Sân khấu

Phim "Khát vọng Thăng Long": Tỷ lệ hay/dở … 50/50

Cập nhật lúc 14-11-2010 16:13:27 (GMT+1)
Ảnh: Đoàn phim KVTL

 

Như tỷ lệ cá cược khi ở mức ngang bằng hay trò chơi truyền hình đến hồi căng thẳng phải chọn hướng giải thoát 50/50, Khát vọng Thăng Long (KB: Charlie Nguyễn & ê-kíp, ĐD: Lưu Trọng Ninh) cũng đẩy người xem vào một không khí như thế.


Khi xem xong Khát vọng Thăng Long (KVTL), cảm giác chung là cái gì cũng thiếu thiếu hoặc gấp gáp. Mở màn, phim đặt vấn đề khá tốt, bối cảnh cùng góc máy đẹp, hứa hẹn sẽ cho khán giả một cách giải quyết vấn đề hợp lý, thu hút.

Cái gì cũng có chỉ thiếu... thời giờ

Nhưng rồi, suốt 110 phút, phim gần như được kể tuyến tính, các ráp nối chưa thực sự nhuần nhuyễn, kỹ xảo lộ liễu, thiếu các điểm nhấn quan trọng để làm bật câu chuyện. Khán giả tuy được “theo bước” Lý Công Uẩn từ khi mới sinh đến khi lên làm vua và ra Chiếu dời đô, nhưng các điểm nhấn của phim lại thuộc về vai Lê Long Đĩnh, vì phim cũng kể về nhân vật này từ khi sinh ra cho đến lúc chết. Trang phục, khung cảnh và biến cố, cái gì Lê Long Đĩnh cũng nhiều hơn, “cận cảnh” hơn, nên thu hút hơn.


Những đại cảnh như thế này luôn thiếu các biến cố chính nên khá rời rạc. Ảnh: Đoàn phim KVTL


Riêng về sự không nhuần nhuyễn, tại buổi họp báo hôm 10/11, đạo diễn cho biết ông và đoàn phim chỉ có khoảng hai tháng để quay phim, một tháng để dựng phim và làm hậu kỳ, vừa quay vừa dựng... rất gấp gáp, nên một số đoạn chưa ổn, muốn sửa cũng không đủ thời gian và kinh phí. “Một số đoạn vì thiếu thời gian nên kỹ xảo không sinh động. Tham vọng thì nhiều mà thời gian thì ít. Giá như chúng tôi có thêm một tháng nữa để dựng phim thì sẽ trau chuốt, ngọt ngào hơn rất nhiều”, Lưu Trọng Ninh nói.
Phim chưa thực sự tách bạch và tôn tạo được đường dây, tình huống của nhân vật chính. Charlie Nguyễn cho biết anh chỉ có sáu tuần để viết kịch bản này. Thông cáo báo chí thì cho biết giữa Charlie Nguyễn và ê-kíp đã có nhiều tranh cãi trong khi viết, vì cách chọn điểm tiếp cận cho vai Lý Công Uẩn có những quan điểm khác nhau.
Bà Lê Minh Tâm (đại diện Công ty Kỷ Nguyên Sáng, nhà sản xuất) cho biết kinh phí dành cho bộ phim rất lớn, đến mức chưa thể tổng kết được con số cụ thể là bao nhiêu, nên hứa sẽ bổ túc sau cho báo chí được biết. “Ban đầu, chúng tôi thực hiện gấp rút để kịp Đại lễ, nhưng khi chiếu ra mắt thì được yêu cầu chỉnh sửa vài chi tiết. Tuy vậy, nhưng chúng tôi cũng không thể làm lại toàn bộ hậu kỳ, bởi như thế là rất tốn kém”, bà Tâm nói.

Sẽ trở thành một phim cổ sử hay, giá như...

Theo Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ) thì trong 4 năm cầm quyền, Lê Long Đĩnh 5 lần cầm quân đánh giặc và đánh dẹp nội chiến, tranh giành quyền lực. “Sửa đổi quan chế và triều phục của các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống”.
Không có dịp để làm so sánh, nhưng một điểm dễ nhận thấy là trang phục KVTL, qua thiết kế của Bảo Trần Chi, đã không bị “Tàu hóa” như các phim cổ sử gần đây của Việt Nam. Dù theo chính sử, thì trong trường hợp này, nếu trang phục của vua quan có giống nhà Tống thì cũng dễ hiểu. Nhà thiết kế dường như đã chọn cách độc lập, thể hiện được những nét đặc trưng của người Việt xưa (theo hình dung), nên đây là một đóng góp về mặt nghệ thuật thiết kế.


Diễn xuất của Quách Ngọc Ngoan, Vũ Đình Toàn, Thu Trang khá tốt, khắc họa được ý đồ kịch bản; Ngô Mỹ Uyên, Leon Quang Lê, Thạch Kim Long, Nguyễn Hoàng Thảo, Đàm Hàn Giang, Thúy An, Hương Giang... đều khá tròn vai, nhưng phần tiếng hoặc lồng tiếng của vài người là không chịu nổi, nghe “sạch sẽ” như đài phát thanh, đặc biệt giọng lồng cho Ngô Mỹ Uyên, nói những điều sâu lắng, hệ trọng, nhưng người xem phải bật cười nhiều lần vì sự ngân vang. Giọng này dùng cho sân khấu kịch cung đình thì tốt hơn.

Lê Đại Hành có 11 người con trai và 1 người con nuôi, phim KVTL xoáy vào mâu thuẫn, tranh giành giữa Lê Long Đĩnh với Lê Long Việt, Lê Long Cân và Lê Long Kính. Các đại cảnh bày binh bố trận khá hoành tráng, người ngựa, binh khí và trang phục công phu, đẹp mắt, nhưng biến cố chính cho các chuẩn bị này thì còn ít và rời rạc.

Lý Công Uẩn được xây dựng như một người nhân hậu và văn võ toàn tài, nhưng chỉ khắc họa được vế đầu, vế sau thì còn mờ nhạt. Tài văn chỉ thấy được qua một lần đối đáp ngắn với Vạn Hạnh thiền sư về ý nghĩa giác ngộ và cuối cùng là bản Chiếu dời đô; tài võ thì chỉ có ở vài trận đánh lẻ thời trẻ nhỏ, lúc hộ giá cho vua Lê Long Việt, lúc định cứu cô gái chửa hoang bị thả trôi sông... Đáng lý, để tăng sự hấp dẫn, phim nên khắc họa đậm nét hơn hình tượng Lý Công Uẩn trong những trận chiến lớn, bởi những trận này không thiếu ở trong phim.

Như “công thức chung” của phim kiếm hiệp hiện nay, dù KVTL vẫn giữ nguyên kịch bản như vậy, nhưng cứ khoảng 10 phút có một trận đánh, trong đó có 2-3 trận đánh lớn thì sức hấp dẫn sẽ tăng lên gấp bội. Các mâu thuẫn của kịch bản dư thừa để thực hiện các trận đánh này.

Điều tiếc nuối sau cùng của một phim đầy trữ lượng là cái cột mốc Đại lễ mà các nhà sản xuất tư nhân muốn hướng đến, nó đã buộc đoàn phim phải đứng vào thế quá gấp gáp, không thiếu nhân lực, kỹ thuật... nhưng lại thiếu thời gian. Giá như phim này làm để chiếu Tết 2011 hay một dịp nào đó bất kì, thì mọi thứ sẽ hoàn chỉnh hơn, rất có thể, nó sẽ trở thành một phim cổ sử hay của Việt Nam.

Văn Bảy

Nguồn: TTVH

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo