Sân khấu

Tái hiện lịch sử bằng áo dài

Cập nhật lúc 09-06-2009 07:53:30 (GMT+1)
Ảnh minh họa

 

Nhà thiết kế David Minh Đức cho biết bộ sưu tập khổng lồ 1.000 áo dài của anh chứa những họa tiết sơn son thếp vàng làm thủ công, tái hiện lịch sử 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.


- Ý tưởng xây dựng bộ sưu tập 1.000 áo dài cho ‘Đại lễ nghìn năm Thăng Long” của anh bắt đầu từ đâu?

- Năm 2007, Việt Nam tổ chức cuộc thi Hoa hậu trái đất (Miss Earth) và thí sinh phải mặc áo dài như một phần thi bắt buộc. Bộ sưu tập Long hoa hội tụ của tôi trong phần thi trở thành cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Tôi muốn tiếp tục theo đuổi chủ đề này, và “đại nhân duyên” đã tới khi logo 1.000 năm Thăng Long có hình ảnh rồng và hoa sen. Điều ấy càng khiến tôi, người con Hà Nội muốn làm việc gì đó để bạn bè quốc tế chứng kiến ngày Thủ đô chuyển mình.

- Vì sao anh chọn rồng và hoa sen làm chủ đề chính trong bộ sưu tập?

- Long hoa hội tụ biểu trưng cho cái đẹp, hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Để thể hiện điều này, tôi sử dụng công nghệ cao kết hợp truyền thống thủ công mỹ nghệ như thếp vàng, chữ thư pháp, hoa sen, rồng, phượng, trống đồng… trên tà áo dài nền gấm, thể hiện các triều đại Việt Nam. Tôi muốn mẫu thiết kế có sự bay bổng, tinh tế, nhiều lớp lang để tránh nhàm chán, bên trong là yếm, nhiều tà, ngoài khoác áo đại lễ, khi di chuyển lộ ra tà bên trong, kín nhưng vẫn khoe được đường nét gợi cảm của chị em.

 - Bộ áo dài được phân chia theo những giai đoạn lịch sử. Anh nghiên cứu những gì về lịch sử, văn hóa… để thiết kế bộ sưu tập đó?

- Bộ áo dài được chia 5 phần, từ cổ đại, trung đại, cận đại, hiện đại tới đương đại… giúp công chúng hiểu về các loại áo dài mặc trong từng dịp như đại lễ, truyền thống, vu quy… cho tới thường ngày. Để thực hiện, tôi phải đọc sách, đi thư viện, gặp gỡ các nhà sử học, các nghệ nhân, tới nhiều làng nghề… tích lũy hiểu biết. Tôi tự xem đây là trách nhiệm của mình trong việc giúp công chúng hiểu hơn về trang phục dân tộc.

- Làm thủ công một bộ sưu tập khổng lồ, anh phải huy động người trợ giúp như thế nào?

- Tôi kết hợp với các nghệ nhân Thái Bình, quê hương của ông cha tôi, nơi có nhiều làng nghề thủ công với nguồn nhân lực mạnh mẽ. Tôi cũng đến gặp gỡ các nghệ nhân ở Huế và Ninh Bình, Hải Dương… để làm ra những tà áo dài đậm bản sắc dân tộc.

- Sau khi trình làng, anh sử dụng bộ sưu tập theo cách nào?

- Tôi tặng cho những người yêu áo dài, dành một số bộ tiêu biểu cho bảo tàng Hà Nội, bảo tàng Phụ nữ và sẽ công diễn nó trên nhiều vùng Việt Nam cũng như thế giới.

- Thực hiện một dự án lớn như 1.000 áo dài đại lễ, anh gặp áp lực gì?

- Tôi làm một cách tự nguyện và phi thương mại, coi đây là kỳ thi thử với mình. Tôi thấy Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có hẳn công nghệ đẩy hình ảnh văn hóa đất nước qua trang phục trong phim cổ trang, thậm chí rất nhiều sản phẩm thêu trên kimono, handbook… lại do người Việt Nam làm. Tôi nghĩ phải tận dụng sự khéo léo đó để nói với thế giới rằng Việt Nam có bản sắc văn hóa riêng. Tôi hy vọng đạt điểm 10 trong kỳ thi này.

Theo DV

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo