Người Việt khắp nơi

Đất khách

Cập nhật lúc 18-05-2015 17:56:34 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: vnexpress.net)

 

Họ tha phương cầu thực vì cuộc sống ở quê nhà không mang lại một chút hi vọng nào cho tương lai, ra đi với hai bàn tay trắng và trở về cũng trắng tay với bao khó khăn, tủi nhục. (Thanh Liêm)


Chúng tôi đến Tây Ninh vào một ngày tháng 3 rực nắng, nắng đến đỏ da, nắng đến rát mặt. Không như Sài Gòn, ở đây tôi còn may mắn tận hưởng được những cơn gió thổi ra từ những cánh rừng cao su ven đường. Cái gió ở đây mang mùi nhựa cao su thoang thoảng, cuốn theo những hạt bụi đường li ti và hầm hập như hơi thở khó nhọc của một người đang làm việc cật lực, cứ liên tục phả vào mặt. Tuy vậy thời tiết cũng chẳng dịu mát hơn là bao, gió liên tục táp vào người nhưng mồ hôi chúng tôi vẫn cứ túa ra theo từng km.

Dù đã khởi hành từ rất sớm nhưng khi đến nơi thì mặt trời cũng đã lên cao tới tận đỉnh đầu. Đi qua hết con đường quốc lộ tưởng chừng như không có điểm dừng, tiếp đó là hàng chục km đường đất đỏ nữa để đến với mục tiêu của chuyến đi lần này. Đó là một trải nghiệm khó quên trong cuộc đời tôi: chuyến đi từ thiện để cứu trợ những hoàn cảnh khó khăn tại những vùng đất xa xôi mà phần lớn chúng ta đều chưa một lần nghe tên. Ở đó, trong mỗi chuyến đi như thế này đều mang một câu chuyện đầy thương cảm mà bạn hay tôi đều chẳng thể tưởng tượng ra và hầu như chẳng có cơ hội được biết đến. Hãy lắng nghe câu chuyện này của chúng tôi.

Bạn có biết rằng ở Tây Ninh còn có một bộ phận bà con người Việt đang sống rất chênh vênh?

Họ vốn là những người Việt trước đây sống ở Campuchia, do hoàn cảnh khó khăn đã trôi dạt về lại quê hương. Nhưng khi trở về quê nhà, họ không có một tấc đất cắm dùi, không giấy tờ tùy thân, không bà con thân thích, không công ăn việc làm, không biết chữ khiến đời sống của những con người “5 không” này gặp muôn vàn khó khăn.

Đập vào mắt chúng tôi khi vừa đến nơi là những túp lều dựng tạm bợ bằng những thân gỗ tạp chênh vênh giữa dòng nước. Ở đó không điện, nước, không trường học, chỉ có những “căn nhà” nằm leo lắt ven vùng hồ trôi nổi đầy rác thải sinh hoạt. Những người phụ nữ ôm con lầm lũi trong một mảnh “nhà” xác xơ. Lũ trẻ con thì trần truồng đùa nghịch giữa con đường đất đỏ đầy bụi, thỉnh thoảng chúng vầy con nước bẩn đục ngầu khiến chúng tôi không tránh khỏi thương cảm.

Hầu như nhà nào ở đây cũng thế, xác xơ, bần cùng và nghèo khó. Đời sống bấp bênh của bà con hàng ngày lênh đênh trên những chiếc ghe cũ, trôi nổi trên sông nước. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đánh bắt nguồn cá tôm đang ngày một cạn kiệt trên chính lòng Hồ Dầu Tiếng.

Thấy người lạ bước vào, đám trẻ con trong xóm từ từ tiến về chúng tôi. Một đứa dè dặt chạy lại hỏi xin một mẩu bánh còn thừa và như quá xấu hổ chúng chạy vụt đi ngay sau khi nhận được túi bánh mì của chúng tôi. Nhìn những gương mặt trẻ thơ và cả cuộc sống cơ cực của bà con, chúng tôi cảm thấy dường như cái khổ đã trở nên bão hòa trong mỗi người dân nơi đây?

Trước khi buổi từ thiện diễn ra, tôi đã tranh thủ đi dạo một vòng quanh khu xóm nghèo khổ này để ghi lại những bức hình chân thực nhất về cuộc sống nơi đây và lắng nghe những câu chuyện bi thương diễn ra nơi xứ người khiến tất cả cư dân ở đây phải trôi dạt về lại quê hương mình. Họ tha phương cầu thực ra đi với hai bàn tay trắng và trở về cũng trắng tay với bao khó khăn, tủi nhục.

Tôi nghe một người phụ nữ kể lại câu chuyện đời của chị sau nhiều năm lăn lộn ở xứ người, chị trở về với chút vốn liếng ít ỏi chỉ đủ dựng một căn nhà tạm bợ sống cùng đứa con trai nhỏ, kết quả của một lần chị bị cưỡng bức đến có thai. Lúc đó, thân cô, thế cô ở xứ người, chị chẳng biết cầu cứu ai, chỉ biết âm thầm chịu đựng làm lụng cực khổ để nuôi con.

Công việc của chị ở Campuchia là phục vụ tại một quán karaoke được bao ăn ở, thế nhưng khi biết chị mang thai và có con họ đã thẳng thừng đuổi việc chị vì sợ phải nuôi thêm một miệng ăn và họ sợ chứa phụ nữ chửa hoang trong nhà sẽ đem lại xui xẻo cho công việc kinh doanh của mình.

Sau đó chị đi khắp nơi kiếm việc nhưng cũng chẳng ai nhận, cực chẳng đã chị đành phải quay trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình để tìm kế sinh nhai. Đoạn nói đến đây, đứa bé con chị đang nằm trong nôi bỗng khóc ré lên đòi ăn. Chị xin phép vào dỗ con, tôi cũng từ biệt chị để trở lại với đoàn chuẩn bị cho buổi từ thiện.

Từ trong ngôi nhà tạm bợ của chị bỗng vang lên tiếng hát ru như một lời than thân, trách phận xen lẫn tiếng khóc quặn thắt ruột gan của đứa bé:

“Ầu ơ ...Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.

Khó đi mẹ dắt con đi,

Con đi trường học, ầu ơ, con đi trường học mẹ đi trường đời…”.

Thanh Liêm
Nguồn: Vnexpress

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo