Khát vọng Thăng Long: khát vọng... và rồi thất vọng!
![]() |
Khát vọng Thăng Long |
“Khát vọng Thăng Long” mang theo khát vọng của một đạo diễn tài danh, một biên kịch Việt Kiều và của cả những diễn viên tên tuổi. Nhưng khát vọng chưa thể thành hiện thực.
Điểm cộng cho hình ảnh
Không hổ danh là Lưu Trọng Ninh, đạo diễn đã có công vẽ nên một bức tranh sinh động, chân thực về Đại Cồ Việt xa xưa. Xóm làng đơn sơ bên bãi bồi bãi lở, mái lá xô nghiêng chen chân trong nếp sống dân dã của người Việt xưa. Dòng sông uốn lượn tựa dải lụa bao quanh lấy đời cần lao với văn minh lúa nước. Màu nâu chủ đạo trong cách thiết kế trang phục cũng giúp “ Khát vọng Thăng Long” trở nên Việt Nam hơn. Khán giả cẩm nhận được không khi đó, con người đó chính là Việt Nam của 1000 năm về trước.
Kịch bản lan man thiếu điểm nhấn Câu chuyện trong phim bắt đầu với hình ảnh Lý Công Uẩn còn là một chú tiểu trong chùa dưới sự dìu dắt của thiền sư Vạn Hạnh, đến lúc là đại tướng quân của triều Tiền Lê. Lý Công Uẩn chứng kiến cảnh nổi loạn và sát hại lẫn nhau của các hoàng tử: Lê Long Kính, Lê Long Tân và Lê Long Đĩnh khi vua Lê Đại Hành qua đời. Cuộc đấu tranh tư tưởng của Lý Công Uẩn đã nổ ra khi tất cả sự thật thâm cung được phơi bày. Làm sao để có được hai chữ an bình cho dân chúng? làm thế nào để thống nhất đất nước? Trong phim còn có sự xuất hiện của nàng Dạ Hương. Một kỹ nữ tài sắc, người mà Công Uẩn cũng thầm thương trộm nhớ. Theo cách xây dựng kịch bản thông thường thì đây là chi tiết khai thác tính lãng mạn trong câu chuyện. Đồng thời còn là một yếu tố để đẩy kịch tính trong chuỗi mâu thuẫn giữa tình yêu, tình bạn, và tinh thần ái quốc thương dân. Nhưng, có lẽ tác giả muốn xây dựng theo phong cách khác thường nên những yếu tố đưa vào câu chuyện đã không được giải quyết một cách thỏa đáng. Một câu chuyện với lối dẫn dắt lan man, điểm nhấn là phần không thể thấy được trong tác phẩm. Đáng lẽ tựa phim nên để là “Lý Công Uẩn”. Vì đoạn kết của phim là hình ảnh Lý Công Uẩn mặc Hoàng Bào dong thuyền về hướng Thăng Long. Một chuỗi câu hỏi: Vì sao Lý Công Uẩn quyết định dời đô? Vì Sao Lý Công Uẩn lại chọn Thăng Long và quá trình xây dựng Thăng Long ra sao thì lại không được phản ánh. Nhiều tình tiết không cần thiết thì lại bị nhắc đi nhắc lại đến rườm rà, trong khi cái trọng tâm thì lại bị “cô đọng” trong vài dòng tóm tắt chạy trên màn ảnh. Những nền móng bước đầu để tạo nên 1000 năm Thăng Long thì không thấy được miêu tả. Thăng Long linh thiêng và hào hoa thì không được nhắc đến. Công lao của Lý Công Uẩn cùng các đại thần trong việc chọn vùng đất thế rồng bay thì bị bỏ sót. Xem “Khát vọng Thăng Long” giống như việc đọc một quyển sách viết về lịch sử, nhưng vô tình đã bị xé đi những trang quan trọng. Một kịch bản còn nhiều “lỗ hổng” đã kéo giá trị của tác phẩm đi xuống.