Sự kiện

Quan chức năm 2011: Phát ngôn 'choáng', hành động 'hoảng'

Cập nhật lúc 14-12-2011 12:11:21 (GMT+1)
Hình minh họa

 

Có thể nói, sau khi Quốc hội khóa XIII bầu ra một loạt thủ trưởng mới của các bộ ngành vào tháng 8/2011, xã hội đã được chứng kiến một luồng gió đổi mới từ các tân bộ trưởng với những phát ngôn và hành động thực sự gây ‘sốc’ trong năm 2011.


"Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước"

Tại hội thảo về điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường hồi tháng 9, sau khi đại diện của Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp lên tiếng phê phán Bộ Tài chính về quyết định giảm giá bán lẻ xăng dầu 500 đồng hồi cuối tháng 8, Bộ trưởng Tài chính Vương Định Huệ thẳng thắn: "Tôi ra quyết định giảm giá và tôi chịu trách nhiệm cá nhân".

Doanh nghiệp xăng dầu cho rằng quyết định giảm quá bất ngờ và nó không phản ánh đúng thực tế của thị trường, bởi thực tế doanh nghiệp đang lỗ. Bác bỏ lại quan điểm này, người đứng đầu ngành tài chính tuyên bố, với kinh nghiệm 10 năm kiểm toán ông thuộc các số liệu lỗ lãi của doanh nghiệp như lòng bàn tay. Tại thời điểm giảm giá xăng dầu, số liệu cập nhật từ hải quan cho thấy, Petrolimex đã lãi tới 780 đồng mỗi lít xăng, sau khi đã tính đủ các chi phí và cả 300 đồng lợi nhuận định mức mà Chính phủ cho phép.  

"Bộ Tài chính luôn theo sát và không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Những vấn đề do Nhà nước điều hành khách quan dẫn đến tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp, Nhà nước sẽ hoàn toàn có trách nhiệm để bù đắp, nhưng bù đắp những chi phí hợp lý chứ không thể nào đi gánh những khoản bất hợp lý của thị trường” - Bộ trưởng Huệ khẳng định.
Theo ông, sở dĩ giá xăng dầu chưa thể "thả" theo thị trường ngay được vì vẫn còn tồn tại độc quyền, bởi vậy nếu các doanh nghiệp lớn "đi đêm" với nhau thì doanh nghiệp khác chết, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.
 
Sau lời tuyên bố thẳng thắn, Bộ Tài chính đã có "trát" yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo lỗ lãi, các hoạt động kinh doanh đồng thời Bộ trưởng Huệ  đưa ra tuyên bố khá cương quyết:“Nếu doanh nghiệp nào thấy lỗ quá không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được nhà nước”.

Câu phát ngôn thẳng thắn và hành động dấn thân quyết liệt tấn công thẳng vào lợi ích nhóm lâu nay nói trên của tân bộ trưởng đã làm nức lòng người dân cả nước.
 
"Không chơi golf, kể cả trong ngày nghỉ"
 

Sau hai tháng được ngồi vào ghế nóng Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Đinh La Thăng đã đề xuất hàng loạt giải pháp chống ùn tắc giao thông kèm với đó là những "quân lệnh thép" nhằm sốc lại tinh thần ngành. Trong đó, đình đám nhất phải kể đến việc người đứng đầu ngành giao thông ra văn bản yêu cầu lãnh đạo thuộc Bộ khuyến cáo không chơi golf, kể cả vào ngày nghỉ để tập trung làm việc. 

Quy định của Bộ trưởng giao thông nhận được nhiều lời khen chê lẫn lộn. Nhiều người cho rằng, đây là môn thể thao thuộc hàng đại gia tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Thậm chí, một số ý kiến cực đoan hơn còn khẳng định, golf là môn cá cược trá hình, sau mỗi cú vung gậy là hàng chục nghìn đôla, nên việc cấm chơi golf là quyết định sáng suốt. Ngược lại, cũng không ít người phản đối golf là môn thể thao hữu ích, nên việc cấm chơi golf là vi phạm quyền tự do cá nhân

Là người trực tiếp đưa ra quân lệnh thép, trước phản ứng dư luận, Bộ trưởng Thăng khẳng định, đây là quy định trong ngành giao thông, nó cũng giống quy định cán bộ đảng viên không được uống rượu, hát karaoke. Còn tự cán bộ phải tự giác thực hiện và giám sát lẫn nhau. "Chơi thể thao nói chung, chơi golf nói riêng là tốt, song trong bối cảnh đất nước khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp còn khó khăn thì cần phải tập trung trí tuệ, thời gian cho công việc", ông Thăng nói.

Không những vậy, ông Thăng còn được biết đến là người “trảm” tướng nhiều nhất và quyết liệt với tiến độ công trình. Mới chỉ ngồi ghế nóng bộ trưởng được 4 tháng, nhưng ông Thăng đã trực tiếp hoặc gián tiếp‘trảm’ gần chục tướng và vụ mở màn là vụ trảm tướng điều hành dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Và gần đây nhất, ngày 1/12, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký Quyết định Thành lập Đoàn công tác kiểm tra chất lượng 5 dự án giao thông trọng điểm trên cả nước nhằm làm rõ vi phạm từng dự án, để quy trách nhiệm cụ thể của từng người, từ đó xử đúng người, đúng tội, không chỉ với cấp dưới mà cả cán bộ cấp trên nếu có vi phạm. Chính thái độ thẳng thắn, quyết liệt, không nhượng bộ, bao che của vị tân bộ trưởng đã khiến những người vốn quen làm ăn theo lối trì trệ ở Bộ GTVT phát hoảng. Họ hiểu rằng nếu không thay đổi sẽ không có đất để tồn tại.

 “Quan điểm của tôi là phải xử lý thật nặng, thật nghiêm những vi phạm của các cá nhân và đơn vị thực hiện Dự án, đây là việc làm cần thiết nhằm tạo lòng tin cho nhân dân”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
 
"Lương Bộ trưởng 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp"  
 

Sau khi hàng loạt dự án nhà thu nhập thấp như  Đặng Xá, Kiến Hưng, Ngô Thì Nhậm, Sài Đồng chào bán với giá gần 10 triệu đến 13,27 triệu đồng mỗi m2, nhiều người cho rằng mức này quá cao, vượt khả năng chi trả của lao động nghèo. Có người theo đuổi, tích lũy 15 năm ròng mới mua được nhà. Có trường hợp sau nhiều tháng ngày ròng rã chờ vận may nhưng đến khi trúng suất mua lại phải từ chối vì không kham nổi. 

Chia sẻ về mức giá nhà thu nhập thấp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại một hội thảo tổ chức hồi tháng 8 đã đăng đàn khẳng định, "Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương, đừng nghĩ đến chuyện mua nhà. Cỡ như Bộ trưởng, chúng tôi tính còn 40 năm mới mua được". 

Tuy nhiên, Thứ  trưởng cũng cho biết nhà thu nhập thấp là loại nhà rẻ hơn nhà thương mại chứ không nhằm mục đích mua được bằng tiền lương vì phần lớn nhà này được xây bằng tiền DN vay của ngân hàng với lãi suất cao (nhưng lãi suất Nhà nước quy định cho DN lại khống chế 10%) nhưng do ưu đãi của Nhà nước và khống chế lợi nhuận, giá nhà thu nhập thấp chỉ bằng 1/2 giá thị trường. Giá như thế là quá tốt. 
Thứ trưởng còn hóm hỉnh ví von: Anh thu nhập không đủ mua nhà thì không phải tìm cách dìm giá nhà xuống , mà phải từng bước tăng thu nhập lên. Làm sao phát triển kinh tế, tăng thu nhập của người dân đáp ứng thị trường. Chẳng lẽ chúng ta đòi ô tô, ti vi phải rẻ, làm sao mà rẻ được, mà anh phải giàu lên chứ. 
 
