Việt Nam đối đầu với chính sách 'tấn công ve vãn' của Trung Quốc
![]() |
Ảnh minh họa internet |
Việt Nam rõ ràng là một quốc gia bị “Tàu hoá” nhất ở Đông nam Á, một kết quả nổi bật của hơn 2000 năm quan hệ sâu đậm giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nhưng việc thấm nhuần văn hoá Trung Quốc của người Việt không phải là một quá trình đơn giản hoặc là một hệ quả tất yếu của tình trạng gần gũi về địa lý; nó mang sắc thái phức tạp hơn nhiều. Ảnh hưởng văn hoá của Trung Quốc chỉ tạo thành một lớp của đặc tính văn hoá Việt Nam. Yếu tố quan trọng và tầm cỡ nhất vẫn nằm trong những truyền thống, phong tục và thói quen địa phương, trong khi những vay mượn văn hoá của Việt Nam từ khu vực Đông nam Á và phương Tây hình thành một lớp văn hoá khác.
Có hai đặc điểm nổi bật về việc người Việt thấm nhuần những yếu tố văn hoá Trung Quốc trong 2000 năm qua. Trước tiên, Việt Nam đã sẵn sàng vay mượn văn hoá từ Trung Quốc với điều kiện tự nguyện, bằng quá trình nội tại hơn là một áp đặt đầy cưỡng ép từ phương bắc. Thứ hai, Việt Nam vay mượn văn hoá từ Trung Quốc qua một quá trình chọn lựa - đa số những ảnh hưởng từ Trung Quốc được thích nghi để phù hợp với nhu cầu địa phương. Vì thế việc “Tàu hoá” của Việt Nam có thể được hiểu như là việc “Việt hoá” những yếu tố Trung Quốc. Cốt lõi của xã hội và văn hoát Việt vẫn tràn ngập những giá trị và phong tục văn hóa và xã hội bản địa, giúp hình thành đặc tính quốc gia của Việt Nam và dẫn dắt quan điểm và quan hệ của nó đối với Trung Quốc.
Một ví dụ điển hình là việc truyền bá Khổng giáo vào Việt Nam. Đạo Khổng được đưa đến trong giai đoạn thống trị của Trung Quốc tại Việt Nam kéo dài hơn 1000 năm. Nhưng nó đã không có được chỗ đứng trong xã hội Việt cho đến khi quốc gia này giành được độc lập khỏi Trung Quốc và bắt đầu xem Khổng giáo như là một công cụ để xây dựng đất nước hơn là một di sản văn hoá do phương bắc áp đặt. Nhà Lý được cho là đã xây dựng Văn Miếu vào năm 1070 để thờ Khổng Tử và sáu năm sau thiết lập viện Quốc Tử Giám để đào tạo những những trí thức và quan lại theo truyền thống Khổng giáo. Đến khi triều nhà Lê lên nắm quyền, Khổng giáo đã được nhiệt liệt đón nhận như là một khuôn khổ tư tưởng để nhà nước và xã hội Việt vận hành.
Người Việt cũng đã có những thay đổi quan trọng đối với tư tưởng ngoại nhập này. Ví dụ như ngược lại với truyền thống Khổng giáo Trung Quốc, xã hội Việt Nam đã thừa nhận quyền lợi của phụ nữ nhiều hơn và cho phép họ có vị thế cao hơn trong xã hội, và trong khi đạo Khổng ở Trung Quốc chỉ nhấn mạnh vào lòng trung thành với nhà cầm quyền, đạo Khổng ở Việt Nam còn bao gồm cả lòng trung thành với nhà cầm quyền lẫn lòng yêu nước.
