Người Việt khắp nơi

Câu chuyện của những thường trú nhân gốc Việt đối diện bị trục xuất

Cập nhật lúc 19-09-2018 15:35:26 (GMT+1)
Ảnh minh họa. Photo Credit: Getty

 

Ít nhất có 57 người Việt đến Mỹ trước 1995 bị ICE giam giữ vào giữa tháng 6 vừa qua, theo số liệu ICE gởi cho các luật sư. Có 11 người đã bị trục xuất về Việt Nam, nơi họ chắc chắn sẽ đối mặt với nghi ngờ từ các cơ quan an ninh vì đã trung thành với chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Một số gặp khó khăn trong việc xin thẻ căn cước để có thể đi làm hay lái xe.


Chính phủ Việt Nam không muốn những người này trở về, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam do Tổng thống Obama bổ nhiệm, ông Ted Osius cho hay. “Phần lớn những người nằm trong diện đối tượng bị trục xuất, đôi khi chỉ vì những vi phạm nhỏ, là những người tị nạn chiến tranh, theo phe Mỹ,” Osius viết trong một bài đăng trên tạp chí Foreign Service của Hiệp hội Dịch vụ Nước ngoài Mỹ sau khi ông rời nhiệm sở. “Và mấy chục năm sau, họ ‘trở về quốc gia do cộng sản cai trị, nơi mà họ chưa bao giờ hoà hợp, hoà giải.”

Một số phạm tội bạo lực nhưng đã thụ án tù. Một số khác phạm những tội phi bạo lực, như tàng trữ cần sa, lưu hành tiền giả hay say rượu lái xe. “Một số phạm tội vào những năm 90 khi mới bắt đầu đến đây, do sinh sống trong những khu dân cư nghèo nàn, thường xuyên bị bắt nạt, kỳ thị,” Phi Nguyễn cho hay. Giám đốc Hội Phát huy Công lý người Mỹ gốc Á – Asian Americans Advancing Justice – chi nhánh tại Atlanta đã đệ đơn một vụ kiện tập thể ở California đòi hỏi tiếp tục bị giam giữ.

Trở lại câu chuyện của anh Robert Huỳnh (trong phần 1). Anh lãnh lệnh trục xuất sau khi được thả khỏi tù vào năm 2006, sau đó bị giam giữ thêm khoảng 4 tháng trong nhà tù di trú trước khi nhà chức trách thừa nhận việc chính phủ Việt Nam không chịu nhận anh hồi hương.

Vào năm 2017, sau khi bị truy tố tội tổ chức bài bạc bất hợp pháp, mỗi tháng Huỳnh phải ra trình diện cảnh sát quản chế. “Tháng đầu tiên ra trình diện, lúc đó Obama còn làm tổng thống, thì mọi chuyện ổn” người đàn ông kể. “Tháng thứ hai không có gì, nhưng lần thứ ba tôi ra trình diện thì ông Trump mới nhậm chức. Vào tháng 2 năm 2017, lúc đó ông Trump mới làm tổng thống được 17 ngày. Nhân viên thực thi di trú ICE đến đón tôi bên ngoài văn phòng quản chế.” Và Huỳnh ở một năm nữa trong nhà tù di trú.

Còn Tùng Nguyễn đến Mỹ vào năm 1991 khi mới 13 tuổi. Bố mẹ anh nhận nuôi một cô con lai, và cả gia đình anh được sang Mỹ định cư theo đạo luật Amerasian Homecoming Act. Ở xứ người, bố mẹ anh làm việc quần quật những công việc tay chân mới đủ cơm ăn trên bàn, Tùng thường ở nhà một mình và vận lộn để thích nghi cuộc sống mới. “Còn nhỏ, không nói tiếng Mỹ, ở trường thì bị bắt nạt, vì vậy tôi tìm đến những người cùng sắc tộc để có cảm giác mình thân thuộc,” Tùng kể qua đường dây điện thoại từ Santa Ana, California. Điều này có nghĩa là một nhóm thanh thiếu niên gốc Việt theo kiểu “xã hội đen.”

 

Ảnh minh họa. Photo Credit: Getty

Vào năm 1994 khi 16 tuổi, Tùng liên can đến một vụ đâm chết người từ một cuộc cãi lộn. Anh cầm dao trong tay nhưng không phải là kẻ đâm chết người, nhưng dù sao thì Tùng cũng bị xử như nghi can trưởng thành và lãnh bản án 25 năm tù. Sau khi thụ án được 18 năm, Thống đốc Jerry Brown xét lại hồ sơ, và anh được tha bổng trên cơ sở “có hối cải đặc biệt.”

Từ khi ra tù, Tùng cống hiến hết mình giúp đỡ các nạn nhân cũng như những người phạm tội hình sự trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và làm việc cho chương trình cải tổ hệ thống pháp lý vị thành niên. Anh kết hôn vào năm 2014. Đến năm 2018, Tùng nhận được phần thưởng “cá nhân nổi bật” của chương trình Soros Justice Fellowship dành cho những người giúp cải thiện hệ thống pháp lý hình sự của Mỹ.

“Tôi không có con vì không thể sống với thực tế là bất cứ ngày nào họ có thể đến lôi tôi đi,” anh giải bày. “Nơi này là cuộc sống, là gia đình của tôi.”

Cựu Đại sứ Mỹ Osius gọi chính sách mới “thụt lùi” và “kỳ thị.” “Đối với tôi, điều này là thảm kịch và rất không mang tính Mỹ,” ông Osius nói trong một cuộc phỏng vấn. “Chúng ta đối xử với người ta cách này, những người đứng về phe chúng ta trong cuộc chiến, và là con của các quân nhân của chúng ta.”

Robert Huỳnh vào năm 2016 cuối cùng cũng được đoàn tụ với gia đình bố sau khi xét nghiệm DNA dẫn anh đến một người đang đi tìm bố ruột. Người này chính là em út của bố anh.

Như vậy, anh vừa có tin vui và tin xấu. Huỳnh tìm ra người đàn ông mà hầu như cả cuộc đời anh muốn biết, nhưng bố đã qua đời trong một vụ tai nạn xe ở Mỹ vào năm 1974, vào lúc anh mới 4 tuổi. Nhưng Huỳnh cũng tìm ra một người anh và một em gái cùng cha khác mẹ, và hai em gái của bố hiện sống gần với anh ở Houston. “Cả hai cô đều rất thương yêu tôi,” anh nói. Huỳnh không thể nào hình dung bây giờ sẽ bỏ lại toàn bộ gia đình lại sau lưng.

“Nhiều năm qua, Mỹ là đất nước giúp người ta thoát khỏi sự đàn áp của cộng sản ở Việt Nam,” ông Tom Malinowski – cựu phụ tá Ngoại trưởng, phụ trách dân chủ, nhân quyền và lao động dưới thời ông Obama – cho hay. “Bây giờ thì chúng ta đang buộc người ta trở về nơi đó, và yêu cầu chính phủ Việt Nam đồng loã trong vấn đề này.”

Hương Giang (Theo Washington Post)
Nguồn: Baocalitoday.com

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo