"Nàng Đẩu" Công Lý làm đạo diễn phim hài
![]() |
Công Lý (đội mũ) đang xem lại kịch bản 1 cảnh quay |
“Nàng” Bắc Đẩu đỏng đảnh, đanh đá nhưng rất “được việc” trong xê-ry Gặp nhau cuối năm - Công Lý bỗng nhiên trở thành… đạo diễn trong một bộ phim hài mang màu sắc “hành động” sẽ phát hành vào ngày 15/9 tới đây.
Thực ra, khán giả quen mặt với Công Lý qua hình ảnh là một nghệ sỹ hài, tuy nhiên, anh đã tốt nghiệp khoa Đạo diễn - Đại học sân khấu điện ảnh, nên đạo diễn mới là nghề chính của anh.
Từng làm trợ lý đạo diễn nhưng đến phim Tiến tùng, túng tiền anh mới được thể hiện đúng ngành học của mình - đạo diễn chính. Vì vậy, đây là phim mang đậm dấu ấn Công Lý, hài hước, lý sự và… tỉnh queo. Trong phim cũng có khá nhiều pha đuổi bắt “thót tim” và cảnh quay đẹp, hoành tráng. Không gian phim được thể hiện khá sâu và rộng, tạo cho khán giả cảm giác xem phim nhựa.
Nội dung phim xoay quanh hai anh chàng Tiến - Tùng trong quay cuồng trong vòng xoay mưu sinh rồi lại quay về điểm xuất phát túng tiền. Câu chuyện nhằm thức tỉnh những người dân quê, nếu không có kiến thức, hành trang vào đời rất dễ bị cám dỗ. Mảnh đất để họ phát triển chính là nơi họ sinh ra. Chủ đề nông dân ra thành phố đã quá quen thuộc với khán giả, nhưng Bình Trọng (diễn viên chính - kiêm tác giả kịch bản) làm mới bằng cách đưa ra 5 câu chuyện nhỏ, xâu chuỗi lại thành câu chuyện lớn để trong phim bao giờ cũng thay đổi không khí, tình huống của phim. Bình Trọng chia xẻ rằng, anh đã lấy tất cả những chất liệu của cuộc sống qua những câu chuyện có thật để viết lên kịch bản này.
Chiến Thắng (Thắng ngao) - Bình Trọng vào vai hai anh chàng nhà quê ra thành phố lập nghiệp, muốn kiếm tiền nhanh chóng là Tiến và Tùng. Vì Tiến có giọng hát hay nên Tùng đã chủ động cùng Tiến thành lập gánh hát rong lấy tên là Đoàn nghệ thuật T&T với phương châm “tự mình bóc lột sức mình còn hơn bóc lột thiên hạ”. Họ lang thang khắp nơi với tiêu chí “mang lời ca tiếng hát đến từng hộ gia đình”. Với giọng hát đi vào lòng người, họ được ủng hộ rất nhiều. Sự nghiệp hát rong tưởng như đã thành công thì hai người gặp một nhân vật khác tên là Lan. Họ mời cô về làm giám đốc rồi bị cô và một phụ nữ khác tên Trang lợi dụng bóc lột sức lao động, xúi giục làm những việc sai trái với pháp luật như đánh gien thuê, đòi nợ, tư vấn lô đề cờ bạc… Câu chuyện dở khóc dở cười của những con người này là nỗi khắc khoải nhức nhối của tác giả Bình Trọng khi nhìn thấy những phận người từ quê ra thành phố kiếm sống với vô vàn những khó khăn, tủi hờn.
Cảnh quay "Thắng ngao" đi hát dạo
Kịch bản này Bình Trọng đo ni đóng giày cho chính mình và Chiến Thắng. “Anh Thắng có giọng hát mang màu sắc dân ca rất tốt nên khi viết kịch bản này, tôi cũng xoay quanh khả năng ấy của anh”. Bình Trọng chia sẻ. Khán giả cũng sẽ bất ngờ bởi giọng hát cực “sến” của Chiến Thắng, bởi anh đã từng tốt nghiệp khoa thanh nhạc trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội.
Về lý do cho ra sản phẩm vào đầu mùa thu, thời gian ít được các nhà sản xuất lựa chọn, theo Bình Trọng là do nhu cầu được thưởng thức hài kịch của công chúng. Anh tâm sự, đi diễn nhiều nơi, khán giả bảo rằng, tại sao các ông toàn ra đĩa hào vào dịp Tết, bỏ đói chúng tôi suốt cả năm còn lại? Thế nên chúng tôi quyết định làm hài vào... mùa khác Tết nguyên đán để đáp ứng nhu cầu của bà con xa gần.
Bìa VCD Tiến tùng, túng tiền
Trong phim có cảnh hành động được quay bằng 5 camera, Bình Trọng phải hy sinh một chiếc máy quay buộc vào chiếc xe hơi cũ quay cảnh ôtô lao xuống hồ. Chiếc ô tô Madaz cũ được đoàn phim mua với giá 10 triệu đồng, mang về sửa sang để “chạy” được mất 10 triệu nữa. Khi quay cảnh ô tô lao xuống hồ, đoàn phim không biết rằng hồ sâu tới 30 mét nên lại phải thuê người kéo xe lên mất 10 triệu nữa, tổng chi chí cho cảnh quay xuất hiện vài phút đã hết tới 30 triệu (riêng tiền ô tô), nên nhà sản xuất nhất quyết không tiết lộ tổng kinh phí làm ra phim này.
Theo VnMedia