Lịch sử ảnh hưởng văn hoá của Trung Quốc đối với Việt Nam bắt đầu suy giảm trong cuối thế kỷ 19, và quá trình Tàu hoá của Việt Nam trên danh nghĩa đã mất đi vào năm 1918. Nó xảy ra với việc huỷ bỏ những kỳ thi vào các chức quan lại vốn thường khảo hạch thí sinh về những kiến thức Khổng giáo cổ điển cũng như tài văn chương thi phú bằng tiếng Hán và Nôm. Nhưng với hơn 2000 năm quan hệ với Trung Quốc đã lưu lại Việt Nam vô số những ảnh hưởng văn hoá từ Trung Quốc mà không thể loại bỏ một sớm một chiều.
Gần đây hơn, với sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc trên thế giới, Việt Nam đã là đối tượng của chính sách “tấn công ve vãn” của Trung Quốc khi quốc gia này tìm cách phổ biến quyền lực mềm của mình trên toàn thế giới. Kể từ những năm đầu thập niên 1990, Việt Nam đã bị tràn ngập bởi cơn “sóng thần văn hoá” từ Trung Quốc với sự thành công vượt bực của những loạt phim truyền hình về lịch sử Trung Quốc lẫn âm nhạc, phim ảnh và tiểu thuyết kiếm hiệp. Sự phổ biến của những sản phẩm văn hoá Trung Quốc - một phần vì sự khan hiếm của những sản phẩm tương tự của Việt Nam - cũng nhờ vào chất lượng của chúng, khiến chúng được đón nhận một cách tích cực từ khán giả Việt.
Nhưng ảnh hưởng quá độ của văn hoá Trung Quốc dường như đã đánh động chính quyền và những nhà lý luận tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một số nhà chỉ trích đã than phiền rằng những loạt phim truyền hình về lịch sử Trung Quốc đã khiến cho người Việt quen thuộc với lịch sử Trung Quốc hơn là lịch sử của chính dân tộc mình. Việc này đã dẫn đến một số những phản ứng từ chính quyền Việt Nam, bao gồm việc chính phủ ban hành sắc lệnh yêu cầu những bộ phim điện ảnh và truyền hình Việt Nam phải chiếm nhất từ 30 - 50% trong chương trình chiếu phim của tất cả các đài truyền hình Việt.
Bất chấp thành công rõ rệt của văn hoá phổ thông Trung Quốc đối với khán giả Việt, sự phản kháng đối với ảnh hưởng vô cớ của văn hoá Trung Quốc dường như đã trở nên mạnh mẽ hơn khi Trung Quốc có những nỗ lực đầy chủ ý và vụ lợi nhằm áp đặt những giá trị văn hoá của mình. Ví dụ như sáng kiến xây dựng Học viện Khổng giáo, một trong những bộ phận quan trọng của công trình về quyền lực mềm toàn cầu của Trung Quốc, đã không có tiến độ nhiều tại Việt Nam dù đã thành công trên thế giới.
Chính sách “tấn công ve vãn” của Trung Quốc chắc chắn sẽ mở rộng trên toàn thế giới, nhưng có thể sẽ gặp phải trở ngại tại Việt Nam. Trong khi những vay mượn tự nguyện từ Trung Quốc đã hình thành một lớp vỏ quan yếu trong nền văn hoá của dân tộc, Việt Nam cũng là một quốc gia nơi kỷ niệm của quá trình áp đặt việc đồng hoá văn hoá kéo dài hàng nghìn năm vẫn tồn tại đến ngày nay. Vì thế, việc Trung Quốc tìm cách truyền bá quyền lực mềm của mình vào Việt Nam chắc chắn sẽ bị giới hạn bởi vì quốc gia này đã quá quen thuộc với văn hoá Trung Quốc. Truyền thống phản kháng của Việt Nam đối với những ảnh hưởng văn hoá ngoài ý muốn giờ đây đang trở thành một thách thức hiển nhiên mà Trung Quốc phải vượt qua nếu muốn chính sách “tấn công ve vãn” của mình thành công tại quốc gia láng giềng phương nam này.
Lê Hồng Hiệp là giảng viên của Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và hiện là Ứng viên Tiến sĩ tại Đại Học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Úc.
Lê Hồng Hiệp
Nguồn: Diễn đàn Đông Á/ Xcafe