"Lương EVN 7,3 triệu đồng không đủ sống ở thành thị"  
 

Bên lề cuộc họp báo công bố kết quả sản xuất kinh doanh và giá thành điện năm 2010 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào chiều 19/11, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Phạm Lê Thanh bất ngờ cho biết lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng. Sau khi thông báo mức lương này, ông Thanh tỏ ra đau lòng vì theo ông "đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể".

Tâm sự này của ông đã gây khá nhiều tranh luận trong xã hội. Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng cần phải xem lại việc lãnh đạo EVN bày tỏ “đau lòng” trước việc nhân viên ngành mình lương “chỉ có” 7,3 triệu đồng/tháng. Theo bàChuyền, nếu lãnh đạo EVN cho rằng mức lương 7,3 triệu đồng/tháng không đủ sống ở thành thị là không phù hợp với thực tiễn vì thực tế hiện nay, khối doanh nghiệp có mức lương tối thiểu là 2 triệu đồng, vẫn được coi là tạm ổn so với mức lương tối thiểu của cán bộ công chức chỉ có 830.000 đồng. 

Chỉ số ít người cho rằng, không nên quá khắt khe bởi phát ngôn của ông Thanh đứng trên góc độ một người lãnh đạo của ngành. Phần đông bạn đọc thuộc các ngành nghề khác nhau như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên... "choáng" vì mức lương trung bình của ngành điện vào năm 2009 đã lên tới 7,3 triệu đồng, gấp 3-4 lần nhiều lĩnh vực khác. Không ít độc giả tủi thân phải thốt lên: "Sau khi nghe phát biểu của sếp EVN, các quan chức cấp cao ngành khác có thấy thương cho đơn vị mình không"?

Đây không phải lần đầu tiên, lãnh đạo nhà đèn phát ngôn sốc. Tháng 7/2010, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ông Đào Văn Hưng cũng gây xôn xao dư luận với tuyên bố "có cắt điện hay không chỉ Ngọc Hoàng mới trả lời được". Vài tháng sau phát ngôn của ông Hưng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã đăng đàn nhắc nhở ngành điện cần có cách ứng xử, lời nói phù hợp. 

Tháng 9, lãi sut có thgim vmc 17-19%/năm
 

Ngay sau khi chính thức nhậm chức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có tuyên bố làm giới doanh nghiệp yên tâm phần nào: “Chính sách tiền tệ không phải thắt chặt, mà là chặt chẽ để đảm bảo kìm chế lạm phát, nhưng cũng đảm bảo để tăng trưởng kinh tế hợp lý… Từ tháng 9, lãi suất có thể giảm về mức 17-19%/năm và ngay trong tháng 8 sẽ tung ra một loạt các biện pháp kinh tế chứ không còn là các biện pháp hành chính đơn thuần như trước đây”.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tuyên bố vẫn chỉ là tuyên bố vì thực tế vẫn chưa có động thái gì mới. Lý giải cho động thái này, Thống đốc Bình cho biết tại phiên trả lời chất vấn ngày 24/11 rằng mức trần lãi suất hiện nay được xây dựng vào cuối năm 2010. Vào thời điểm đó, mức trần này hoàn toàn đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền do kỳ vọng lạm phát 2011 là 7% và từ tháng 8 trở đi thì mức 14% vẫn còn phù hợp vì mục tiêu lạm phát 2012 là một con số. Nhưng Thống đốc vẫn khẳng định chắc chắn, chỉ cần mức lạm phát của tháng 11 giảm 1% sẽ xem xét hạ trần lãi suất huy động cũng như bộ lãi suất điều hành của NHNN. Hiện nay thị trường vẫn đang nín thở chờ động thái tiếp theo của Thống đốc.

Nguồn: DDDN

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo