Sân khấu

Cha đẻ của nghệ thuật phối khí hiện đại

Cập nhật lúc 10-06-2009 09:24:31 (GMT+1)
Haydn trong một buổi biểu diễn

 

Cách đây đúng 200 năm, nhà khai sáng Franz Joseph Haydn (1732-1809) - tác giả của bài quốc ca Đức hiện nay - qua đời. Ông là một trong những nhà soạn nhạc xuất chúng của âm nhạc cổ điển và được tôn vinh là “cha đẻ của nhạc giao hưởng”. Và theo Thomas Mann, nhà văn Đức đoạt giải Nobel văn học năm 1929, thì Haydn còn là “cha đẻ của nghệ thuật phối khí hiện đại”.


Sinh ra tại một làng ở nước Áo, gần biên giới Hungari, giọng ca của Joseph Haydn có sức cuốn hút mạnh mẽ và chinh phục được George von Reuter - giám đốc âm nhạc của Nhà thờ Thánh Stephen tại Vienna - trong chuyến đi về các vùng quê nước Áo để tìm kiếm những “viên ngọc âm nhạc” còn thô ráp, chưa được mài giũa. Nhà thờ Thánh Stephen là một trong những nhạc viện hàng đầu châu Âu, với vô số các màn trình diễn các nhạc phẩm mới lạ, đặc sắc do những nhà soạn nhạc hàng đầu biên soạn. Do quá tuổi không thể tham gia dàn đồng ca của Nhà thờ Thánh Stephen, Joseph phải chuyển sang “hành nghề tự do” cho đến khi được Bá tước Morzin giao cho chỉ huy một dàn nhạc. Khi Bá tước Morzin bị khủng hoảng tài chính, Haydn buộc phải chia tay với ban nhạc và nhận công việc phụ tá nhạc trưởng của Hoàng tộc Eszterházy, một trong những gia tộc có thế lực nhất trong Đế chế Áo-Hung lúc bấy giờ. Năm 1766, Joseph Haydn được trao danh vị nhạc trưởng.

Chạy trốn vinh quang

Sau khi đã thành danh, nhạc sĩ thiên tài người Áo này lại thờ ơ trước sự kỳ vọng của các nhà tài trợ và các nhà phê bình âm nhạc, tập trung nghiên cứu những bí mật và tiềm năng của âm thanh, rồi sau đó viết ra những bản nhạc trừu tượng, lạ tai, đi trước thời đại và đôi khi phản cảm đối với những đôi tai thủ cựu. Ðó cũng là tâm trạng chung của các nhạc sĩ thiên tài như Ludwig Van Beethoven, Johan Sebastian Bach...

1760, ở tuổi 35, Haydn một mình làm việc tại một căn phòng biệt lập trong lâu đài Eszterháza của người đỡ đầu là Hoàng thân Nicolaus Eszterházy. “Phòng thí nghiệm” là cụm từ chính xác nhất để mô tả “viện nghiên cứu âm nhạc” của Haydn. Ở đây, người ta có thể chiêm ngưỡng các bức chân dung nổi tiếng của Haydn và trông ông giống một nhà khoa học nhiều hơn một nhạc sĩ tài hoa. Lâu đài Esterháza không chỉ là một phòng thí nghiệm mà còn là nơi khai sinh ra một trào lưu âm nhạc mới, cho ra đời những tác phẩm âm nhạc kết hợp hài hòa giữa óc sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ và tính cận thẩn của một thợ lành nghề. Trong bầu không khí tĩnh lặng này, một cuộc cách mạng âm nhạc đã được châm ngòi. Tại lâu đài Esterháza, Haydn đã tạo ra phần lớn trong số những tác phẩm âm nhạc bất hủ của ông.

Âm nhạc của Joseph Haydn đầy chất tìm tòi, trái ngược với sự lãng mạn trữ tình “mê hoặc lòng người” của “lãng tử” Wolfgang Amadeus Mozart. Ðó cũng là điều dễ hiểu vì Mozart là một nhạc sĩ hành nghề tự do và có những người hâm mộ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, trong khi Joseph Haydn là một nhà soạn nhạc cung đình và chỉ phục vụ sở thích của ông chủ duy nhất là Hoàng thân Nikolaus Eszterházy.

Suốt 30 năm, nhà soạn nhạc Joseph Haydn phải chiều theo sở thích âm nhạc của vị “Mạnh thường quân” sành nhạc nhưng vô cùng cá biệt này. Sở thích phản ánh cá tính của Hoàng thân Nicolaus Eszterházy, một con người phóng khoáng, không muốn bị ràng buộc vào những luật lệ hiện hành và theo đuổi đến cùng những gì mà ông ham muốn. Dưới sự bảo trợ của Hoàng thân, Joseph Haydn không phải lo kiếm kế sinh nhai và thả sức tìm tòi, sáng tạo cách phối khí mới lạ để phục vụ một thính giả duy nhất, chứ không phải che giấu sự sáng tạo của mình trong cái vỏ ngoài của dòng âm nhạc thời thượng, đại chúng như Mozart.

Các tác phẩm của Haydn luôn tiềm ẩn các nốt nhạc “khiêu khích, phá phách và đôi khi cuồng loạn”. Nó lột tả tâm trạng khiếp sợ, những cơn ác mộng luôn ám ảnh nhân loại. Chỉ có điều, mọi thứ đều có chừng mực và các thành tố âm nhạc được pha trộn đúng liều lượng trong “phòng thí nghiệm” của Haydn. Thiên tài của Joseph Haydn là ở chỗ ông đã kết hợp được nhuần nhuyễn các thành tố đối kháng thành một thực thể thống nhất, một bản nhạc giao hưởng kinh điển.

Tình bạn với Mozart

Tuy ẩn mình trong lâu đài Esterháza suốt 30 năm trời, nhưng chính âm nhạc đã giúp ông làm bạn với Wolfgang Amadeus Mozart. Hai nhà soạn nhạc thiên tài này khâm phục tài năng của nhau và Haydn đã không tiếc lời ca ngợi Mozart. Về phần mình, “Thần đồng âm nhạc” Mozart cũng rất kính trọng Haydn. Điều này thể hiện qua sáu bản tứ tấu mà ông dành tặng cho Haydn. Giống như các nhạc công trong Hoàng tộc Eszterházy, Mozart gọi Joseph Haydn là “Cha Haydn”, mặc dù ông không hề được diễm phúc làm cha theo đúng nghĩa đen của từ này.

Khác với Mozart, Haydn tuyệt không được đào tạo âm nhạc một cách có bài bản. Ông chỉ học lỏm ở người thầy “bất đắc dĩ” là nhạc sĩ nổi tiếng người Italia Nicolo Porpora. Ông viết trong hồi ký: “Tôi không được học một thầy dạy nhạc nào. Trong lĩnh vực sáng tác, tôi chỉ nghe và nghiên cứu tác phẩm của các nhạc sĩ khác”. Theo cung cách ấy, ông cũng học được nhiều từ các tác phẩm của nhà soạn nhạc Philipp Emanuel Bach, người sau này được Haydn công nhận là có ảnh hưởng quan trọng đến sự nghiệp âm nhạc của ông.

Cũng không giống Mozart - người đã dành một phần ba cuộc đời để chu du khắp thiên hạ, Haydn sống thu mình suốt 30 năm trong cung điện của Hoàng tộc Eszterházy (từ 1760 đến 1790), trên cương vị phụ tá nhạc trưởng và nhạc trưởng ban nhạc cung đình. Đây là một chức vị danh giá, nhưng hoàn toàn cách biệt với thế giới âm nhạc bên ngoài.

Khi người đỡ đầu của ông, Hoàng thân Nikolaus Eszterházy qua đời năm 1790, Haydn không chịu “về hưu” mà tạo ra một bước đột phá mới trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Sử sách viết rằng chính “lãng tử” Wolfgang Amadeus Mozart - một nhạc sĩ thiên tài “hành nghề tự do” - đã dùng cách “khích tướng” để khuyên ông rời bỏ chiếc lồng “sơn son thếp vàng” của Hoàng tộc Eszterházy, khi chê Haydn “mù tịt” về thế giới bên ngoài và “không biết ngoại ngữ”.

Trước lời chê bai hảo ý này, Joseph Haydn biện bạch: “Dù sao thì toàn thế giới đều hiểu thứ ngôn ngữ (âm nhạc) mà tôi đang dùng”. Trên thực tế, vào chính thời điểm đó, nhiều nhạc phẩm của Haydn không chỉ nổi tiếng ở Ðế chế Áo-Hung mà còn được biểu diễn trên toàn thế giới.

Tuy nói cứng, nhưng sau đó, Joseph Haydn đã hai lần lưu diễn ở London và cả hai lần đều rất thành công. Ông đã được khán thính giả đón chào nồng nhiệt, được Hoàng gia Anh nghênh tiếp và được Ðại học Oxford danh tiếng trao bằng “Tiến sĩ âm nhạc”. Trong thời gian ở London, Haydn đã sáng tác được 12 bản giao hưởng với phong cách hoàn toàn mới lạ.

Sống mãi với thời gian

Sau khi từ London trở về Vienna, Joseph Haydn đã trở thành một con người khác hẳn và bắt đầu sáng tác những bản giao hưởng trữ tình, vui tươi, lãng mạn. Theo thời gian, âm nhạc của ông ngày càng trở nên chín muồi, đa dạng mà không hề phá vỡ những chất liệu cấu thành nó. Dần dà ông đã trở thành một nhạc sĩ của đại chúng, sống trong ngôi nhà riêng và không còn dựa dẫm vào giới quý tộc. Haydn tiếp tục sáng tác hai bản giao hưởng nổi tiếng mang tên Sáng tạo Bốn mùa, những tác phẩm mang tính tổng kết cả sự nghiệp âm nhạc của ông. Trong khi Sáng tạo chứa đựng nhiều yếu tố tôn giáo, thì Bốn mùa lại mang phong cách dân ca. Hai bản giao hưởng này chính là hai bức tranh được vẽ bằng các nốt nhạc. Chúng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Haydn: không còn bị trói buộc bởi thứ nhạc cung đình và hướng tới phục vụ quảng đại quần chúng. Với việc thử nghiệm các sắc màu âm thanh mới, Haydn đã mở đường cho trào lưu âm nhạc hiện đại sau này và được nhạc sĩ thiên tài người Hungari Franz Liszt kế thừa và phát triển. Nhờ vào những thử nghiệm nói trên, các tác phẩm của Joseph Haydn sống mãi với thời gian và luôn mang mình theo hơi thở thời đại, của quá khứ, hiện tại và tương lai.

Theo TTVH

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo