Người Việt khắp nơi

Chuyện một nhà đấu tranh có thể bị trục xuất về Việt Nam

Cập nhật lúc 30-09-2011 18:15:18 (GMT+1)
Ông Nguyễn Tấn Vinh trước ngày rời Los Angeles đi Manila, Philippines, khoảng Tháng Giêng, 2000. (Hình: Gia đình cung cấp)

 

Trong căn phòng dài, được chia thành khoảng 40 ô có đánh số, trên những chiếc ghế xếp hàng đôi, nhiều người mặc đồng phục mầu cam hay đỏ, thân áo cũng được đánh số, ngồi áp tai vào điện thoại, chuyện trò với người đối diện qua một đường dây điện thoại sẽ bị tắt sau thời gian cố định 30 phút. Cách chia họ là một tấm kính dầy.


Ánh đèn điện chan hòa, soi rõ mọi ngõ ngách của gian phòng, kể cả hành lang dẫn vào khu nhà giam hun hút bên trong. Dù thế, không gian vướng vất một vẻ u uất, bí rị của nơi từ lâu đã thiếu cả gió lẫn ánh nắng mặt trời.

Ðó là khung cảnh của phòng thăm tù trong nhà giam Theo Lacy, Orange, vào một buổi trưa Thứ Sáu, nơi ông Nguyễn Tấn Vinh, một cư dân Nam California, bị giam từ hơn một năm nay.

Muốn trả lời câu hỏi tại sao ông Nguyễn Tấn Vinh, năm nay 55 tuổi, bị giam giữ ở đây, phải kể một câu chuyện dài, rất dài, khởi đầu từ một con đường gập ghềnh mà ông đã dấn thân bước vào, từ cách đây hơn 10 năm.

Vào dịp kỷ niệm Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu, 2001, ông Vinh và nhiều thành viên khác của đảng Dân Tộc Việt Nam, hậu thân của Chính Phủ Việt Nam Tự Do, một tổ chức từng do ông Nguyễn Hữu Chánh lãnh đạo, đồng loạt tổ chức các vụ đặt bom trước hai tòa đại sứ Việt Nam tại Manila và Bangkok để “gióng lên tiếng nói phản đối chế độ độc tài toàn trị và việc đàn áp nhân quyền của nhà cầm quyền Hà Nội,” nói theo lời của các thành viên đảng Dân Tộc Việt Nam.

Dự tính không thành, ông Vinh bị bắt giam tại Manila, Philippines, và nhiều thành viên khác, trong đó có ông Võ Ðức Văn, bị bắt giam tại Bangkok, Thái Lan. Ông Văn vừa được trả tự do về Mỹ hồi Tháng Sáu.

Riêng ông Vinh, một thường trú nhân Hoa Kỳ, qua Mỹ định cư từ năm 1985, bị chuyển hết từ nhà tù này qua nhà tù khác, và cuối cùng là bị tạm giam ở Orange County.

Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại của phòng thăm tù, ông Vinh cho biết giờ đây, quan tâm lớn nhất của ông là “làm sao để khỏi bị trục xuất về Việt Nam,” nơi mà ông “biết chắc” sẽ bị nhà cầm quyền giam cầm, tra tấn.

Ông Vinh có lý do để lo ngại như thế!

Một công điện từ Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao Việt Nam viết cho Interpol Việt Nam ngày 8 Tháng Năm, 2002, gửi đến Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Manila, nhờ chuyển cho chính phủ Philippines yêu cầu dẫn độ ông Vinh về Việt Nam để trừng trị vì âm mưu tấn công sứ quán Việt Nam bằng bom.

Ðối với nhà cầm quyền Việt Nam, ông Vinh là “một kẻ khủng bố,” đe dọa nền an ninh của Việt Nam, cần phải đưa về nước để trừng trị.

Ðối với ông Vinh, và những đồng đội là thành viên của đảng Dân Tộc Việt Nam có trụ sở tại Garden Grove, ông là một chiến sĩ đấu tranh chống cộng sản, đòi dân chủ cho đất nước.

Yêu cầu dẫn độ ông được chuyển từ Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Manila đến Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại đó, rồi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, cơ quan FBI, tòa án liên bang, rồi Sở Di Trú Hoa Kỳ.

Cá nhân ông, cũng như yêu cầu trên, được chuyển từ nhà tù ở Philippines, sau thời gian tù 5 năm, về Hoa Kỳ để lãnh án mới.

Lẽ ra, sau khi mãn hạn tù ở Manila, ông Vinh đã có thể an toàn trở về Hoa Kỳ, nhưng ông đã phạm phải một lỗi lầm, tuy nhỏ, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng sau này.

Khi bị bắt tại Philippines, ông Vinh dùng giấy thông hành (passport) của ông Võ Ðức Văn, em trai và là đồng chí của ông. Sự việc đổ bể trong cuộc điều tra của Interpol, nên ông bị FBI đòi Philippines dẫn độ về Hoa Kỳ.

Tại Hoa Kỳ, ông Vinh bị tòa án liên bang tuyên án 14 tháng tù giam vì tội “sử dụng giấy thông hành của người khác.”

Sau khi mãn hạn tù, ông Vinh không được tự do, mà bị nhân viên Sở Di Trú chờ sẵn ngoài cửa mang về nhốt ở tạm giam Mira Loma, Lancaster, chờ đưa ra tòa, vì theo luật di trú, thường trú nhân Hoa Kỳ phạm pháp và bị án tù lâu hơn một năm, có nguy cơ bị trục xuất.

Một đồng hương đứng bên ngoài trại giam Mira Loma kêu gọi trả tự do cho ông Vinh hồi năm 2009. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

 Ngày 5 Tháng Tám, năm 2009, Tòa Án Di Trú Hoa Kỳ ra phán quyết ông Vinh “bị trục xuất, trả về Việt Nam.”

Sau vài lần chống án, hiện ông Vinh bị giam ở nhà tù Theo Lacy chờ quyết định của tòa án trong lần kháng án cuối cùng.

Với khuôn mặt gầy và hơi xanh, nhưng mắt sáng, và giọng nói cả quyết, ông Vinh khẳng định rằng “đối với một người đã dấn thân đấu tranh, thì sống chết tù tội chẳng sá gì” và nếu bị trục xuất về Việt Nam, thì “có bị hành hạ tra tấn cũng chẳng sao.”

Nhưng ông nói thêm: “Nếu chính quyền Hoa Kỳ nhất quyết phải trục xuất, dẫn độ tôi về Việt Nam, thì sẽ là một tổn thất lớn lắm cho mọi nỗ lực đấu tranh sau này!”

Nói đến đó, ông lắc đầu như để xua đuổi một ý nghĩ bi thảm.

“Không, tôi không thể nào bị trục xuất, vì như thế vụ án này sẽ gây một tiền lệ vô cùng tai hại cho những người đấu tranh dân chủ sau này!” Ông Vinh khẳng định.

Giải thích một cách vắn tắt, đơn xin kháng án của ông với Hội Ðồng Tái Cứu Xét Di Trú Hoa Kỳ (Board of Immigration Appeals) tại Virgina, do Luật Sư Gary Silbiger, người bào chữa cho ông Vinh, nộp ngày 19 Tháng Mười Một, 2009, bị khước từ.

Quan trọng hơn, Hội Ðồng Tái Cứu Xét Di Trú Hoa Kỳ đã bác bỏ đơn của ông xin được bảo vệ và ở lại Hoa Kỳ, chiếu theo Công Ước Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn (UN Convention Against Torture) với lý do, viết rõ trong phán quyết của tòa, là “chế độ cầm quyền của Hà Nội ngày nay không còn tra tấn, đánh đập hoặc hành hạ tù nhân và CSVN không còn ngược đãi các nhà đấu tranh bất đồng chính kiến.”

Ông Vinh cho rằng việc ông bị trục xuất sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.

“Hãy hình dung đi, nếu tôi bị trục xuất với lý do là nhà cầm quyền CSVN ngày nay không còn tra tấn, hành hạ các nhà đấu tranh bất đồng chính kiến nữa, thì sẽ tạo ra tiền lệ gì cho những ai đấu tranh đòi dân chủ nhân quyền cho Việt Nam?” Ông Vinh nói.

Ông tâm sự: “Tôi phó mặc mọi việc trong tay Thượng Ðế, và chấp nhận số mệnh,” nhưng chỉ muốn mọi người hiểu rõ rằng, quyết định trục xuất hay hay không trục xuất Nguyễn Tấn Vinh “không chỉ ảnh hưởng đến một mình tôi, mà còn nhiều người đấu tranh sau này.”

Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại, Luật Sư Gary Silbiger cho biết hồ sơ kháng án của ông Vinh hiện đang nằm ở Tòa Kháng Án Khu Vực 9 (Apellate Court, Ninth Circuit) chờ quyết định, nhưng “không biết phải chờ đến bao giờ.”

Tuy nhiên, cũng theo Luật Sư Silbiger, hồ sơ “có nhiều hy vọng.”

“Trước hết, Tòa Kháng Án Khu Vực 9 là tòa kháng án cao nhất dưới Tối Cáo Pháp Viện, mà cơ quan tư pháp này hầu như không bao giờ nhận hồ sơ nào. Chính Tòa Kháng Án Khu Vực 9 cũng nhận rất ít hồ sơ, và sự kiện tòa này nhận đơn kháng án của ông Vinh, tự nó đã là một điều tốt,” Luật Sư Gary Silbiger giải thích.

Trả lời câu hỏi về luận cứ biện hộ, Luật Sư Silbiger nói: “Có 6 điểm, trong đó có vài lỗi kỹ thuật của các tòa dưới, tuy nhiên, trung tâm điểm của hồ sơ kháng án là xin tòa cho ông Vinh được bảo vệ chiếu theo Công Ước Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn.

Luật Sư Silbiger giải thích: “Công Ước Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn là một công ước quốc tế đòi hỏi các nước ký kết phải có biện pháp hữu hiệu để chống tra tấn trong nước mình, và nghiêm cấm các quốc gia trả người về đất nước của họ, nếu có lý do để tin rằng khi trở về nước đó họ sẽ bị tra tấn.”

Ông nói thêm: “Xét cho đúng ra, chiếu theo công ước, án lệnh trục xuất của ông Vinh lẽ ra đã phải được Tòa Án Di Trú Hoa Kỳ thu hồi. Nhưng tiếc rằng, không hiểu tại sao, bất kể những phúc trình nhân quyền gần đây nhất của Hoa Kỳ, và của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, thí dụ bản tường trình có tên 'The Rehab Archipelago: Forced Labor and Other Abuses in Drug Detention Centers in Southern Việt Nam,' viết ngày 7 Tháng Chín, 2011, cho thấy cả những người ở trung tâm cai nghiện còn bị tra tấn hành hạ, huống hồ gì tù nhân chính trị.”

Tù nhân tại nhà giam Theo Lacy, Orange, nơi ông Vinh đang bị giam giữ. (Hình: H. Lorren Au Jr./The Orange County Register)

Về hồ sơ kháng án, ông Silbiger cho biết: “Hồ sơ kháng án đã nộp xong, giờ chỉ còn chờ tòa phán quyết. Tôi kỳ vọng rằng với ba vị thẩm phán liên bang, và với tập hồ sơ đã được bổ túc, tòa sẽ đi đến quyết định là ông Nguyễn Tấn Vinh phải được bảo vệ theo Công Ước Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn vì nguy cơ ông bị tra tấn khi về nhà tù Việt Nam rất cao.”

Ngoài việc chờ phán quyết của tòa, Luật Sư Gary Silbiger cũng đang nộp đơn xin cho ông Vinh được tại ngoại hậu tra, và mong rằng “khi có phiên tòa xử, sẽ có sự hiện diện đông đảo của cộng đồng, vì trong những trường hợp như thế này sự hậu thuẫn có thể thay đổi kết quả.”

Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc tổ chức BPSOS, một người cũng quan tâm đến trường hợp của ông Nguyễn Tấn Vinh, nói với nhật báo Người Việt qua điện thoại rằng “nếu luật sư của ông Vinh chứng minh được là khi trở về Việt Nam, ông Vinh có thể bị tra tấn, thì theo tinh thần của Công Ước Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn, Sở Di Trú phải thâu hồi lệnh trục xuất.”

Ông Võ Ðức Văn hiện đang dốc hết nỗ lực, chạy đôn chạy đáo khắp nơi, với tập hồ sơ dầy cộm bên mình, để vận động cho người anh khỏi bị đưa về Việt Nam đối diện với những gì mà nhà cầm quyền Hà Nội dành sẵn cho bất cứ ai phạm cái tội, mà một công điện ngoại giao của Hoa Kỳ, do Wikileaks tiết lộ gần đây, gọi là “cái tội dân chủ.”

Nguồn: Nguoiviet

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo