Phong tục

Một chút hiểu về thú chơi chữ ngày Xuân

Cập nhật lúc 03-02-2013 17:18:35 (GMT+1)

 

Chữ và nghĩa trong văn tự Hán Nôm ở thời nay chắc không nhiều người hiểu, chưa nói tới là thấu hiểu. Tôi cứ thắc mắc như vậy, nhưng rồi cũng thật khó tìm được các cụ Nho sĩ để xin giải thích đôi điều.


Đã vậy, khi đi tham quan các di tích lịch sử như đền, đình, chùa… gặp quá nhiều hoành phi, câu đối của cha ông để lại bằng chữ Hán Nôm, ngay cả gian thờ họ tộc cũng có chữ Hán Nôm nhưng không được lược dịch, chú giải để giúp người thời nay hiểu. Thậm chí có những bài báo giải thích sai cả đôi câu đối của cụ Vũ Khiêu viết dựng tại Cửa Bắc thành Thăng Long ca ngợi hai vị quan Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương vì nghĩa lớn quyết tử giữ nước. Vậy mà những năm gần đây vào dịp đầu năm mới phong trào xin và cho chữ nở rộ hơn cả hoa xuân bên thềm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngay trong phòng khách của nhiều gia đình  cũng xuất hiện những bức thư pháp, câu đối chữ Hán bằng chất liệu khác nhau, nếu có hỏi chắc chủ nhà cũng khó giải nghĩa chữ treo trên tường ấy. Tôi đồ rằng, cái thú này bắt nguồn từ tổng kết “Nhất chữ, nhì tranh, tam thạch, tứ gốm”, người ta đang đi theo cái mốt “nhất chữ” vì đã chán cái dòng tranh từ phong cảnh đến hoa lá và người đẹp, còn món đá và gốm quý thì mấy ai có tiền để trưng bày.

Thiết nghĩ, mình dốt thì phải tầm sư để hiểu đôi chút về chữ và nghĩa. Thế rồi mấy cụ đồ già cũng chiều tôi dành chút thời gian để nói cho hiểu, trong khi nói các cụ cũng phải tra từ điển mới dám nói. Khi đọc cuốn Hán Việt từ điển của tác giả Thiều Chửu do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin phát hành năm 2005 tôi cũng vỡ ra đôi chút. Ngay trong lời nói đầu, tác giả đã phân tích việc làm tự điển Hán Việt rất khó vì có những chữ chỉ về nghĩa bóng, về phần siêu hình; những chữ chỉ về sự tướng, về phần hình chất (tức vật thể) quá đa dạng mà phải là trí lực của cả tập thể hiểu biết về triết học, thần học, tâm lý học, các nhà khoa học với một bậc học vấn uyên thâm, từng trải mới có thể bổ sung cho ngày một hoàn chỉnh. Chưa nói các câu trong từ điển Tàu lại dẫn kinh truyện để giải nghĩa, khiến cho người chưa học khắp Ngũ kinh, Tứ thư, Bách gia chư tử và Bắc sử đành gấp sách thở dài.

Ngay cả khi ngồi trước hai ba cụ Nho sĩ, khi được hỏi một chữ, một câu cũng phải nói cho rõ (như ý hiểu ngữ pháp thời nay chữ đó là động từ hay tính từ…) để các vị tra từ điển giải thích giúp. Ví như chữ Hoàn, tra trong cuốn Hán – Việt từ điển có đến bốn năm chữ khác nhau và ở đó nghĩa khác nhau: Nếu ý nói trở về quê hương thì phải viết chữ Hoàn là trở về chứ không thể viết Hoàn là hoàn thành nghĩa vụ, hoàn thuế, hoàn trả.

Lại nói về câu đối: Đôi câu đối trong phòng khách không thể lấy câu đối trên gian thờ để treo cho đẹp. Ví như: Trung hiếu trì gia viễn/ Đức nhân xử thế trường, (Tạm giải nghĩa: Điều trung hiếu giữ gia phong được lâu dài/Người có đức có nhân đi đâu cũng được người đời trìu mến); những điều này nhằm răn dạy con cháu sống phải có trung có hiếu và có đức mới được dài lâu và mọi người mến mộ.

Đôi câu đối: Bút thụ hữu hoa huynh đệ lạc/ Thư điền vô thuế tử tôn canh. (Tạm dịch: Cây viết ra chữ đẹp để anh em vui vẻ, sách như thửa ruộng mà không phải nộp thuế), ý dạy con cháu chịu khó mà cày (học) trên thửa ruộng (sách) ấy để thành người.

Đôi câu đối để nói về nét đẹp nghề nghiệp: Cô tửu thuyền lai giang diệc túy/Mại hoa nhân khứ lộ do hương, phải hiểu là: Cô gái bán rượu chở trên thuyền mà quãng sông cũng say vì men, cô gái bán hoa đi vào đoạn đường nào thơm đoạn đường ấy.

Thế mới thấy thú chơi chữ, chơi câu đối thật tao nhã, súc tích, mà ý và nghĩa lại rộng, đôi khi thâm thúy.

Nói về chuyện ngày xưa, nhà vua muốn thử tài một vị quan, ra một vế đối, nếu vị quan đối chuẩn sẽ được nhà vua cất nhắc vào vị trí cần thiết trong triều. Các sứ giả người Việt Nam sang Trung Quốc cũng ứng khẩu những vế đối khiến các quan trong triều kính phục, vị nể. Ví như: Giang Văn Minh (1573-1638) khi đi sứ nhà Thanh, Đại thần nhà Thanh ra vế đối ngạo mạn:

“Đồng trụ chí Kim đài dĩ lục”/(Cột đồng đến nay rêu đã phủ xanh)
Ý muốn nhắc lại chuyện Mã Viện chôn cột đồng ở biên giới và lời nguyền
“Đồng trụ triết, Giao Chỉ triệt” / Cột đồng mà đổ gẫy thì dân Giao chỉ bị diệt  vong
Giang Văn Minh tức thì đối lại:
“Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”/(Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ)

Ý nói đến thất bại của phương Bắc xâm lược Đại Việt máu đỏ dòng sông Bạch Đằng.
Người Thanh vừa tức giận, vừa sợ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người thông hiểu chữ Hán Nôm. Năm 1941, hồi mới về nước xây dựng căn cứ địa, cuộc sống nơi núi rừng, Bác vẫn trồng khoai sắn quanh lán trại; ngày Tết đến, Bác ra vế đối: “Trồng môn cửa trước” (môn có hai nghĩa: vừa là cây khoai môn, vừa là cửa). Đồng chí Phùng Chí Tài, lúc đó làm cận vệ của Bác đã đối lại: “Bắt ốc sau nhà” (ốc cũng có hai nghĩa: vừa là con ốc, vừa là nhà). Bác khen chú Tài đối thế là được. Từ đó Bác dạy thêm cho nhiều cán bộ cách mạng làm câu đối để tập ứng xử nhanh, rèn trí thông minh, vốn cần có để thực hiện công tác dân vận, đặc biệt trong công tác ngoại giao.

Vào dịp Tết Đinh Hợi, Tết kháng chiến đầu tiên, Bác Hồ đã có thơ chúc Tết. Khi Bác tới nơi đặt Đài tiếng nói Việt Nam ở chùa Trầm (nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Đến nơi, sư cụ trụ trì chùa Trầm đứng đón Bác ở cửa hang chắp tay chào và xin Bác một câu đối để đón xuân. Khi bút mực được đưa ra, Bác Hồ vui vẻ viết:

“ Kháng chiến tất thắng
Kiến quốc tất thành”

Câu đối này nay vẫn được cụ Lê Quang Lân, một cán bộ của Đài tiếng nói Việt Nam lưu giữ nguyên bản.

Những năm gần đây, vào dịp Tết đến, xuân về tại nhiều địa điểm như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn ở Hà Nội hay ở Hải Phòng, Huế… đều có các nhà thư pháp cho chữ và người tới xin chữ. Nhiều câu lạc bộ thư pháp ra đời, có cả các nhà thư pháp trẻ viết bằng chữ Quốc ngữ. Tại Hải Phòng, Tết Nhâm Thìn 2012 vừa qua đã diễn ra lễ hội khai bút tại đền Mạc,  thôn Cổ Trai, xã Ngũ Loan, huyện Kiến Thụy. Vào ngày 6 Tết, các tay bút đại diện cho học sinh 18 trường học của 18 xã trong huyện và đại diện các ban ngành, tỉnh, huyện, xã đã viết chữ Học làm đầu trong lễ hội.

Hy vọng thú chơi chữ luôn là nét đẹp nâng sự hiểu biết của các thế hệ người Việt.

Nguồn: Duy Tường/ phapluatxahoi

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo