc.
Người Mỹ có thể lựa chọn trong số 40 chiếc limousine của đại sứ quán họ – từ những lý do tế nhị mà phái đoàn Mỹ không dùng đến chiếc Cadillac của viên đại sứ. Trưởng đoàn đàm phán Harriman thường đến trong một chiếc Plymouth.
Hai máy điện báo liên kết Hà Nội với đại diện của Bắc Việt Nam ở Rue Leverrier, nơi có một đội ngũ bao gồm 20 người Việt Nam làm việc. Chỉ riêng cho phòng thông tin của sứ quán họ, người Mỹ đã có 60 người. Trong khi người Việt Nam còn dùng tay để sao lại một phần tài liệu tuyên truyền của họ thì các nhà ngoại giao Mỹ chở bằng hai chuyến Boeing máy điện thoại, giàn máy thông dịch và máy tính đến Paris.
Đại sứ quán Mỹ thuê cho các nhà ngoại giao và nhà báo 80 phòng trong “Crillon” hạng sang, cách dinh đại sứ một trăm bước. Cùng với người dẫn đầu đàm phán Averell Harriman của họ, người sống trong phòng của nhà vua ở tầng ba, có 350 phóng viên Mỹ đến Paris, trong đó là ký giả nổi tiếng Walter Lippmann.
Bắc Việt Nam đến với sáu nhà báo – chỉ riêng công ty truyền hình Hoa Kỳ NBC đã cử đến 66 người.
Trong khi ông Nguyen Van Sao một mình đứng ra với các nhà báo, State Department mướn cho đoàn ký giả một gian sảnh được đèn treo chiếu sáng trong “Crillon” (tiền thuê cho một ngày: 800 Mark). Đôi lúc, cả trưởng đoàn đàm phán Harriman cũng đến phòng báo chí vào buổi tối và xem tin tức qua truyền hình.
Người Mỹ sẵn sàng chấp nhận những lời mời đến các buổi tiệc chiêu đãi, người Việt Nam kiêng cử xã hội. Chỉ sếp của phái đoàn Xuân Thủy là đi chào hỏi, ông ấy đến thăm đại sứ Sorin của Moscow, người đại diện cho Bắc Kinh Ji Su-Tchi cũng như sếp Đảng Cộng sản Pháp Waldeck Rochert. Giáo sư Hoa Kỳ Herbert Marcuse, người thầy của những sinh viên cách mạng, đến thăm người cộng sản đấy tại nơi ở của ông ấy.
Người Bắc Việt phản ứng lại các tường thuật, rằng họ không thích khách sạn trong Paris của họ, bằng một chiến dịch của phép lịch sự châu Á. Xuân Thủy mời giám đốc khách sạn Gabriel-Cassarini và trợ lý của ông ấy đến uống rượu sâm banh đàm đạo trong phòng 117. Trong lúc đó, phó của Thủy, đại tá Văn Lâu, đi vào bếp và ca ngợi bếp trưởng Landon.
Trong khi các thành viên của phái đoàn Mỹ nhấp sâm banh trong phòng nướng thịt của khách sạn họ, dùng buổi tối dưới ánh nến và hút xì gà Cuba bị đày ra khỏi Hoa Kỳ, người Việt Nam luôn luôn dùng buổi tối trong “Babylone”, được che chắn khỏi giới công khai. Thức uống họ thích nhất: bia ướp lạnh.
Nhân viên hình sự Pháp bảo vệ tầng của họ, các phòng còn lại trên cùng hàng lang được bỏ trống. Trong lúc các người được họ bảo vệ đang thương lượng tại bàn đàm phán, những người cảnh sát hình sự đọc tiểu thuyết hình sự.
Trong những ngày đầu tiên họ đến Paris, người Việt Nam đã ngửi hơi cay trong phòng của họ mặc cho mọi sự bảo vệ, nhưng hơi cay không phải là dành cho họ.
Các con đường quanh đó vang dội tiếng hét của giới trẻ đang phản đối, lựu đạn cay nổ giữa đó. Ở phía dưới các nhà ngoại giao của Hồ đang tò mò nhìn qua rèm của sổ, sinh viên Paris đang đánh nhau trên đường phố với cảnh sát Paris. Các sinh viên hô to tên Hồ Chí Minh.
Vào cuối tuần vừa rồi, trong khi những cơn bão chống đối mới đang đe dọa Paris và ngày càng có nhiều dân nhà báo tò mò tìm đến “Lutetia”, người Việt Nam chạy trốn: họ thích sự yên tịnh của một ngôi biệt thự ở ngoại ô hơn.
Phan Ba dịch từ Der Spiegel 21/1968: http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-46050050.html
Nguồn: Phanba Blog