Phong tục

Vì sao người Việt có tục cúng ông Công ông Táo?

Cập nhật lúc 15-01-2020 09:42:56 (GMT+1)
Người dân thả cá chép tiễn Táo quân về chầu trời. (Ảnh: VNE)

 

Trong văn hóa tâm linh của người Việt, ông Công ông Táo (Táo quân) là vị thần bảo vệ gia đình, cuối năm sẽ lên thiên đình báo cáo với Ngọc hoàng. Vì thế hàng năm người dân đều làm lễ tiễn Táo quân rất chú đáo và trọng thể.


Ông Công ông Táo là ai?

Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình chuẩn bị lễ vật, mâm cúng, ca chép dâng cúng ông Công ông Táo. Ngày này còn được dân gian gọi với cái tên là Tết Táo quân. Từ xa xưa, người Việt quan niệm rằng Táo quân là vị thần bảo vệ gia đình, và vào cuối năm, Táo quân sẽ lên thiên đình báo cáo mọi chuyện tốt xấu với Ngọc Hoàng.

Người Việt quan niệm Táo quân là vị thần bảo vệ gia đình, có nhiệm vụ báo cáo mọi việc với Ngọc Hoàng. Vì thế cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người dân làm mâm cúng ông Công ông Táo. (Ảnh: Hoàng Ngọc Anh)

Vậy tục cúng ông Công ông Táo xuất phát từ đâu, ông Công ông Táo là ai? Về vấn đề này, trong cuốn Cơ sở Văn hóa Việt Nam do Nhà Xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1999, giáo sư Trần Ngọc Thêm viết: "Thổ Công là vị thần trông coi gia cư, định đoạt phúc họa cho một gia đình nên người dân vẫn có câu 'Đất có Thổ Công sông có Hà Bá'.

Thổ Công là một hình tượng bộ ba, được lưu truyền trong dân gian với sự tích ông đầu rau (hay sự tích thần Bếp) bằng nhiều dị bản khác nhau về một số chi tiết.

Câu chuyện kể rằng ngày xưa có cặp vợ chồng nghèo khổ, sau một năm mất mùa, người chồng phải đi làm ăn xa, nhiều năm bặt tin không về. Người vợ để tang chồng, sau đó, nối duyên với một người đã cưu mang nàng.

Một ngày, trong khi người chồng mới đi vắng, người chồng cũ bấy lâu này bặt vô âm tín bỗng trở về. Lúc này, người vợ chỉ biết ôm chồng cũ khóc than rồi đem cơm rượu cho ăn.

Để tránh điều tiếng, người vợ bảo chồng cũ ra đống rơm núp tạm. Người chồng mới về nhà, vào bếp lấy tro bón ruộng nhưng không có, bèn đốt đống rơm, vô tình giết người chồng cũ.

Thấy chồng cũ chết oan uổng trong đống rơm, người vợ thương xót nên nhảy vào lửa chết cùng. Người chồng mới thấy vậy, thương vợ nên cũng nhảy vào lửa chết theo dù chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện.

Trời thấy ba người sống đầy tình nghĩa nên phong cho họ làm vua Bếp để được gần nhau mãi mãi và để lửa luôn đốt nóng tình yêu của họ. Trong bộ ba đó, người chồng mới là Thổ Công trông nom việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà và người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.

Trong Đất lề quê thói, tác giả Nhất Thanh viết: "Học phái Lão Tử cho rằng ông Công là một vị thần trông coi việc thiện, ác của từng gia đình để cuối năm lên tâu Ngọc Hoàng". Theo cuốn sách, người dân thường không nghĩ nhiều đến sự khác biệt giũa các sự tích, truyền thuyết. Họ chỉ biết thành kính phụng thờ, tin tưởng thần lực uy quyền bà nghĩ đến Táo quân khi trong nhà có việc không suôn sẻ.

Ý nghĩa tục cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp?

Cúng Táo quân là tập tục được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một nét đẹp trong vưn hóa tín ngưỡng của người Việt. Với người Việt, Tết ông Công ông Táo không chỉ là dấu hiệu báo năm cũ sắp qua, năm mới sẽ đến mà họ còn gửi gắm vào đó những mong ước về một cuộc sống bình an, sung túc.

Trong cuốn Nghi lễ dân gian – Nghi lễ cúng gia tiên của tác giả Minh Đường có đoạn viết như sau: Người Việt xưa rất mực coi trọng Thổ Địa (Thổ Công) còn bởi có đất đai mới có nông nghiệp, là chỗ dựa cơ bản nhất cho sự tồn tại của con người; cung cấp nơi cư trú, cơm áo, chỗ đi lại.

Nói về quan niệm của người Việt với thần Bếp, tác giả viết: "Trong các vị thần, người Việt xưa quan niệm thần Bếp là vị thần theo sát cuộc sống của người dân nhất. Với vai trò là tay chân của Ngọc Hoàng, thần Bếp đến muôn nhà ghi lại mọi việc tốt xấu để hàng năm vào mỗi dịp 23 tháng Chạp trở về bẩm báo.

Thông qua báo cáo của thần Bếp, Ngọc Hoàng sẽ có sự thưởng phạt khác nhau cho mỗi gia đình. Chính vì vậy, phong tục cúng, tiễn ông Công ông Táo về trời vào mỗi dịp cuối năm rất được người dân coi trọng và tổ chức trọng thể".

Trong cuốn Cơ sở Văn hóa Việt Nam, giáo sư Trần Ngọc Thêm viết: “Cũng như nhiều hiện tượng khác của văn hóa Việt Nam, truyền thuyết Thổ Công là một câu chuyện chứa đầy ý nghĩa triết lý. Sở dĩ Thổ Công là thần đất mà cũng là thần bếp vì đối với người Việt Nam nông nghiệp sống định cư, đất – nhà – bếp và người phụ nữ đồng nhất với nhau, đều tối quan trọng như nhau. Bộ ba hai ông một bà cùng chết trong lửa, hóa thành thần Bếp, được thờ bên trái, tạo nên một bộ tam tài đặc biệt”.

Theo Giáo sư Trần Ngọc Thêm, một năm mở đầu bằng Tết Nguyên Đán và kết thúc bằng Tết ông Táo vào 23 tháng Chạp. Đến đêm 30 tháng Chạp, ông Táo trở về cùng gia đình bước vào năm mới. Như vậy, hệ thống lễ Tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau.

Nguồn: Hải Vân/ thoidai.com.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo