Cảm nghĩ về Tết của một cô gái Úc gốc Việt
![]() |
Ann Trương. (ABC) |
Diễn viên xiếc người Úc gốc Việt 26 tuổi Ann Trương chia sẻ một số kỉ niệm về những ngày Tết trên xứ sở chuột túi.
Kỷ niệm gói bánh chưng
Cha mẹ Ann Trương đến Úc tị nạn từ đầu thập niên 80. Họ nằm trong số những người đầu tiên mở nhà hàng Việt Nam ở khu Footscray (phía Tây thành phố Melbourne, bang Victoria).
Ann đã lớn lên trong bầu không khí Việt Nam mỗi khi Tết đến. Cô nhớ lại những kỉ niệm ngày mình còn nhỏ khi xem bà gói bánh chưng, bánh tét: “Khoảng 3-4 ngày trước Tết, mẹ tôi thường mua lá chuối để gói bánh. Bà tôi dùng rất nhiều dây và cố gắng buộc bánh, kể cả lấy miệng để giữ cho chúng thật chặt. Nhìn những hình ảnh đó rất thú vị”.
“Để đón năm mới, người Việt thường dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mua sắm quần áo mới, trả nợ và tránh xung đột với nhau. Họ làm rất nhiều loại đồ ăn để cúng tổ tiên và Phật. Bạn phải luôn vui vẻ và không ‘được phép’ buồn bã trong những ngày Tết vì người Việt có quan niệm rằng những hành động của bạn trong ngày đầu năm sẽ tác động đến cuộc sống của bạn trong cả năm”, Ann nói.
Ann cho biết thêm trong ngày đầu tiên của năm mới, người Việt thường kiêng đi chúc Tết các gia đình khác bởi nếu chẳng may gia đình đó gặp xui xẻo trong năm mới thì họ có thể bị đổ lỗi vì đã đến thăm.
Do đó, Ann thường dành ngày đầu tiên của năm mới cho gia đình, ngày thứ hai là đi chúc Tết họ hàng và ngày thứ ba dành cho bạn bè.
Ann cũng kể cho phóng viên của Cơ quan Truyền thông Quốc gia Australia (ABC) nghe về sự tích bánh chưng, bánh dày – hai loại bánh truyền thống tượng trưng cho Trời và Đất do Hoàng tử Lang Liêu, con trai của vua Hùng Vương thứ Sáu làm ra.
Cô nhận định có rất nhiều truyện cổ Việt Nam phản ánh cái nghèo. Theo đó, các nhân vật chính đều là những người nghèo khổ nhưng sau đó họ đã vượt qua được hoàn cảnh bằng chính năng lực của mình để vươn lên, thậm chí trở thành vua.
“Khi còn nhỏ, mỗi khi nhìn bà gói bánh, tôi lại nhớ đến câu chuyện đó và mong muốn mình được thông minh giống như những nhân vật trong truyện”, Ann chia sẻ.
Sự mai một của các giá trị truyền thống
Ann Truong tự nhận mình không phải là một người Việt ‘điển hình’ mặc dù cô rất trân trọng những giá trị truyền thống.
“Tôi rất yêu thích việc bà mình gói bánh. Tuy nhiên, xét một cách thực tế thì tôi sẽ không thể làm được như bà vì tôi không biết cách gói. Những giá trị truyền thống sẽ được thế hệ của cha mẹ tôi lưu giữ chứ không phải thế hệ của chúng tôi”, cô nói.
Theo Ann, không chỉ ở Úc mà cả ở Việt Nam, những giá trị văn hóa truyền thống cũng đang dần bị mai một.
Cô kể lại một lần cô trở về Huế, nơi được coi là trung tâm văn hóa của Việt Nam, để đón Tết. Tuy rất háo hức nhưng cô hoàn toàn không thấy một số hoạt động điển hình như múa lân, múa rồng giống ở Melbourne. Ann rất ngạc nhiên và hỏi người dân nơi đây thì họ bảo rằng các giá trị văn hóa hiện nay đang dần bị mất đi.
Ann nhận định điều này có thể giúp lí giải nguyên nhân của sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trên đất Úc: “Khi đến sinh sống ở một đất nước khác, những người dân nhập cư mang theo các giá trị văn hóa của dân tộc mình được phổ biến tại thời điểm họ ra đi. Tuy nhiên, cùng thời gian, những giá trị đó có thể đã thay đổi trên chính quê hương họ”.
Nguồn: Bayvut