Người Việt khắp nơi

Chàng lơ xe gian nan đưa phở Việt đến xứ sở Bạch Dương

Cập nhật lúc 24-09-2018 06:33:21 (GMT+1)
Rất đông khách nước ngoài dành lời khen cho phở Việt

 

Từ chàng lơ xe tại vùng biên giới Việt - Lào, Uông Việt Hùng, chàng thanh niên quê Hương Sơn, Hà Tĩnh đã nỗ lực, vượt qua vô vàn khó khăn để trở thành ông chủ chuỗi nhà hàng nổi tiếng, tạo nên một thương hiệu phở Việt giữa nước Nga xinh đẹp.


Bát phở thuần Việt

Dù bụng đói cồn cào nhưng chúng tôi vẫn cố tìm một quán ăn Việt tại khu siêu thị tầng hầm ở Quảng trường Đỏ Okhotnui ryad đất nước Nga xinh đẹp. Đã 2 ngày kể từ sang đây, cả nhóm vẫn chưa ăn món ăn Việt Nam nào. Nhanh chân bước vào một quán phở, chúng tôi gọi ngay cho mỗi người 1 bán phở bò tái.

Thật không ngờ ở xứ lạnh xa xôi này, chúng tôi lại được thưởng thức bát phở đậm đà, với nước xương bò ninh béo ngậy, hương hồi hoa thảo quả, gừng và hành tây nướng... Càng bất ngờ hơn khi Uông Việt Hùng – ông chủ nhà hàng đặc biệt này sinh ra và lớn lên ở Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cuộc gặp gỡ của những người đồng hương trên “đất khách quê người” khiến chúng tôi nhanh chóng trở nên gần gũi. Hùng cho biết, để có được hương vị phở đúng “chất” Việt như chúng tôi vừa thưởng thức, tất cả nguyên liệu đều được anh kỳ công vận chuyển từ Việt Nam sang.

Ít ai biết rằng, trước khi trở thành ông chủ của chuỗi cửa hàng đặt tại nhiều vị trí trung tâm của nước Nga, Hùng từng đi làm lơ xe tại khu vực biên giới Việt – Lào. Rồi như một cơ duyên, Hùng được người dì sinh sống ở Nga đưa sang làm việc khi mới 18 tuổi, đó là lần đầu tiên anh đi xa nhà đến vậy.

“Tôi nhớ như in thời điểm sang Nga là vào tháng 10/2007, lúc đó đã là cuối thu. Trong lúc chờ được sắp xếp chỗ làm, tôi đã đi phụ xây dựng. 2 ngày làm việc tôi được trả công 70 USD - đó là những đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được nơi đất khách quê người. Sau đó, tôi được nhận vào làm phụ bếp trong một nhà hàng Việt. Tại đây, tôi làm tất cả mọi việc từ bóc hành, gọt khoai, rửa bát... Mỗi ngày tôi phải làm cật lực từ 12 - 14 tiếng đồng hồ. Chưa bao giờ tôi được trở về nhà trước 1h sáng, có lúc phải làm xuyên đêm với tiền lương 300 USD/tháng. Nhiều lúc mệt rã rời nhưng quyết tâm lập nghiệp trên đất Nga đã không cho phép tôi từ bỏ", Hùng kể.

Thời gian cứ thế trôi qua, Hùng nói rằng anh không nhớ đã bao nhiêu lần một mình đứng khóc trong góc bếp vì bị quát mắng, trách phạt... Mồ hôi, nước mắt và cả những nỗ lực không ngừng đã không phụ lòng người, đầu năm 2009, Hùng chính thức được vào đứng bếp và được các “tiền bối” dạy cách nấu các món ăn.

Gian nan lập nghiệp nơi đất khách

Không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, từ những món ăn đơn giản đến những món yêu cầu kỹ thuật cao đều được anh chăm chỉ học và thực hành. Năm 2012, tay nghề vững, Hùng được nhận vào làm bếp trưởng của một nhà hàng Việt. Lúc này, thu nhập ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn rất nhiều nhưng khao khát lập nghiệp, tự mình mở một nhà hàng Việt trên đất nước Nga luôn thôi thúc chàng trai sinh năm 1989.

Năm 2016, Hùng xin nghỉ việc. Quyết định của anh khiến nhiều người sửng sốt bởi vị trí và thu nhập của Hùng hiện tại là ước mong của rất nhiều người. Dùng hết số tiền tiết kiệm trong 9 năm làm việc cật lực, anh hùn vốn với một số người bạn mở nhà hàng phở đầu tiên tại một khu chợ và đặt mục tiêu tạo nên một thương hiệu phở Việt ở nước ngoài. “Tôi đã đặt tên nhà hàng là iPhở là vì tôi nghĩ ở Mỹ có iphone thì Việt Nam sẽ có iPhở. Đó sẽ là 1 thương hiệu phở Việt trên đất nước Nga trong nay mai”, Hùng cười chia sẻ.

Tuy nhiên, do lượng khách ít nên mới đi vào hoạt động được 3 tháng, Hùng buộc phải đóng nhà hàng. Rơi vào bế tắc về tài chính trầm trọng, đã có lúc anh muốn từ bỏ ước mơ nhưng suy nghĩ về quãng thời gian 9 năm lao lực nơi đất khách quê người đã không cho phép anh được nản chí. Vay mượn bạn bè, người quen một số tiền, Hùng quyết định làm lại tất cả, việc đầu tiên đó là chuyển nhà hàng về khu chợ thực phẩm Runok Dorogomilovskyi.

Sự tỉ mỉ, tâm huyết trong từng bát phở anh nấu khiến nhà hàng của Hùng nhanh chóng được khách hàng biết đến. Lượng khách tìm đến nhà hàng của anh tại khu chợ thực phẩm Runok Dorogomilovskyi bắt đầu tăng lên. Đến tháng 4/2017, Hùng mở thêm nhà hàng thứ 2 tại khu siêu thị tầng hầm tại Quảng trường Đỏ Okhotnui ryad. Vị thế địa lý tốt cùng với vị phở không thể trộn lẫn, lượng thực khách đến quán của Hùng ngày một đông, ngoài khách Việt Nam, các vị khách quốc tế cũng tìm đến đây để được thưởng thức bát phở đúng "chất" Hà Nội. Cuối năm 2017, Hùng tiếp tục khai trương nhà hàng thứ 3 nằm trên phố đi bộ Novui arbat 11.

“Nghĩ lại những ngày đầu bước chân ra kinh doanh mọi thứ lúc đó với tôi thật khó khăn, nhất là về vốn, giấy tờ và thuê nhân viên... Với nữa, vì muốn có được vị phở đúng vị phở thuần Việt nên tất cả cách bày trí nhà hàng cho đến nồi nấu phở hay thực phẩm như quế, hồi và các loại thực phẩm tươi như xoài, ớt cay, chanh tươi... tôi đều phải vận chuyển từ Việt Nam sang. Mùa World Cup này, lượng khách quốc tế tới quán tôi rất đông. Ai cũng khen phở rất ngon. Điều đó khiến tôi hạnh phúc vô cùng vì những món ăn Việt Nam được bạn bè quốc tế tiếp nhận cao. Tôi dự định, khoảng tháng 10 năm nay, sẽ mở thêm một nhà hàng cơm Việt để những người Việt Nam sang đây vẫn được ăn bữa cơm gia đình và cũng để giới thiệu đến bạn bè quốc tế về bữa cơm của Việt Nam”, Hùng bày tỏ.

Mùi nước hầm xương quyện cùng mùi hành, quế, hồi thơm ngậy, trong không gian ấm cúng của nhà hàng iPhở tại xứ Nga lạnh giá, chúng tôi cảm tưởng như đang ngồi ở phố cổ Hà Nội thưởng thức bát phở bò tái rồi thư thái nhâm nhi ly trà đá cuối ngày...

Ngân Hà - Thanh Hải
Nguồn: Tinnhanhonline

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo