Phong tục

Những công việc nào nên tránh làm trong mấy ngày Tết?

Cập nhật lúc 11-02-2013 19:39:29 (GMT+1)
Không khí vui tươi ngày Tết cổ truyền

 

Trong quan niệm của người Việt từ bấy lâu nay, Tết Nguyên đán là mở đầu cho mọi sự mới mẻ trong năm mới, đồng thời cũng kết thúc mọi sự xui xẻo năm cũ.


Do vậy, để tránh bị đen đủi trong 365 ngày của năm tiếp theo, vào những ngày Tết, ai cũng đều tỏ ra cẩn trọng trong mọi việc làm vào những ngày này.

Đó là lí do vì sao mà vào các ngày trước 29 hoặc 30 âm lịch, việc đầu tiên mà hầu hết mọi gia đình đều làm đó là dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, thân thể, không gian sinh hoạt. Bước sang ngày mồng 1 của năm mới âm lịch, cho dù có như thế nào người ta cũng tránh việc quét dọn. Công việc này chỉ được thực hiện vào ngày tiếp theo, là mồng 2 Tết.

Thông thường, ngày mồng 1 Tết là ngày đầu tiên đón khách xông nhà, đón người đến chúc Tết. Việc rác thải từ bánh kẹo, đồ ăn,… cho dù có nằm bừa bộn khắp nhà cửa cũng không nên quét đi. Bởi, theo quan niệm đó là lộc lá đầu năm, nếu quét đi sẽ mang theo cả lộc năm mới, gây xui xẻo cho cả năm.

Một công việc khác không nên làm vào năm mới, đó là đi xin xỏ, vay mượn bất kỳ tài sản nào của người khác. Bởi như thế sẽ bị mất “giông” cả năm, sẽ đi vay mượn cả năm. Bên cạnh đó, trong các gia đình, lời ăn tiếng nói vào ngày đầu năm cũng cực kỳ quan trọng. Mọi thành viên đều tránh nói những lời tục tĩu, từ xui xẻo hoặc trách móc, chửi mắng nhau.

Lửa mang lại may mắn trong năm mới

Ngược lại, trong những ngày đầu năm mới, ai cũng dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Người lớn thì mừng tuổi cho trẻ nhỏ, con cháu mừng thọ cha mẹ, anh em trong nhà chúc tụng nhau.

Trong những ngày Tết, điều kiêng kỵ nhất ở hầu hết các địa phương đó là đám ma người chết. Theo quan niệm, gia đình nào không may mắn có người thân chết vào ngày cận Tết (tức trước ngày cuối cùng của năm cũ, tính đến thời điểm trước giao thừa) thì phải nhanh chóng làm lễ an táng, chôn cất khi chưa bước qua năm mới. Còn nếu như người thân chết vào ngày mồng 1 Tết, việc cần làm lúc này là chưa phát tang ngay, mà chờ qua ngày đầu tiên, đến ngày mồng 2 Tết mới tiến hành an táng.

Những gia đình có người thân chết vào thời điểm trước, trong và sau Tết thì không nên đi chúc Tết hàng xóm, láng giềng. Theo quan niệm, trong ngày mồng 1 Tết, việc gặp gỡ ai đầu tiên là cực kỳ quan trọng, sẽ ảnh hưởng đến người đó cả năm. Do vậy, hiện nay, ở một số thành phố xuất hiện hình thức thuê người đến xông đất. Dựa vào “Tam hợp, Tứ hành xung” mà tìm người xông đất cho phù hợp, mang may mắn đến cả năm. Người nằm trong “Tam hợp” với gia chủ sẽ mang “vía lành” đến, tức là gia chủ sẽ được may mắn cả năm, làm ăn thuận lợi, đi lại trôi chảy. Ngược lại, gia chủ nếu gặp phải người đầu tiên trong năm mới mà thuộc “Tứ hành xung” với mình thì năm đó, xui xẻo cả năm, làm việc gì cũng sẽ khó khăn.

Đặc biệt, trong năm mới, hầu hết mọi gia đình đều kiêng kỵ, cố tránh việc làm vỡ gương, bát đĩa,… Theo quan niệm dân gian mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, việc làm vỡ những vật này là báo hiệu cho sự đổ vỡ, rạn nứt ở mọi công việc trong năm mới. Làm ăn thất bại, yêu đương đổ vỡ, đi lại gặp xui xẻo,…

Người dân kỵ việc làm vỡ gương, bát đĩa trong năm mới

Tại một số nơi hiện vẫn đang tồn tại phong tục trong ngày đầu năm mới, người ta đi mua bật lửa mang về nhà. Theo quan niệm, ngọn lửa màu đỏ, sẽ mang lại may mắn. Có lửa là có ánh sáng, có thức ăn, có nước uống,… Mua bật lửa về nhà đồng nghĩa với việc mang sự sung túc, đầy đủ, no ấm cả năm.

Một số quan niệm trên đây ngày nay ít khi được biết đến, chủ yếu thông qua truyền miệng. Ở hầu hết các vùng nông thôn Việt Nam, những tục lệ đó đến nay vẫn còn được lưu giữ. Điều đó khiến cho không khí ngày Tết cổ truyền thêm thiêng liêng hơn, đáng quý hơn.

Nguồn: Nguyễn Hoàng/ Xahoi

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo