Người Việt khắp nơi

Báo Anh: Tội phạm Việt khai là 'trẻ em' để trốn đi trồng cần sa

Cập nhật lúc 10-06-2019 22:48:31 (GMT+1)
Ảnh minh hoạ - Cảnh sát Anh khuân các bao chứa cần sa, Bắc London tháng 3/2019. Foto: BARCROFT MEDIA | BBC

 

Một báo Anh nêu ra ví dụ luật chống nô lệ hiện đại có lỗ hổng khiến có tội phạm người Việt khai là 'trẻ em' để trốn công lý và tiếp tục gây án.


Hiện tượng này đã được một số người trong cộng đồng gốc Việt tại Anh nói đến từ lâu, nhưng nay, tờ The Sunday Times (09/06/2019) mới có bài chi tiết.

Bài của David Collins cho hay cơ quan công tố Anh đã họp với nội các ở London để nói về hiện tượng không ít người trồng cần sa đến từ Việt Nam khai man tuổi.

Lợi dụng một lỗ hổng trong luật chống buôn người yêu cầu cảnh sát trong vòng 24 giờ phải chứng minh người bị tạm giữ là trẻ em hay người lớn, các nghi phạm Việt này đồng loạt khai là họ mới 16 tuổi, thuộc nhóm vị thành niên.

Luật Anh khi đó yêu cầu cảnh sát chuyển các 'trẻ em' này cho cơ quan chăm sóc trẻ, và coi họ là nạn nhân của tội ác buôn người, chứ không còn là thủ phạm.

Có vẻ như ngay sau khi vào Anh để hành nghề trồng sa, một số người Việt khi bị bắt đã lập tức nói họ là 'trẻ em'.

Hệ thống này và điều 45 của Luật chống buôn người và nô lệ hiện đại, đã bị lợi dụng nghiêm trọng, theo bài báo.

Tác giả Collins cũng cho hay đây là lỗ hổng nghiêm trọng, cho thấy cải cách tư pháp của bà Theresa May đưa ra khi còn làm bộ trưởng Nội vụ Anh "là thất bại".

"Cải cách nhằm tạo ra cơ chế bảo vệ trẻ em bị buôn bán vào Anh Quốc, còn gọi là điều bảo vệ trẻ số 45, nhằm bảo vệ bất cứ ai dưới 18 tuổi không bị xử phạt kể cả khi họ phạm tội trồng cần sa...nhưng nay cơ chế này bị lạm dụng nghiêm trọng."

Mẹ 30 xưng là 16 tuổi

Bài báo đăng ảnh của ba nhân vật Việt Nam, có tên là Kim Tien Tran, Huy Hoang Nguyen và Thanh Thi Nguyen. Cả ba đều khai man là "mới 16 tuổi".

Riêng trường hợp Kim Thiên Tran được nhà báo Anh mô tả khá kỹ.

"Khi tới Anh trong xe thùng và bị bắt ở Milton Keynes năm 2017, Kim Thien Tran ngay lập tức nói, 'Tôi mới 16 tuổi, tôi bị đưa vào lậu'".

Được đưa vào cơ quan bảo vệ trẻ ở địa phương theo cơ chế có tên là National Referral Mechanism (NRM), Tran sau đó đã bỏ trốn.

Bài báo viết tiếp:

"Tháng 3 năm ngoái, cảnh sát ở Lancashire bắt được một băng đảng trồng cần sa tại Bootle, Merseyside gồm sáu người Việt, trong đó có Tran. Một lần nữa, Tran khai là mới 16 tuổi."

Tuy nhiên việc khai man này không qua được mắt một thanh tra viên cảnh sát là Stuart Peall.

Ông lấy vân tay của Kim Thien Tran, đối chiếu với dữ liệu trong hệ thống và tìm ra đây chính là "em nhỏ" trốn khỏi Milton Keynes năm trước nữa.

Chỉ tin vào lời khai lần trước của Kim Thien Tran thì cô ta đã phải trên 18 tuổi, theo Stuart Peall, và ông quyết định tìm hiểu thêm.

Tuy vậy, vẫn theo luật bảo vệ trẻ là nạn nhân buôn người, Tran được giao cho hội đồng địa phương để chăm sóc như một 'trẻ em'.

Trong vòng chưa đầy 8 giờ, cô ta đã chuồn mất, khiến Stuart Peall rất giận.

Vào laptop thu được của Tran, ông Peall thấy trang Facebook cá nhân của cô ta dùng tên khác, hình từ lễ sinh nhật 30 tuổi kèm ảnh bánh ngọt, chồng và hai con.

Có đủ bằng chứng phụ nữ Việt này là một người lớn phạm tội, cảnh sát Anh tung ra cuộc truy nã và bắt được Kim Thien Tran ở một trại cần sa mới tại Blackpool.

Khi bị bắt, cô ta lại khai: "Tôi 16 tuổi và là nạn nhân buôn người" (I'm 16 and trafficked).

Tòa Anh đã xử Kim Thien Tran 28 tháng tù.

Người Việt và các trại cần sa ở Anh

Các ngiên cứu tại châu Âu đã chỉ ra rằng nghề trồng cần sa (cannabis) có liên hệ tới thị trường ma tuý châu Âu, như Anh, Hà Lan.

Riêng tại Anh, hiện tượng này gắn liền với các băng đảng Việt.

Số liệu của cảnh sát Anh Quốc cho hay từ tháng 1/2016 tới tháng 4/2018, chỉ riêng tại London, nhà chức trách phát hiện ra 314 'trại cần sa' (cannabis farms).

Báo Anh viết hồi 2015, hai người Việt Nam (Chien Nguyen và Hien Nguyen) bị bắt trong một trại cần sa trị giá 100 nghìn bảng Anh trong 11 căn phòng ở nhà bốn tầng tại Leeds, West Yorkshire.

Cả hai khai trước tòa họ nghĩ họ trồng 'một loại rau Phương Tây'(Western vegetables) chứ không biết đó là thứ phi pháp.

Riêng về việc các tiệm làm móng tay bị tố giác là "sử dụng lao động trẻ em", tác giả David Hoàng từ Anh Quốc đã từng viết trên trang Diễn đàn của BBC News Tiếng Việt rằng cần chú ý cả chuyện người bị bắt khai gian tuổi:

"Ví dụ khá khôi hài là ngay trong 14 trường hợp khai rằng họ là trẻ vị thành niên và bị bắt làm nô lệ trong đợt kiểm tra vừa qua, thông tin tự điều tra của người viết cho thấy ít nhất 5/14 nghi phạm đã ở độ tuổi 22-30.

Do những tốn kém để xác định chính xác tuổi của một người dựa vào X-ray răng nên đa số trường hợp chính quyền sử dụng lời khai cho việc xác định tuổi. Lỗ hổng này đang được khai thác từ nhiều phía," tác giả từ Anh viết hồi tháng 1/2017.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo