Sân khấu

VN: Thi hoa hậu quá nhiều có cần thiết?

Cập nhật lúc 03-11-2017 03:11:47 (GMT+1)
Các thông điệp về công - dung - ngôn - hạnh dễ bị lu mờ bởi những lùm xùm của các cuộc thi sắc đẹp

 

Tham gia thảo luận cùng phóng viên BBC Tiếng Việt về sự nở rộ các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam, bạn đọc BBC cũng nêu ra nhiều vấn đề sau những ồn ào về cuộc thi Hoa hậu Đại dương.


Theo nhà báo Mỹ Hằng từ văn phòng Bangkok của BBC, rất nhiều ‎ý kiến của dư luận đối với các cuộc thi Hoa hậu, đặc biệt là cuộc thi Hoa hậu Đại dương gần đây có chiều hướng tiêu cực.

Bên cạnh việc được tổ chức tràn lan, nở rộ "như nấm sau mưa", chất lượng của các cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ tại Việt Nam cũng bị khán giả "mổ xẻ".

Trong nhiều khán giả theo dõi cuộc thảo luận Trực tuyến hôm 01/11/2017 trên Facebook và YouTube đã đưa ra các quan điểm khác nhau về những cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam và chia sẻ ý kiến với BBC Tiếng Việt.

Bạn Bảo Minh thắc mắc trước việc các cuộc thi có quy mô rất lớn, thậm chí quy mô quốc tế nhưng đầu vào lại không xét học thức, giáo dục hay ngoại ngữ của thí sinh mà chỉ quan tâm đến hình thể.

Cũng trên Facebook, bạn Xương Xương cho rằng các cuộc thi sắc đẹp hiện nay chủ yếu mang tính chất thương mại.

Thùy Linh và Mỹ Hằng
Thi hoa hậu nên tránh cách 'niêm yết giá'Hai phóng viên Thùy Linh và Mỹ Hằng tại VP BBC ở Bangkok

Đối với khán giả Thang Viet Nguyen, trí thông minh và sự hài hước tự nhiên của người phụ nữ đáng yêu hơn nhiều so với vẻ bề ngoài.

Đánh giá ngay lập tức

Cuộc thảo luận trên Facebook Live hôm thứ Năm tuần đầu tháng 11/2017 diễn ra trong bối cảnh nhờ mạng xã hội và thông tin mở hiện nay, các "cư dân mạng" có thể ngay lập tức tiếp cận với những hình ảnh trong quá khứ của các thí sinh, hay đăng tải những học bạ, bảng điểm với điểm số thấp của tân hoa hậu.

Phóng viên Thùy Linh của BBC cho rằng dư luận cũng nên thừa nhận một số điểm như sự dũng cảm hay sự đầu tư của các thí sinh về cả tinh thần và vật chất.

Tuy nhiên, cá nhân cô phản đối các cuộc thi hoa hậu khi các cuộc thi này đem những người phụ nữ lên một bàn cân trong khi mỗi cô gái đều có những điểm khác biệt.

Cô không đồng ý với việc so sánh các thí sinh giống như đang "niêm yết giá".

Các thí sinh Hoa hậu Trái đất tham gia hoạt động bảo vệ môi trường

Các thí sinh Hoa hậu Trái đất tham gia hoạt động bảo vệ môi trường

Theo phóng viên Mỹ Hằng, tuy nhu cầu các cuộc thi để khẳng định nhan sắc trên thế giới không phải không có, nhưng các nước phát triển hầu như không tán thành việc thi sắc đẹp, điển hình với phong trào nữ quyền ở các nước Phương Tây.

Dễ chuyển 'từ đẹp đến xấu'

Rất nhiều cuộc thi sắc đẹp như ở Anh, Mỹ đều gặp trở ngại, cô cho biết.

Ngoài ra, tại nhiều nước Hồi giáo, tuyệt nhiên phụ nữ không thể phô trương hình thể trên sân khấu.

Ở Pháp, việc tổ chức các cuộc thi nhan sắc cho thiếu nhi thậm chí cũng bị cấm do lo ngại sự ảnh hưởng đối với nhận thức và tâm lý của các bé gái, theo Mỹ Hằng.

Tuy các cuộc thi nhan sắc đều lồng ghép những hoạt động nhằm tôn vinh nhân cách hay lòng nhân ái của người phụ nữ, nhưng các giá trị này dễ bị lu mờ sau những lùm xùm còn đọng lại và tâm lý chung của khán giả.

Đồng tình với ý kiến trên, PV Thùy Linh cho rằng với suy nghĩ có nhan sắc sẽ có tiền tài và danh vọng, các cuộc thi nhan sắc có thể sẽ làm ảnh hưởng tới suy nghĩ của những khán giả nhỏ tuổi. Theo cô, việc trao những giải thưởng gồm tiền mặt và vương miện giá trị quá lớn dường như chưa thiết thực so với những sứ mệnh và thông điệp mà các cuộc thi hướng tới.

Các nhà báo BBC cũng nêu ra rằng điều khác biệt giữa các cuộc thi sắc đẹp của Việt Nam và thế giới khi những cuộc thi lớn như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Trái đất đều có những kế hoạch hoạt động cụ thể cho các hoa hậu trong nhiệm kì của mình.

Thi Hoa hậu Trái Đất năm 2017 ở Philippines

Thi Hoa hậu Trái Đất năm 2017 ở Philippines

Trả lời bình luận của một khán giả theo dõi chương trình với ý kiến cho rằng hầu như các nước quan tâm đến các cuộc thi sắc đẹp đều là các nước nghèo, nhà báo Thùy Linh cho rằng các cuộc thi này tại các nước phát triển tiến hầu như không nhận được sự chú ý so với các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội.

Còn tại Việt Nam thì đây lại là điều ngược lại với khán thính giả.

Còn Mỹ Hằng cho rằng sự hạn chế hiểu biết này cũng được phản ánh qua các thí sinh của các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam.

Cô cho rằng vì vậy cần có sự đào tạo để nâng cao chất lượng các thí sinh tại các cuộc thi này, không chỉ về nhan sắc mà cả về hiểu biết và trí tuệ.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo