Phong tục

Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu: Nguồn gốc và ý nghĩa

Cập nhật lúc 20-02-2016 08:56:01 (GMT+1)
Ngày rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên của một năm. Ảnh minh họa intermet

 

Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên Tiêu là ngày lễ lớn của người Việt nhưng ít ai biết nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này.


Ngày rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên của một năm. Ngoài tên Tết Nguyên tiêu còn gọi là Nguyên Tịch; Nguyên Dạ, Tết Trạng Nguyên; Tết Đoàn Viên; Tết Hoa Đăng…

Nguồn gốc của ngày Rằm tháng Giếng - Tết nguyên tiêu

Đây là ngày lễ lớn trong phong tục của người Việt Nam và Trung Quốc.

Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Nhiều tài liệu viết phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc với lễ hội rước đèn lồng long trọng. Thời ấy, các cung nữ sau Tết Nguyên Đán đến Tết Nguyên Tiêu đều nhớ nhà và nhớ cha mẹ, nhưng cung vua canh phòng cẩn mật không làm thế nào để ra gặp mặt cha mẹ được. Một cung nữ tên là Nguyên Tiêu cũng đã qua nhiều cái Tết mà không được đoàn tụ với gia đình, buồn cho số phận nên đã tìm đến một cái giếng toan kết liễu cuộc đời. May thay, cô gái được Đông Phương Sóc, viên sủng thần của Hán Vũ Đế cứu sống.

Để giúp cô cung nữ thỏa lòng nhớ thương cha mẹ, Đông Phương Sóc nghĩ ra một kế: Ông bày một bàn bói quẻ trên phố Tràng An, tất cả những người đến bói đều nhận được một quẻ ghi dòng chữ "mười sáu tháng giêng bị lửa thiêu". Sau đó, ông tiết lộ thêm: Tối ngày mười ba tháng giêng Ngọc Hoàng sẽ sai một tiên nữ áo đỏ giáng trần để hỏa thiêu Tràng An, mọi người muốn sống, hãy tâu lên nhà vua để tìm cách thoát nạn. Được tin thần hỏa sẽ đốt thành Tràng An, Hán Vũ Đế vội triệu mưu sĩ Đông Phương Sóc đến để bàn cách đối phó.

Đông Phương Sóc vờ suy nghĩ một lúc rồi tâu với vua: Nghe nói thần lửa rất thích ăn bánh trôi, trong cung có Nguyên Tiêu khéo tay, có thể giao cho cô làm bánh đãi Hỏa Thần. Đồng thời ban lệnh cho dân chúng Tràng An đến ngày đó mỗi nhà phải treo trước cửa một chiếc đèn lồng đỏ để Ngọc Hoàng tưởng lầm thành Trường An dưới trần đang bị lửa thiêu. Để tặng công làm bánh dụ Hỏa Thần, nhà vua đã cho Nguyên Tiêu về đoàn tụ với gia đình, còn người đời ghi ơn "dẹp nạn lửa" của cô gái nên đặt cho chiếc bánh trôi và ngày rằm tháng giêng cái tên "Nguyên Tiêu". Họ quan niệm ngày Tết Nguyên Tiêu đồng nghĩa với "Tết đoàn viên" hay "Tết tình yêu".

Ngoài ra, dân gian còn lưu truyền một sự tích Tết Nguyên Tiêu khác như sau: Ngày xửa ngày xưa có một con thiên nga từ trên thiên đình bay xuống hạ giới đã bị một người thợ săn bắn chết. Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc Hoàng đã sai một đội quân Thiên đình đúng ngày 15 tháng 1 xuống hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật dưới hạ giới.

Rất may cho loài người là có một số vị thần trên Thiên đình không đồng ý với quyết định có phần hơi nặng tay của Ngọc Hoàng. Họ đã liều mình xuống hạ giới để hiến kế cho chúng sinh. Thế là vào ngày đó, nhà nhà treo đèn lồng và bắn pháo hoa để trên Thiên đình tưởng rằng nhà cửa của họ đã bị phóng hỏa. Nhờ đó mà loài người mới thoát khỏi cảnh diệt vong.

Một giải thích khác theo sách "Ngày tết Trung Quốc" (xuất bản tháng 9/1983) cho rằng: Tết Nguyên Tiêu có từ đời Hán. Vua Hán Văn lên ngôi đúng vào ngày rằm tháng giêng sau khi dẹp yên cuộc rối ren do gia tộc họ Lã gây ra.

Từ đó theo lệ mỗi năm vào đêm rằm tháng giêng, vua Hán Văn ra khỏi cung dạo chơi chung vui với thần dân. Chữ "Dạ" (đêm) trong cổ ngữ Trung Hoa còn được đọc là "Tiêu" nên vua Hán Văn đã lấy ngày rằm tháng giêng làm ngày Tết Nguyên Tiêu.

Cái tên Nguyên Tiêu được người xưa giải thích: đêm là “tiêu”, đêm rằm tháng Giêng lại là đêm trăng tròn đầu tiên của một năm, nên gọi rằm tháng Giêng là Nguyên tiêu.

Đây là ngày vía Thiên Quan (Khổng & Lão giáo), người ta đến chùa dâng sao để giải hạn. Trong dân gian, với số đông người theo phong tục thờ cúng Tổ Tiên thì rằm tháng giêng trước hết được hiểu một cách đơn giản là ngày rằm lớn.

Ý nghĩa của ngày rằm tháng Giêng - Tết nguyên tiêu

Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái Phật, có gia đình cúng Thổ Công, Thần Tài hoặc cúng Âm Hồn các đẳng... Nhưng bao giờ cũng có cúng Gia Tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm tạ ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn thuận lợi.

Theo lời các bô lão, thời xưa, rằm tháng giêng vốn là ngày tết Trạng Nguyên. Nhân dịp trăng sáng đầu năm, vua cho mở đại yến tại vườn thượng uyển, vời các Trạng Nguyên đến dự hội, ngắm cảnh xem hoa, làm thơ xướng họa, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và ca tụng ân đức nhà vua đã đem lại thái bình thịnh trị.

Dần dần những buổi họp mặt tương tự vào đêm rằm tháng giêng được các văn nhân thi sĩ tổ chức, không chỉ trong vườn thượng uyển với nghi lễ vua tôi mà ở nhiều nơi, việc xem hoa ngắm cảnh dưới trăng thoải mái hơn, những vần thơ xướng họa, đối đáp phong phú và sinh động hơn.

Văn nhân thi sĩ, nhất là các cụ cao niên thưởng trăng thù tạc với nhau bằng chén trà, chung rượu, bàn cờ. Các cụ ăn uống ít, chỉ ngâm nga bàn tán những câu tâm đắc.

Tết Nguyên Tiêu trở thành một sinh hoạt tao nhã mang nhiều ý nghĩa trong khung cảnh tuyệt vời thơ mộng:Trong ngày tết Nguyên Tiêu, ngoài ngắm đèn, ăn bánh trôi, còn có rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác như diễu hành, múa lân sư rồng…

Phật giáo trong hơn ngàn năm du nhập vào Việt Nam đã gắn kết các phong tục văn hóa của Việt. Rằm tháng giêng không phải là một ngoại lệ, từ một ngày lễ hội xa lạ có nguồn gốc từ Trung Hoa đã biến đổi thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người dân Việt thấm nhuần Phật pháp.

Tết Nguyên Tiêu là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng. Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt.

Nguồn: Vân Trang/ ngaynay

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo