Sân khấu

Phim Việt Nam chỉ thích mặt xấu?

Cập nhật lúc 07-04-2015 11:09:22 (GMT+1)
Một cảnh trong phim "trúng số". Nguồn ảnh: Internet

 

Một bộ phim nói về mặt tích cực, cái tốt của xã hội - khó thành công trong việc thu hút người xem. Với một chương trình trên truyền hình - những người thắng cuộc chưa chắc được nhắc đến nhiều bằng những scandal, chiêu trò. Hay sân khấu kịch, cứ phải có yếu tố ma, sex, hài kịch ngô nghê rẻ tiền để thu hút khán giả… Phải chăng nghệ thuật đang xa dần những điều tích cực, những con người tốt đẹp, mà chỉ tập trung vào cái xấu, vào mặt trái của xã hội?


KỲ 1: Phim Việt Nam chỉ thích mặt xấu?

Thực sự, trừ một số ít phim Nhà nước đặt hàng vào dịp lễ lạt, kỷ niệm, các phim khác Nhà nước hay tư nhân thường nói về mặt trái xã hội hơn là mặt tích cực, đặc biệt gần như không có phim toàn người tốt. Phim hài “Trúng số” (ảnh) của Dustin Nguyễn chiếu dịp tết là một ví dụ hiếm hoi về phim người tốt mà thắng lớn! 

“Thuyết yêu thương”

Bộ phim nổi tiếng “Theory of everything” được dịch một cách thú vị là “Thuyết yêu thương” được đề cử Giải Oscar 2015 và thắng giải nam diễn viên chính (Eddie Redmayne).

Được xây dựng dựa trên cuốn hồi ký đẫm nước mắt “Travelling to infinity: My life with Stephen” của Jane Hawking về chuyện tình của bà với nhà vật lý Stephen Hawking, bộ phim là câu chuyện giàu cảm xúc về nhà vật lý thiên tài, từ khi ông vẫn còn là một chàng trai khỏe mạnh, cho đến khi căn bệnh “thần kinh vận động” đã cướp mất sức mạnh của ông, từ đôi chân, đến toàn thân và cả giọng nói. Chính tình yêu dành cho khoa học và sự ủng hộ bền bỉ của vợ ông - bà Jane Hawking - đã giúp Stephen vượt qua bi kịch để tiếp tục những thành công khoa học vĩ đại. Nhưng như Jane đã nói: “Em đã từng yêu… và đã rất cố gắng”… để rồi sau đó bà phải rời bỏ ông khi thấy S.Hawking đã có người đàn bà khác (cô y tá) toàn tâm toàn ý chăm lo và yêu thương ông. Và Jane cũng thầm yêu một người đàn ông khác đầy lòng vị tha, đã sẵn sàng quên mình giúp đỡ, chăm sóc Stephen Hawking.

Phim hay và thực sự không chỉ là bài học về sự lạc quan, nghị lực phi thường của Stephen Hawking, đức hy sinh quên mình của Jane… mà hơn thế, nó là cuộc đời với bao điều kỳ diệu với những con người tốt. Chỉ có người tốt và người tốt. Tình bạn, tình yêu đều rất đẹp nhưng không hề lên gân, mà rất thật...

Xem phim, tự nhiên tôi nhớ đến lần cách đây khoảng gần 10 năm, trong một lần trò chuyện, đạo diễn NSND Trần Thế Dân có nói: Tại sao phim VN không xây dựng được nhiều những con người cao thượng, sống đẹp mà yêu cũng rất đẹp? Nó mạnh mẽ, sâu đậm chứ không nhợt nhạt, yếu đuối như phần lớn các phim hiện nay…

Câu nói đó của NSND Trần Thế Dân xem chừng vẫn đúng khi hiện nay, phần lớn các phim Việt vẫn khai thác mặt trái của cuộc sống nhiều hơn, có khi mô tả những thân phận, tính cách bệnh hoạn, quái đản,...

Xã hội thích mặt trái hơn?

Các đạo diễn trẻ không thiếu người cũng chỉ thích đi tìm những góc khuất cuộc đời. Một bạn trẻ ở Nha Trang đi xin tiền khắp nơi làm phim giết người, trả thù đời từ đầu đến cuối, thậm chí cả những cảnh trẻ em phang gậy vào đầu nhau như mưa, với ý tưởng: Mô tả tận cùng cái ác để hướng thiện con người. Nhưng hướng thiện đâu chả thấy, chỉ thấy đầu rơi, máu chảy, gào thét hỗn loạn và nó như một dạng phim xã hội đen Hồng Kông (Trung Quốc) xưa.

Trước câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động, vì sao phim VN phần lớn nói về mặt trái của xã hội, ít có phim nào chỉ nói về người tốt và tình yêu thương? Do đạo diễn không hứng thú, hay khán giả không có nhu cầu? Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng trả lời:

“Phim, là người, là xã hội. Con người và xã hội là thước đo của giai tầng văn hoá. Xã hội ta đang sống là xã hội tiêu dùng - nơi mà người tốt, lòng tốt đặc biệt hiếm thì khó mà có những chân giá trị đỉnh cao - thứ mà ta vẫn quen gọi là chân, thiện, mỹ. Phim người tốt không hấp dẫn khán giả vì chúng ta còn đang trong giai đoạn không phân biệt được lòng tốt và sự ngu ngốc. Vậy nên ý tưởng nghệ thuật của phần nhiều bộ phim ta chưa thoát khỏi kiếp hèn”. Còn đạo diễn trẻ hơn nữa, Phan Nha Trang (SN 1988) cho rằng: “Em nghĩ phim về mặt tốt không phải là không có, nhưng hiện tại có vẻ dư luận vẫn thích nói về mặt trái để nhìn mọi thứ đa chiều hơn. Chính nghĩa một chiều rất nhàm chán, những nhân vật nửa chính, nửa tà, có sự biến chuyển sẽ hấp dẫn hơn. Em nghĩ là do cách kể chuyện thôi. Mọi câu chuyện dù về người tốt hay người xấu để chạm được vào khán giả luôn phải có tính nhân bản. Những tội ác luôn có lý do sâu xa, cũng như những nhân vật ác luôn có phần hướng thiện. Còn nếu chỉ thiện một chiều, ác một chiều thì không giống người. Em thích kiểu nhân vật nửa chính, nửa tà”.

Kỳ sau: Tìm tài năng hay tìm... scandal?

Nguồn: Việt Văn/ Laodong

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo