Sự kiện

Số phận những người Nga ở Đông Dương

Cập nhật lúc 25-11-2018 08:49:21 (GMT+1)
Đội quân lê dương nước ngoài Pháp tại Đông Dương

 

Từ đội quân lê dương nước ngoài đến với kháng chiến Việt Nam. 


Trong một thời gian dài, Đông Dương nằm ngoài phạm vi chú ý của Đế chế Nga. Không có gì lạ trong chuyện này, bởi vì khoảng cách giữa hai nước là quá xa.

Chỉ mãi tới cuối thế kỷ 19 Nga mới thiết lập mối quan hệ khá gần gũi với Xiêm (Sau đổi thành Thailand). Xiêm giáp biên giới với Miến Điện - thuộc địa của Anh và với Đông Dương - thuộc Pháp, là quốc gia độc lập duy nhất trong khu vực.

Cho đến cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XX, chỉ có một số ít người Nga có mặt ở Đông Dương. Họ là những du khách, các nhà ngoại giao, các viên chức thực hiện những nhiệm vụ chính trị nhất định.

Tình hình đã thay đổi đáng kể sau Cách mạng tháng Mười và cuộc nội chiến bắt đầu ở Nga. Các sự kiện chính trị hỗn loạn ở Nga lúc bấy giờ đã ảnh hưởng đến mối quan hệ với Đông Dương xa xôi. Quan hệ với Xiêm đã bị gián đoạn trong nhiều thập niên.

Gia đình hoàng gia Xiêm, vốn có quan hệ thân thiết với hoàng gia Nga, đã đón nhận cuộc cách mạng một cách khó khăn, và việc xử bắn Nikolai Romanov cùng với vợ, con và các thành viên trong gia đình ông đã làm chấn động tới gia đình hoàng gia của một quốc gia xa xôi.

Trong Thế chiến II, Thái Lan là đồng minh của Nhật Bản, sau đó đổi hướng sang Hoa Kỳ và trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Thái Lan một trong những đối tác chính trị và quân sự quan trọng của Washington ở Đông Nam Á.

Đối với Đông Dương thuộc Pháp, tại thời điểm diễn ra các sự kiện được mô tả trên những khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia, sau những sự kiện cách mạng, thì tại nơi đây đã xuất hiện một đội quân lê dương hùng hậu đến từ Đế quốc Nga xa xôi.

Họ là những người nhập cư, chủ yếu là cựu sĩ quan của quân đội Sa hoàng, từng tham gia phong trào Bạch vệ, hoặc đơn giản là đại diện của tầng lớp khá giả, quyết định rời khỏi quê hương để tránh xa tội lỗi.

Nước Pháp đã trở thành một trong những trung tâm chính của di dân Nga. Đây cũng là điều tự nhiên, bởi vì, trước hết, Pháp là đồng minh của Đế quốc Nga theo Hiệp ước Entente, và thứ hai, phần lớn các quý tộc Nga đều biết tiếng Pháp, đã hình dung được cuộc sống ở đất nước này.

Không phải tất cả những người di cư đều trở thành bồi bàn hay tài xế taxi. Nhiều sĩ quan Nga đã tham gia phục vụ trong các đội quân lê dương nước ngoài của Pháp.

Xét cho cùng, là quân nhân hay dịch vụ thì cũng là nghề, nhưng tham gia đội quân lê dương, họ vừa có tiền vừa có khả năng sau này về hưu, có thể sống ở Pháp hoặc một nước thuộc địa nào đó của Pháp.

Chính những người Nga phục vụ trong đội quân lê dương nước ngoài đó đã trở thành nhóm đông người Nga xuất hiện ở Đông Dương thuộc Pháp.

Vào thời điểm đó, cũng giống như ngày nay, quân lê dương nước ngoài được sử dụng chủ yếu ở bên ngoài nước Pháp – ở những thuộc địa Châu Phi và Châu Á.

Ở Đông Dương, lực lượng quân sự mạnh nhất của thực dân Pháp tập trung ở Việt Nam, lúc đó được chia ra thành Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Năm 1921, có 107 lính lê dương Nga phục vụ trên lãnh thổ Đông Dương thuộc Pháp, trong đó có 83 người phục vụ ở Bắc Kỳ.

 

Fedor Ivanovich Eliseev

Câu chuyện về những lính lê dương người Nga phục vụ trong các đơn vị quân đội Pháp trong những năm 1920 đã được Mikhail Pavlovich Koryakin - một người sinh ra tại tỉnh Arkhangelsk, một nông dân và sau này phục vụ trong quân đội, phấn đấu lên tới sĩ quan, đã viết trong các lá thư của mình từ những năm 1926-1928.

Con đường đi của ông khá chuẩn - năm 1920 ông từ Nga chạy sang Constantinople, sau đó được tuyển mộ vào lính lê dương năm 1922.

Ở Bắc Kỳ, Koryakin đã cố gắng liên kết với một số lính lê dương người Nga khác.

Cuối cùng, ông đã dựng lên một nhóm có tên gọi là "Liên minh những người Nga quý tộc mang tên Hoàng thân Công tước Kira Kirillovna" – là một trong nhiều tổ chức người di cư Nga của chế độ quân chủ.

Trong liên minh này có ít nhất là 53 người có nguồn gốc xuất thân khác nhau. Tất cả họ đã từng phục vụ trong quân đội Nga trong quá khứ, và bây giờ họ là lính lê dương thuộc Trung đoàn bộ binh số 1, đóng quân ở phía bắc Hà Nội.

Những người thuộc diện dân sự từng phục vụ trong Đế chế Nga trước đây có mặt ở Đông Dương ít hơn so với cánh nhà binh. Về cơ bản họ cũng vào Đông Dương bằng con đường qua Pháp.

Chỉ có điều những quân nhân thì thông qua con đường là lính lê dương nước ngoài, còn các chuyên gia như: kỹ sư, kỹ thuật viên thì đến từ nhiều công ty Pháp khác nhau.

Theo các nhà nghiên cứu, tổng số những chuyên gia dân sự của Nga tới Đông Dương trong giai đoạn từ 1920 đến Thế chiến thứ hai không vượt quá 200 người. Đây là những nhân viên của các công ty Pháp cùng với gia đình của họ.

Ngoài ra, còn có những phụ nữ Nga nhập cư cũng sống ở Đông Dương thuộc Pháp. Họ là những người sau khi rời khỏi Nga đã kết hôn với người Pháp và cùng chồng đến nơi làm việc mới.

Năm 1939, Pháp tham gia vào Thế chiến thứ hai. Đối với nhiều người di cư từ Nga, sự kiện này đã trở thành một điều kiện khuyến khích họ tham gia tích cực hơn vào nghiệp lính, đặc biệt là việc đăng ký tham gia đội quân lê dương nước ngoài cũng được mở rộng.

Chính phủ Pháp đã ban hành một nghị định đặc biệt, cho phép tất cả các sĩ quan quân đội của các nước đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất được gia nhập đội quân lê dương nước ngoài và trong quân đội các nước thuộc địa với cấp bậc thấp hơn.

Các sỹ quan nguyên là thiếu úy trong quân đội Nga được giữ cấp bậc trung sĩ, các cựu trung úy trở thành thiếu úy, và các đại úy trở thành trung úy.

Đối với các đại tá và tướng lĩnh của quân đội Nga thì được trao cấp bậc đại úy. Tất nhiên, tất cả các sỹ quan đều được yêu cầu phải trải qua kỳ thi bằng tiếng Pháp.

Đó cũng là cách mà viên sĩ quan Nga Fedor Ivanovich Eliseev tham gia vào đội quân lê dương nước ngoài. Vào thời kỳ đó, ông đã 47 tuổi. Fedor Yeliseyev sinh năm 1892 tại một ngôi làng ở Caucasian trong gia đình một sĩ quan Cô-dắc.

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Cô dắc Orenburg năm 1913 và được phong sĩ quan, phục vụ trong Trung đoàn số 1 lính Cô-dắc Kuban của Thống đốc Yekaterinoslav là tướng quân Potemkin-Tavrichesky.

Yeliseyev đã trải qua gần như toàn bộ cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, chiến đấu trên mặt trận Caucasian, chỉ huy cuộc hành quân tới tận điểm cực nam, thượng nguồn của song Tigris, nơi quân đội Nga đã có mặt ở đó.

Sau cách mạng, Yeliseyev trở về Kuban, gia nhập vào đội quân tình nguyện và lên đến cấp bậc đại tá. Ông chỉ huy trung đoàn kỵ binh Kuban Kornilov, tháng 3 năm 1920, ông bị quân đội Hồng quân bắt làm tù binh. Eliseev đã trốn thoát một cách ngoạn mục khỏi Yekaterinburg, nơi ông đang được áp giải, tới Karelia và sau đó là đến Phần Lan.

Năm 1924, ông đến Pháp, làm công nhân tại một nhà máy hóa chất, sau đó biểu diễn trong rạp xiếc với vai trò là trưởng một nhóm những tay đua Cô-dắc (. Đến năm 1930, sau khi dành dụm được một số tiền, ông mở một nhà hàng nhỏ ở Paris.

Nhưng hai năm sau, Yeliseyev bán nhà hàng và trở về nghề cũ của mình, công việc mang lại cho ông nhiều thành công hơn – đó là nghề diễn xiếc.

Ông đã cùng với đoàn xiếc đi biểu diễn khắp châu Âu - khắp nơi trên thế giới, và trước khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ông đang có mặt tại Đông Ấn Hà Lan (Indonesia).

Vào tháng 3/1940, Yeliseyev từ đảo Sumatra đến Sài Gòn và ở đó ông đã nộp đơn xin gia nhập đội quân lê dương Pháp. Mặc dù viên đại tá này đã 48 tuổi, song sức khỏe của ông còn rất tuyệt vời và có vốn kinh nghiệm chiến đấu dày dặn nên ông đã được tiếp nhận ngay.

Nhưng Yeliseyev hơi thất vọng - trước hết, ở Đông Dương không có đơn vị kỵ binh nào cho nên ông - một kỵ binh nổi tiếng - đã được xung vào Trung đoàn Bộ binh lê dương số 5;

Thứ hai, do thiếu kỹ năng về tiếng Pháp, Eliseyev bị từ chối phong cấp Đại úy mà chỉ phong quân hàm Trung úy - thấp hơn nhiều đối với một cựu Đại tá quân đội Sa hoàng.

 

Fedor Ivanovich Eliseev

Tuy nhiên, sau đó ông chợt nhận ra rằng vì ông không có kinh nghiệm trong việc chỉ huy các đơn vị bộ binh, nên người ta chỉ phong cho ông hàm trung úy là chính đáng.

Năm 1945 là thời kỳ khó khăn nhất. Sau khi Đức bị đánh bại, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương ngay lập tức phá vỡ mối quan hệ với người Nhật và chuyển sang phía các nước đồng minh.

Tuy nhiên, quân đội Nhật được huấn luyện rất tốt nên đã nhanh chóng quy phục hầu như tất cả quân đội Pháp ở Đông Dương. Chỉ có trường hợp ngoại lệ duy nhất là Trung đoàn Bộ binh số 5 lê dương, trong đó có Eliseev phục vụ.

Trung đoàn tiến hành chọc thủng vòng vây, tiến tới biên giới Trung Quốc với ý định sáp nhập với đội quân của Tưởng Giới Thạch trên đất Trung Quốc. Tuy nhiên, việc rút lui rất khó khăn.

Hầu hết lính lê dương là những người ở độ tuổi trung niên: 40-50 tuổi, sức đã bị suy yếu bởi từng phục vụ lâu dài trong những điều kiện khó khăn nơi rừng rú và cũng bắt đầu một lối sống không lành mạnh. Vì vậy, những trận chiến với quân Nhật là thử thách khó khăn nhất đối với họ.

 

Platon Skrzhinsky và con gái. Ảnh chụp tại Cà Mau năm 1954

Eliseev chỉ huy trung đội 2 của tiểu đoàn, có nhiệm vụ yểm trợ cho cuộc rút lui, sao đó, ông bị thương nặng và bị quân Nhật bắt làm tù binh. Ông đã trải qua sáu tháng bị người Nhật giam giữ tại Hà Nội.

Mãi đến tháng 9/1945 ông mới được thả. Mùa thu năm 1946 ông trở về Pháp và mãi tới mùa xuân năm 1947 mới giải ngũ.

Nhớ lại thời kỳ bị quân Nhật giam giữ, Yeliseev nhận xét rằng người Nhật đối xử với ông tốt hơn nhiều so với các tù nhân khác khi họ khi biết ông là một cựu đại tá Nga đã từng chiến đấu trong đội quân Bạch vệ thời Nội chiến.

Một thái độ tích cực tương tự Yeliseev cũng đã gặp từ phía các sĩ quan Trung Quốc từ đội quân của Tưởng Giới Thạch. Năm 1949, Eliseev chuyển từ Pháp sang Hoa Kỳ, ông biểu diễn trong các đoàn xiếc một thời gian, sau đó viết và xuất bản hồi ký của mình, chia thành nhiều tập sách mỏng.

Trong một số tập sách, ông mô tả các sự kiện của cuộc nội chiến ở Nga, trong những tập khác - ông kể về thời gian phục vụ trong đội quân lê dương nước ngoài của Pháp.

Fyodor Ivanovich sống rất thọ - bất chấp những khó khăn vất vả mà ông từng nếm trải trong thời gian phục vụ trong quân ngũ, tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai và trong thời kỳ nội chiến, vị đại tá của quân đội Nga và là trung úy của đội quân lê dương nước ngoài Pháp mất năm 1987, thọ 95 tuổi.

Sau khi kết thúc Thế chiến II, một số lính lê dương người Nga tiếp tục phục vụ trong các đơn vị đóng quân tại Đông Dương thuộc Pháp.

Họ phải tham gia vào cuộc chiến Đông Dương đẫm máu, mà người Pháp đã tiến hành để chống lại chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.

Ví dụ như, ngày 31/9/1952, Bá tước Alexander Vorontsov-Dashkov đã qua đời vì những vết thương ở Hà Nội. Ông được sinh ra trong gia đình một cựu trợ lý quân nhu đã di cư sang Pháp. Sau đó, ông đăng ký phục vụ trong đội quân lê dương nước ngoài, và phục vụ ở đó trong thời gian 7 năm với hàm trung úy và chỉ huy một trung đội.

Nhưng, ngoài những người nhập cư từng là Bạch vệ hoặc xuất thân từ những gia đình Bạch vệ, còn có những người Nga khác phục vụ trong các đơn vị lê dương nước ngoài có số phận không kém phần ly kì.

 

Platon Skrzhinsky

Platon Aleksandrovich Skrzhinsky từng phục vụ trong Hồng quân, ông tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và bị Đức quốc xã bắt làm tù binh. Sau khi bị chuyển hết trại giam này đến trại giam khác, ông kết thúc thời kỳ bị tù đày trên đất Pháp. Tại Pháp, ông gia nhập đội quân lê dương nước ngoài vào năm 1946 - bởi có thể làm gì khác trong tình huống như vậy?

Sau khi có mặt ở Đông Dương, người cựu chiến binh Xô Viết và hiện tại là lính lê dương đã có quyết định đúng đắn duy nhất theo ​​quan điểm của ông là bỏ hàng ngũ lê dương, chạy sang phía du kích Việt Nam.

Trong tiểu đoàn 307 của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Platon Skrzhinsky đã được đặt cho một cái tên Việt Nam là Hải Thanh. Năm 1948, ông kết hôn với một nữ du kích Việt Nam tên là Mai, và một năm sau họ có một con gái.

Sau khi Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất kết thúc vào năm 1955, Platon Skrzhinsky và con gái ông được mời đến Phủ Chủ tịch.

Qua cuộc trò chuyện với người Cộng sản Nga, Bác Hồ rất ấn tượng và ngay lập tức liên lạc với Bộ Chính trị BCH Trung ương ĐCSLX và tích cực đề nghị để người anh hùng kháng chiến Việt Nam được trở về quê hương mình.

Platon Skrzhinsky đã cùng với con gái quay về Liên Xô, ông làm phát thanh viên và dịch giả cho Ban tiếng Việt của đài phát thanh Moscow. Ông cũng may mắn có được một cuộc sống lâu dài và thú vị, ông qua đời vào ngày 26/3/2003.

Một con người tuyệt vời khác, tên là Fyodor Bessmertny, cũng đã trở về quê hương của mình. Năm 1942, phát xít Đức bắt ông, một thiếu niên 15 tuổi, đi làm việc tại châu Âu. Và khi Đức quốc xã thất bại là lúc ông đang ở Pháp, trong một trại giam cho những người di tản, sau đó ông gia nhập đội quân lê dương nước ngoài.

Ở đó ông cùng với hai chiến hữu người Ba Lan khác bỏ hàng ngũ lê dương và chạy sang với bộ đội Việt Nam. Người Việt Nam gọi Fyodor Bessmertny là "Anh" và anh cũng phục vụ trong tiểu đoàn 307 – với nhiệm vụ chuyên viên phá nổ và là cán bộ huấn luyện.

 

Fyodor Bessmertny cùng vợ con

Giống như Platon Skrzhinsky, ông kết hôn với một nữ du kích Việt Nam, tên Nguyễn Thị Vinh.

Họ có một con trai tên là Nikolay Viet Bessmertny. Năm 1958, Fedor trở về Liên Xô. Tiếc rằng, ông đã không sống được bao lâu sau khi trở về và mất vì bệnh lao.

Tiểu sử của những người Nga, mà số phận đã đưa đẩy họ đến Đông Dương, là tuyệt vời. Cho dù họ là ai - "Bạch vệ" hay "Hồng quân", dù chiến đấu cho bên nào thì họ cũng đã tỏ rõ lòng can đảm người Nga và chịu đựng được những thử thách khó khăn nhất.

Nguyễn Quang
Nguồn: baodatviet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo