Người Việt khắp nơi

Cô dâu Việt và sợi dây pháp lý (2): Những đứa trẻ không tổ quốc

Cập nhật lúc 05-08-2014 16:27:54 (GMT+1)
Bé Kim Che Uon (Thới Lai, Cần Thơ) đã rất lâu chưa gặp lại mẹ - Ảnh: V.Sự

 

“Hye In, chào chú đi con” - bà mẹ trẻ Tô Thị Mỹ Xuân ở xã Vị Thắng (Vị Thủy, Hậu Giang) nói vọng từ sàn nước khi thấy nhà có khách lạ đến thăm.


>Cô dâu Việt và sợi dây pháp lý (1): Có chồng nhưng sinh con ngoài giá thú

Cái tên của đứa bé làm chúng tôi giật mình, tưởng nghe nhầm hay nghĩ bà mẹ này bị “lậm” phim Hàn rồi đặt tên con. Nhưng kỳ thật, Hye In là đứa trẻ mang 50% dòng máu Hàn, còn trên giấy tờ thì 100% là Hàn Quốc, từ quốc tịch, quê quán đến tên gọi. Cho dù đã gần bảy năm nay, từ khi chào đời chưa đầy năm, Hye In đã về quê mẹ ở Việt Nam và không biết gì về đất nước được ghi trong khai sinh và hộ chiếu của mình.

Buông xuôi

Bé gái Hye In kháu khỉnh, khuôn mặt đậm nét Hàn Quốc với mắt một mí, nhưng liến thoắng rặt giọng miền Tây. Hỏi Hye In về đất nước Hàn Quốc, bé lắc đầu nguầy nguậy vì không có một ký ức nào. Nhưng trong tất cả giấy tờ, Hàn Quốc mới là tổ quốc của Hye In. Bây giờ cứ mỗi ba tháng, mẹ Hye In lại phải cầm hộ chiếu của bé đi gia hạn một lần. Gần bảy năm qua từ khi theo mẹ về Việt Nam, Hye In trở thành một ngoại kiều bất đắc dĩ trên quê ngoại của mình.

Câu chuyện của Hye In bắt nguồn từ cuộc hôn nhân dang dở của mẹ - chị Tô Thị Mỹ Xuân - và người cha Hàn Quốc. Chị Xuân kể lấy chồng Hàn ba năm, sinh bé Hye In thì vợ chồng mâu thuẫn. “Tôi nghĩ ôm con về, mang theo giấy khai sinh, xác nhận quốc tịch của bé là được rồi...” - chị Xuân kể. Nhưng về đến Việt Nam đã bảy năm, chị Xuân vẫn chưa lấy được bản án ly hôn từ Hàn Quốc và mất luôn liên lạc với người chồng cũ.

Bây giờ thì hệ lụy của cuộc hôn nhân tan vỡ không chỉ làm dang dở đường đi bước nữa của chị Xuân mà cả tương lai đứa con gái. Đã 7 tuổi, sắp bước vào lớp 1 nhưng bé Hye In không được hưởng những ưu đãi về học hành, chăm sóc sức khỏe như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác.

Đi cùng chúng tôi đến nhà chị Xuân, ông Nguyễn Văn Kính - phó chủ tịch UBND xã Vị Thắng - nói xã sẽ tạo điều kiện cho bé Hye In đến trường nhưng sẽ không được miễn học phí như trẻ trong xã vì bé được đăng ký theo diện học sinh người nước ngoài. Ngay cả việc mua bảo hiểm y tế cho bé Hye In cũng không thể thực hiện. “Giờ chỉ động viên mẹ bé Hye In cho con học hành tử tế đến năm...18 tuổi, rồi nhập quốc tịch theo mẹ” - ông Kính nói.

Tại xã Vị Thắng, cùng mang quốc tịch Hàn Quốc còn có bé Hong Dae Jun, nay đã 9 tuổi nhưng vẫn chưa một lần đến trường. Mái tóc vàng hoe vì cháy nắng, Hong Dae Jun đón những người lạ đến nhà bằng cái nhìn lấm lét của một đứa trẻ tội nghiệp mà có lẽ đã lâu không còn được sự chở che của cha mẹ.

Dì ruột của Hong Dae Jun là chị Từ Thị Xuyên cho biết mẹ của bé là Từ Thị Muôn đã lên Sài Gòn bán cà phê bốn năm nay, bỏ lại Hong Dae Jun cho bà ngoại và các dì nuôi dạy, lâu lâu gửi tiền về. Cái tên Hàn Quốc nghe sang trọng càng làm cho thân hình tiều tụy vì suy dinh dưỡng của Hong Dae Jun trở nên nhỏ bé.

Nhà ngoại bé ở tuốt trong vùng ruộng sâu của Vị Thắng, Hong Dae Jun không có quốc tịch Việt Nam nên dĩ nhiên không nằm trong danh sách vận động ra lớp 1 của xã, bà ngoại của bé nghĩ vậy nên thôi luôn, nay đã 9 tuổi nhưng Hong Dae Jun vẫn chưa biết chữ.

Dì ruột của Hong Dae Jun kể từ ngày về nước, gia đình mất hẳn liên lạc với cha của Hong Dae Jun. Cũng không có điều kiện đi gia hạn ở Lãnh sự quán Hàn Quốc nên tất cả giấy tờ của Hong Dae Jun giờ chỉ là tấm giấy khai sinh và cuốn hộ chiếu đã sắp hết hạn. Chị Xuyên ngậm ngùi: “Nó giờ không cha, vắng mẹ, tới cái tên Việt Nam cũng không có, lớn lên cháu tui không biết sao ngẩng mặt ra đời. Tui là dì nó mà nghèo quá, chắc cũng buông xuôi...”.

Ráng làm để đủ tiền gặp con

Tình cảnh ấy là của chị Lê Thị Ngọc Ánh và hai đứa con Kim Che Uon và Min Chan. Chị Ngọc Ánh sau khi ly dị chồng vẫn ở lại Seoul (Hàn Quốc) để kiếm tiền, gửi lại hai con cho mẹ ruột ở ấp Thới Xuân, xã Xuân Thắng (Thới Lai, Cần Thơ). Hai đứa trẻ - Kim Che Uon đã 9 tuổi, được gửi theo học ở trường làng theo diện không ghi danh, và Min Chan còn nhỏ chưa đến trường - đều mang quốc tịch Hàn Quốc.

Bà Lê Thị Mai - ngoại của hai đứa trẻ - nói con gái mình làm ở Hàn Quốc không đủ tiền nuôi con nên phải gửi lại Việt Nam để bà nuôi dưỡng, nhưng nhớ con quá nên mỗi năm lại mua vé máy bay để bà đưa hai đứa nhỏ sang thăm. “Biết vậy là tốn kém nhưng nó nói giờ về nước thăm con dài ngày là mất việc nên không dám về. Mỗi năm dành dụm cũng chỉ dư ra được một chuyến qua thăm là mừng” - bà Mai kể.

Những câu chuyện éo le về số phận của những đứa trẻ theo mẹ về Việt Nam sau những cuộc hôn nhân dang dở với người chồng ngoại không còn là chuyện cá biệt. Chỉ riêng xã Vị Thắng (Vị Thủy, Hậu Giang), ông Nguyễn Văn Kính cho biết đã có 11 trường hợp con lai Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan theo mẹ về nước. Tất cả các bé này đều không mang quốc tịch Việt Nam, không được pháp luật trong nước bảo hộ và hưởng những quyền lợi về giáo dục, y tế như những trẻ cùng trang lứa.

Còn tại TP Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Phương Thu - trưởng phòng hộ tịch Sở Tư pháp Cần Thơ - cho biết chưa xác minh được cụ thể số trẻ con lai theo mẹ về nước. Nhưng những năm gần đây, thống kê của công an qua đường xuất nhập cảnh thì cả TP Cần Thơ có không dưới 200 đứa trẻ theo mẹ trở về sau những cuộc hôn nhân tan vỡ với người chồng nước ngoài.

“Đó là những đứa trẻ bơ vơ, pháp luật Việt Nam không thể bảo hộ tuyệt đối cho các bé. Còn pháp luật của đất nước mà các bé mang quốc tịch lại không thể bảo hộ vì các bé đang sống ở Việt Nam”- bà Thu xót xa.

Để hỗ trợ phần nào cho các trẻ con lai này, bà Thu cho biết Bộ Tư pháp cũng như chính quyền TP Cần Thơ đã có nhiều văn bản hướng dẫn, nhằm tạo điều kiện cho các bé có thể đến trường, được chăm sóc đầy đủ hơn. Nhưng cái mà các bé cần nhất là quốc tịch Việt Nam thì đều phải đợi đến năm 18 tuổi, khi đó theo luật các bé sẽ được nhập theo quốc tịch của mẹ. “Đó là một chặng đường quá dài, nhất là với những đứa trẻ thiếu cha, gia cảnh nghèo khó và không được hưởng sự chăm sóc đầy đủ của xã hội” - bà Thu nói.

Nguồn: Nguyễn Viễn Sự/Tuổi trẻ

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo