Sân khấu

Hàng vạn phận người Việt lạc mất quê

Cập nhật lúc 17-05-2017 08:59:33 (GMT+1)
Những người Việt Nam mới sang Pháp trong phim tài liệu Những số phận bị lãng quên - Ảnh: Hồng Hạc

 

 Ngồi xem phim tài liệu Những số phận bị lãng quên của đạo diễn Nguyễn Mỹ Linh và Marie-Christine Courtès, khán giả đôi lần phải chú ý tới một ông Tây ngồi trong khán phòng cứ chỉ trỏ cho người bạn xem cùng. 


Đến cuộc giao lưu sau buổi diễn với đạo diễn, người ta mới biết thì ra bộ phim kia đang chiếu về làng của ông.

Bắt gặp nước Pháp quê mình, 
nhà mình, làng mình trên màn ảnh ở một đất nước xa xôi, hẳn ai cũng sẽ xúc động. Vị khán giả đó có nhà ở CAFI (Centres d'accueil des Français d'Indochine) - Trung tâm đón tiếp người Pháp Đông Dương.

Năm 1956, 30.000 người Đông Dương - chủ yếu vợ và con gốc Việt được thừa nhận hay không của quân nhân Pháp - đặt chân đến chính quốc.

Gần 1.200 người, trong đó có 740 trẻ em, được đưa đến một trại lính bỏ hoang ở xã Sainte Livrade thuộc tỉnh Lot-et-Garonne. 300 căn nhà mục nát, thiếu tiện nghi - không phòng vệ sinh, không lò sưởi - trở thành trại CAFI.

Họ tưởng sẽ tạm trú ở đó một thời gian. Nhưng hơn 50 năm sau vẫn còn hàng trăm người sống nghèo nàn, quạnh quẽ trong khu trại bị lãng quên này...

Phim tối giản lời bình, chỉ gồm rất nhiều những lời kể của người trong cuộc. Nhưng qua những lời kể ấy, người xem dần hình dung ra hoàn cảnh của ngôi làng: Sau hiệp định Genève năm 1954, hàng ngàn người Pháp hồi hương.

Và trong những chuyến tàu ấy có cả những bà góa, những đứa con lai. Họ được đưa đến những khu trại với một chiếc giường đơn, nhà vệ sinh công cộng và... hết, cùng với lời hứa chỉ ở tạm 1-2 năm.

Nhưng sự lay lắt đó kéo dài hơn 50 năm sau. Chính quyền Pháp dường như không muốn thừa nhận họ. CAFI chỉ tồn tại ở đó như một vết sẹo chiến tranh mà người Pháp không còn muốn lưu tâm.

Một người, thuộc thế hệ thứ hai của “làng” trong cuộc phỏng vấn nói rằng họ không biết họ là người Pháp hay người Việt Nam.

Họ có tên Pháp, nói tiếng Pháp, sống ở Pháp, đa số đã hòa nhập với cuộc sống ở đây. Nhưng tận trong sâu thẳm họ biết họ không hoàn toàn Pháp đến thế. Vẫn có đó trong làng những ngôi chùa, những món ăn thuần Việt, thậm chí là những bài múa hầu đồng. Người Pháp nào lại múa hầu đồng!?...

Nhưng thật cay đắng, họ chẳng thể quay về. Sự giằng xé giữa bản ngã họ mang theo từ quê hương xứ xở và một hoàn cảnh sống xa lạ cần thích nghi cứ kéo dài năm này qua năm khác.

Có lẽ họ đã thực sự lạc mất mình, khi bước chân lên những chuyến tàu “hồi hương” ngày đó. Họ không là người Pháp, họ không là người Việt, họ tự giễu nhại mình, họ là người CAFI.

Trong một bộ phim chủ yếu gồm những cảnh phỏng vấn và sinh hoạt với bối cảnh nhỏ hẹp, có hai cảnh quay từ trên cao xuống gây ấn tượng: một cảnh đầu phim, máy đưa từ thấp lên cao, thu gọn trong khung hình bối cảnh của cả “ngôi làng”, những dãy nhà xập xệ, xây cất theo kiểu doanh trại, chất chứa trong nó số phận của hàng ngàn người con Việt bị bỏ rơi.

Và một cảnh cuối phim, ở nghĩa trang, thấp thoáng những ông bà già người Việt đang đi lại giữa các hàng mộ.

Hai cảnh quay ấy tạo cảm giác dường như họ, những người dân trong ngôi làng này, những người hồi hương, hay những kẻ di dân, hay là bất cứ tên gọi nào khác… đã bị đóng khung lại đây, như một mảng màu xám buồn trong bức tranh nhập nhoạng cô lẻ của miền thôn dã xa xôi nơi nước Pháp hoa lệ.

Một chi tiết trong phim gợi cho người xem ngổn ngang suy nghĩ. Khi một người phụ nữ lớn tuổi nói lên ước nguyện hãy hỏa táng bà sau khi bà chết, đem tro cốt của bà ra biển để những cơn sóng biển sẽ đưa bà về cố hương...

Cái ước nguyện được "trở về" ấy còn nặng lòng bao nhiêu người chịu phận không thuộc về một nơi chốn nào?

Có một nhận xét nghe rất cay đắng từ những người tiếp xúc với cộng đồng CAFI: Họ đã quen, như người mù quen với bóng tối.

Ra đi từ những vùng đất chiến tranh nghèo nàn lạc hậu, họ thiếu tinh thần tranh đấu. Và phó mặc cho những hứa hẹn, họ không nỗ lực để thay đổi hoàn cảnh của mình, chấp nhận bị lãng quên.

Như trong lời tự sự của đạo diễn sau buổi chiếu, trong quá trình chị thực hiện bộ phim, những câu hỏi về nguồn cơn gốc gác tại sao họ ở đây luôn bị lảng tránh. Dường như đã quá trễ để thay đổi điều gì.

Nguồn: Hải Triều/Tuổi trẻ

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo