Người Việt khắp nơi

‘Chiêu bài chính trị’ đằng sau vụ người Việt tại Campuchia bị tước giấy tờ?

Cập nhật lúc 01-12-2017 04:48:30 (GMT+1)
Trường học từ thiện cho trẻ em Việt trên Biển Hồ, Campuchia. (Ảnh Báo Lao động)

 

Chính phủ Campuchia đang thực hiện chiến dịch thu hồi giấy tờ nhắm mục tiêu là cộng đồng người gốc Việt. Nhiều người bị phạt tiền và rất lo ngại vì không còn giấy tờ, trở thành người không quốc tịch, và không biết có bị chính quyền Phnom Pênh trục xuất hay không. Có ý kiến cho rằng đây là ‘chiêu bài chính trị’ để lấy lòng cử tri của đảng đương quyền, nhưng cũng có ý kiến nói đây là hoạt động kiểm tra giấy tờ thường lệ.


Hôm 30/11, ông Trần Văn Tư, một thầy giáo hơn 70 tuổi dạy tiếng Việt và tiếng Khmer miễn phí cho trẻ em Việt Nam tại khu vực Biển Hồ, cho VOA biết nhiều gia đình đã bị thu hồi giấy tờ trong tuần này.

“Người ta đang làm lại giấy tờ nhưng làm bằng cách nào thì tôi không biết. Họ mới vừa lấy lại giấy tờ gần đây. Tuy nhiên các học trò của tôi còn nhỏ, chưa có giấy tờ gì và chúng vẫn sẽ tiếp tục học với tôi vì các em chưa nhập quốc tịch được.”

Hơn hai trăm trẻ người Việt trong lớp học của thầy Tư sinh ra ở Campuchia nhưng không có giấy tờ đầy đủ nên không được vào học ở những trường công lập trong hệ thống giáo dục của chính phủ.

Thầy Tư nói một số phụ huynh trước đây đã cố gắng bằng cách nào đó làm giấy tờ cho con cái, nhưng nay chính quyền bắt đầu thu hồi vì cho rằng đó là giấy tờ không hợp lệ.

Chúng vẫn sẽ tiếp tục học với tôi vì các em chưa nhập quốc tịch được.
Thầy giáo trên Biển Hồ Trần Văn Tư

Theo nhật báo Phnom Penh Post, Kampong Chhnang là tỉnh đầu tiên phát động chính sách này từ ngày 23/11. Báo này trích lời ông Keo Vanthorn, người phát ngôn của Bộ Nội chính Campuchia nói rằng bộ thực hiện thí điểm ở tỉnh Kampong Chhnang vì là nơi có nhiều người Việt sinh sống trên các làng bè trên Biển Hồ.

Tại tỉnh này, các viên chức địa phương xác nhận là có hơn 10,000 người đã sống ở đây mà không có giấy tờ hợp lệ. Những giấy tờ gồm giấy khai sinh, thẻ căn cước, sổ thông hành và hộ khẩu.

Vào tháng 10, Bộ Trưởng Nội Vụ Sar Kheng cho biết chính sách thu hồi giấy tờ của 70,000 người ngoại quốc, đa phần là người Việt, bị cho là sống bất hợp pháp, sẽ được tiến hành.

Bộ Trưởng Nội vu Sar Kheng.
Bộ Trưởng Nội vu Sar Kheng.

Theo một nữ tu người Việt yêu cầu không nêu tên, sống ở tỉnh Battambang, thì hiện có rất nhiều người Việt sống ở khu vực Biển Hồ không có giấy tờ, một số khác có giấy tờ nhưng đang bị thu hồi, kể cả những người sinh ra ở Campuchia.

“Người Việt mình sống chung với người Khmer từ lâu lắm rồi nay họ bị kiểm tra giấy tờ. Nhà nước nói họ mượn nhưng họ thu luôn. Trước đây, phường xã thấy mình có nhà cửa ở đây thì họ cấp cho giấy tờ, chứ không phải làm lậu. Nhưng chính quyền hiện nay đang gặp khó khăn trong chuyện chính trị thì họ muốn khoanh khui ra vì vậy họ chụp mấy người đó. Có thể người cấp giấy tờ đã chết rồi. Họ bị tịch thu là vì vậy.”

Một làng ở tỉnh Battambang.
Một làng ở tỉnh Battambang.

Những người Việt Nam đã bị thu hồi giấy tờ cho tờ The Post biết rằng họ sinh ra ở Campuchia và gắn bó với vương quốc này qua nhiều thế hệ. Nhiều người phải giao nộp tất cả các các giấy tờ cho chính quyền, và kết quả là họ trở thành người không quốc tịch.

Trong tuần, báo Phnom Penh Post đơn cử trường hợp ông Bouy Nyu Lung, 52 tuổi, có mẹ là người Việt, cha người Khmer nhưng vẫn bị tịch thu hộ khẩu. Gia đình ông Lung đã sinh sống ở Campuchia qua nhiều thế hệ, từng phải chạy lánh nạn ở Việt Nam dưới thời Khmer Đỏ.

Ông nói với báo Phnom Penh Post rằng chính quyền địa phương cấp cho ông một giấy tờ "tạm thời" và ông không biết sẽ phải làm gì kế tiếp.

Một người gốc Việt khác là bà Kai Thy Heang, người không có thẻ căn cước Campuchia, nhưng vừa bị tịch thu giấy tờ còn sót lại là sổ hộ khẩu.

Bà Heang cho biết bà không biết gia đình bà đã nhập cư vào Campuchia từ khi nào nhưng chỉ biết ông bà và cha mẹ bà đều sinh ra ở đó.

Bà bị yêu cầu trả một số tiền phạt 250,000 riel (hơn $60 Mỹ kim) vì bị xem là "sống bất hợp pháp" ở Campuchia.

Bà Chan Tho, người bán rau cải trên Biển Hồ, nói với tờ Post rằng cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc đàn áp này.

Họ thu hồi hộ khẩu gia đình của chúng tôi. Họ kiểm tra xem liệu chúng tôi đã làm đúng cách hay không.

Bà Chan Tho

"Họ thu hồi hộ khẩu gia đình của chúng tôi. Họ kiểm tra xem liệu chúng tôi đã làm đúng cách hay không."

Bà nói bà vẫn không rõ vì sao hộ khẩu của gia đình bị thu hồi.

Làng bè trên Biển Hồ
Làng bè trên Biển Hồ

Khi được hỏi chuyện gì xảy ra đối với những người không có giấy tờ Campuchia hay Việt Nam, quan chức cơ quan di trú địa phương Pan Laikhean nói:

"Chúng tôi không biết sẽ làm gì tiếp theo, nhưng giờ chúng tôi cứ phạt họ 250,000 riel vì đã sống ở đây.”

Tuy nhiên, báo The Post trích lời ông Vanthorn nói, những người bị thu hồi giấy tờ là "người nhập cư", và họ cần phải điền vào đơn để xác định là người nhập cư.

Ông nói thêm:

"Lẽ ra họ phải làm đơn này lâu rồi bởi vì họ đã từng là người di cư lâu năm ở Campuchia. Lẽ ra họ không được cấp giấy tờ của Campuchia, vì những hộ chiếu và giấy tờ tùy thân này chỉ dành cho người Campuchia mà thôi."

Ông Vanthorn nói thêm: "Nếu muốn sống ở đây bất hợp pháp thì họ cần phải nộp tiền. Sau đó thì họ có thể nộp đơn xin quốc tịch."

Ông Sim Vichet, Tổng thư ký Uỷ ban Thường vụ Hội Ái hữu Khmer Kampuchea Krom nói ông tin rằng những người bị tịch thu giấy tờ có thể được phép nộp đơn xin nhập quốc tịch sau này:

“Họ làm giấy tờ giả thì bị chính quyền tịch thụ là chuyện bình thường. Khi bị tịch thu thì họ cũng không đuổi hay trục xuất về Việt Nam. Họ còn cho làm giấy tờ cư trú để được sinh sống hợp pháp và người cư trú nếu nuốm nhập quốc tịch thì nộp đơn.”

Ông Vichet cho biết hội ái hữu của ông cũng giúp cho nhiều người xin giấy chứng nhận người Khmer Krom miễn phí, mà theo ông là có giá trị pháp lý tương đương thẻ căn cước của Campuchia.

Một nhà sư Việt Nam (trái) sang Campuchia tị nạn năm 2007 (Ảnh: Mạch Sống)
Một nhà sư Việt Nam (trái) sang Campuchia tị nạn năm 2007 (Ảnh: Mạch Sống)

Tháng rồi truyền thông Campuchia cho biết pháp lệnh 129 thông báo sẽ xử lý các giấy tờ cấp sai cho ngoại kiều, nhưng nói rằng ngoại kiều sẽ được cấp giấy tờ đúng quy trình, nếu phối hợp với cơ quan hữu quan Campuchia trong việc kê khai.

Tôi nghĩ rằng đảng đương quyền muốn làm ra phát lệnh này để cho đảng bên kia thấy là họ cũng cấn với Việt Nam, chứ họ không ôm ấp Việt Nam. Đó là một chiêu bài chính trị mà thôi.
Một ngưởi Việt sống thâm niên tại tỉnh Battambang

Một người Việt ở tỉnh Battangbang nói rằng nhiều người có thể đã có giấy tờ quốc tịch một cách hợp pháp nhưng nếu họ không thể chứng minh rằng họ đã tuân theo đúng thủ tục đăng ký theo pháp lệnh mới thì họ vẫn có thể bị tước giấy tờ.

Người này nói rằng có thể đây là một "chiêu bài chính trị" của đảng cầm quyền, tức Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), nhằm lấy lòng cử tri trước cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 5/2018.

“Tôi nghĩ rằng đảng đương quyền muốn làm ra phát lệnh này để cho đảng bên kia thấy là họ cũng cấn với Việt Nam, chứ họ không ôm ấp Việt Nam. Đó là một chiêu bài chính trị mà thôi.”

Các thành viên của đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), đảng đối lập vừa bị chính quyền Campuchia giải thể, trước đây thường cáo buộc rằng thủ tướng Hunsen là “con rối” của giới lãnh đạo Hà Nội.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc

Ông Mory Sar, Phó Chủ Tịch Mạng Lưới Thanh Niên Campuchia trước đây nói với VOA rằng đảng CNRP tập trung lòng thù ghét Việt Nam vào chương trình nghị sự, nhưng điều này đã không dành được sự ủng hộ của công chúng và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt vì những thông điệp chính trị cổ súy cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Tuy nhiên, ông Sim Vichet lại bác bỏ có yếu tố chính trị trong việc thu hồi giấy tờ của người Việt:

“Tôi không nghĩ như vậy. Từ bấy lâu nay họ vẫn làm vậy, nhưng lần này có vẻ hơn rộng chút xíu. Thật ra cũng bình thường. Chắc là họ cũng không thể tịch thu hết được tất cả.”

Báo the Post nói Luật Quốc tịch Campuchia từ lâu đã bị chỉ trích là quá mơ hồ, và một phúc trình của nhà nghiên cứu về nhân quyền Christopher Sperfeldt xuất bản trong năm nay lập luận rằng bộ luật này ra đời đặc biệt chỉ để kiểm soát người Việt Nam và người Hoa.

Vào tháng rồi, người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết “các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đang tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng của Campuchia động viên bà con yên tâm tham gia quá trình hoàn thiện các giấy tờ pháp lý.

Một phúc trình năm 2014 của ông Sperfeldt và nhà nghiên cứu Lyma Nguyễn kết luận rằng nhiều người Việt Nam sống ở tỉnh Kampong Chhnang có thể được xếp loại là "vô quốc tịch". "Nhà chức trách Campuchia không coi các thành viên của nhóm người này là công dân Campuchia. . . và dường như các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng không xem họ là công dân Việt Nam."

Công ước của LHQ năm 1954 nói rằng việc “tùy tiện tước đi quốc tịch,” là bất hợp pháp. Tuy nhiên, cho đến nay, Campuchia chưa ký kết công ước này.

Ông Phil Robertson, thuộc bộ phận Nhân đạo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ, nói rằng thu hồi giấy tờ để biến người Việt Nam tại Campuchia thành người “vô quốc tịch” rõ ràng là một hành động vi phạm nhân quyền.

Thả lưới trên Biển Hồ.
Thả lưới trên Biển Hồ.

Nhưng thầy giáo mở lớp học từ thiện trên bè nổi cho trẻ em người Việt trên Biển Hồ nói rằng cho dù các em không có quốc tịch, hay cha mẹ các em bị thu hồi giấy tờ vì động cơ chính trị hay phi chính trị, thì lớp học của ông vẫn cứ tiếp tục.

“Ba đời rồi chưa biết đến Việt Nam. Từ đời cha đến đời con và cũng chưa nhập tịch được. 265 em học được miễn phí, quần áo sách vở tôi lo, cơm ngày ba bữa. Khách du lịch đến tham quan, người cho ít, người cho nhiều. Chúng tôi dùng tiền cơm gạo cho các em ăn và trả tiền lương cho thầy cô.”

Nguồn: VOA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo