Người Việt khắp nơi

Du học sinh Việt Nam tại Thụy Sỹ: Hãy bước ra khỏi “Vòng tròn an toàn” cho chính mình

Cập nhật lúc 17-07-2020 04:15:25 (GMT+1)
Tác giả, Nông Thanh Thảo My chụp ảnh cùng Thầy giáo tại Trường Đại học ở thành phố Lausanne, Thụy Sỹ.

 

Là một du học sinh tại một Trường Đại học ở thành phố Lausanne, Thụy Sỹ, Nông Thanh Thảo My muốn gửi đến các bạn đang là sinh viên sau này có thể là du học sinh một điều khẳng định: Hãy bước ra khỏi " Vòng tròn an toàn" của chính mình.


Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Tại một số quốc gia du học sinh Việt Nam vẫn còn rất nhiều khi chưa hoàn thành hết khóa học, một phần đã hết thời gian học nhưng chưa thể về nước. Ở thời điểm này du học sinh cũng gặp rất nhiều khó khăn vì chuyến bay thì ít và số lượng đăng ký về nước thì nhiều. Xa quê hương, xa gia đình và người thân nên thời các ban phải khẳng định nghị lực của chính mình để vượt qua khó khăn.

Là một du học sinh tại một Trường Đại học ở thành phố Lausanne, Thụy Sỹ, Nông Thanh Thảo My muốn gửi đến các bạn đang là sinh viên sau này có thể là du học sinh một điều khẳng định: Hãy bước ra khỏi " Vòng tròn an toàn" của chính mình. Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu bức thư mà Nông Thanh Thảo My gửi các bạn sinh viên:

Đã bao giờ bạn tự hỏi “Vòng tròn an toàn” là gì? Tôi nghĩ rằng khi bạn chưa cảm thấy bản thân cần phải thay đổi hay có một tác động ngoại cảnh nào đó ảnh hưởng đến bạn thì bạn sẽ chẳng hề quan tâm đến sự tồn tại của vòng tròn đó đâu. Ai cũng đã từng như vậy và tôi cũng chẳng phải là ngoại lệ nhưng điều quan trọng là chúng ta đã dũng cảm bước chân ra khỏi vòng tròn ấy chưa ? hay mắc kẹt trong đó mãi mãi ?

Vùng an toàn của tôi cũng giống như của bạn. Đó là vòng tay của bố mẹ và gia đình, mỗi khi ta gặp khó khăn, họ là những người sẵn sàng, vô điều kiện giang rộng chở che, bao bọc. Bởi thế đã có mấy ai thích phải dầm mình dưới trời đông cóng buốt hay phơi lưng trong cái nóng hầm hập 40 độ của nắng cháy mùa hè. Cũng đã mấy ai lại thích để người khác trông thấy mình buồn thảm, thất bại !

Là sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương, một ngôi trường vốn nổi tiếng về sự năng động, các bạn cùng lớp ai cũng giỏi giang và hơn cả họ luôn tự tin vào năng lực bản thân. Trong khi đó đã qua năm nhất rồi mà tôi vẫn chưa thể cởi bỏ lớp vỏ an toàn của bản thân.

Không muốn bố mẹ thất vọng vì sự hèn nhát của mình, đầu năm 2, tôi quyết định đăng kí chương trình FTU Exchange và đã được lựa chọn tham gia học tập tại một trường Đại học ở thành phố Lausanne, Thụy Sỹ.

Tôi chỉ còn một tháng để hoàn tất mọi thủ tục. Việc đầu tiên phải thi để có chứng chỉ tiếng Anh. Với bản tính nhút nhát và không chịu được áp lực, ngay sau lần thi đầu tiên với kết quả không cao, tôi nghĩ "mình sẽ bỏ cuộc". Nhưng không muốn bị coi là kẻ thất bại, tôi đi đăng kí lần hai.Với quyết tâm cao độ, tôi dành tất cả thời gian trong ngày để nghe, nói và làm bài tập tiếng Anh. Nỗ lực đã được đáp đền, kết quả vuợt trên cả sự mong đợi, cầm giấy báo tôi nhẩy cẫng lên vì sung sướng, giây phút đó tôi nhận ra rằng: "Thì ra đó chưa phải giới hạn".

Khi mọi hồ sơ đã hoàn thành và ngày lên đường cứ dần đếm ngược, tôi mới thật sự hoang mang, lo lắng. Từ nhỏ tới giờ đã bao giờ tôi rời khỏi vòng tay bao bọc của gia đình đâu. Ngày còn ở nhà với bố mẹ, đi học thì có bố đưa mẹ đón, chạy đi mua gói bim bim ở cửa hàng tạp hóa cũng còn thấy ngại. Đến khi đi học đại học thì tôi lại ở cùng anh trai, mọi chuyện nhỏ, chuyện to đã có anh lo liệu, thế mà giờ đây lại phải một mình ra nước ngoài khiến tôi thấy mình không đủ can đảm.

Nhưng tất cả giống như đã “lên thuyền” không có đường lui, sau gần 3 ngày bay, quá cảnh ở 2 nước tôi đã đến Thụy Sĩ. Với hai chiếc vali to gần bằng người mình, phải tự lấy đồ, tự di chuyển. Lúc ấy tôi chỉ mong được nghe một câu nói bằng tiếng Việt thân thuộc hoặc chỉ cần nhìn thấy bóng dáng của một người châu Á cũng sẽ thấy vững tâm hơn nhiều. Bao quanh và xâm chiếm lòng tôi là cảm giác lo sợ và nhớ nhà, tôi muốn khóc nhưng không dám khóc, muốn nói nhưng lại rụt rè.

Lần đầu giao tiếp với người nước ngoài miệng lưỡi tôi cứ líu lại. Phải mất nửa ngày mới di chuyển gần 60km tôi mới về đến nhà trọ, quả là một hành trình không tưởng.

Khoảng thời gian tôi ra nước ngoài để học tập cũng là lúc cả thế giới bước vào cuộc chiến cam go với kẻ thù vô hình Covid-19. Châu Âu và Thụy Sỹ nơi tôi đang sống dịch bùng phát, số người nhiễm và tử vong do SARS-CoV-2 tăng lên từng giờ. Trường học đóng cửa, người Việt từ các nơi trên thế giới hối hả về nước khiến bản thân tôi và gia đình không khỏi hoang mang.

Một mình tôi giữa đại dịch, mọi sự mất an toàn đang bủa vây. Có lúc tôi thực sự sợ hãi bởi cách người dân Thụy Sỹ và các nước châu Âu phòng chống Covid-19 không như ở Việt Nam, việc đeo khẩu trang khi đi ra đường và đến những nơi đông người luôn nhận được ánh nhìn không mấy thiện cảm của người dân bản địa…Nhưng không, tôi đã dũng cảm bước qua giới hạn của bản thân thì chung sống với đại dịch cũng là một cơ hội để vươn lên và bước tiếp. Tôi đã ở lại vẫn học tập và chung sống một cách an toàn.

Tháng 7/2020 chính quyền Thụy Sĩ tháo dỡ dần các lệnh hạn chế chống dịch Covid-19, sinh viên trở lại trường. Đã có không ít sự đổi thay, mọi người đã cẩn trọng hơn, tự tin đeo khẩu trang ở những nơi công cộng mà không sợ bị kì thị. Một điều khiến tôi vô cùng tự hào, hai tiếng "Việt Nam" đã được các thầy cô và cả những người bạn ngoại quốc của tôi nói rành rọt. Cái tên "Việt Nam" đã trở thành niềm tự hào của mỗi chúng tôi, những người con đang ở xa quê hương khi bạn bè 5 châu nhắc đến thành công trong việc phòng chống dịch bệnh Covid -19 của Nhà nước và nhân dân ta.

Mặc dù dịch bệnh nơi tôi đang ở vẫn còn phức tạp nhưng với kinh nghiệm chống dịch từ quê hương và sự tự tin của chính mình, mỗi buổi đi học về tôi vẫn có thể diện những bộ váy xinh xắn thảnh thơi dạo chơi trên các con phố rực rỡ sắc hoa hoặc lơ đãng bên hồ Geneva thơ mộng ngắm nhìn những chú thiên nga bơi lội dưới ánh hoàng hôn.

Chỉ còn vài tuần nữa khóa học sẽ kết thúc tôi sẽ chia tay Trường Business. Điều quý giá nhất mà tôi nhận được sau khoảng thời gian học ở đây không phải là những điểm A mà đó là sự thay đổi của bản thân. Một người từng sợ đến mức mất ngủ mỗi khi hôm sau có bài thuyết trình, giờ đây vô cùng thoải mái, tự tin, thậm chí là thích thú mỗi khi được thuyết trình trước lớp. Chiều nay, khi kết thúc bài phỏng vấn, Giáo sư môn “Entrepreneurship” đã nói với tôi. “I wish I could speak Vietnamese as good as you speak English” (Giá mà thầy có thể nói tiếng Việt tốt như em nói tiếng Anh vậy). Lời khen ngợi của Thầy tiếp thêm cho tôi động lực để tự tin bước tiếp.

Rồi đây, xứ Lausanne quyến rũ sẽ là những kỉ niệm tuyệt vời của tuổi 20 và hành trình chinh phục ước mơ của tôi. Điều tôi mong đợi nhất lúc này là sớm có chuyến bay về nước để được trở về Tổ quốc, để tiếp tục học tập và cống hiến.

Nếu như trước đây, sự tự ti và mặc cảm, sự ỉ nại và dựa dẫm khiến tôi luôn thấy mình kém cỏi, yếu đuối thì giờ đây tôi đã chủ động vượt qua giới hạn của bản thân, chủ động bước ra khỏi “vòng an toàn của chính mình” để đối diện và chinh phục mọi thử thách mà trước đó tôi đã từng nghĩ "mình không bao giờ làm được".

Bạn thân mến ! Những điều thú vị của thế giới bao la rộng lớn ngoài vòng tròn an toàn nhỏ bé kia vẫn đang chờ đợi chúng ta khám phá. Hãy dũng cảm bước qua, xách vali lên và bắt đầu hành trình của mình, bạn nhé.

Lausanne, tháng 7 năm 2020

Nông Thanh Thảo My (Sinh viên K57, Khoa Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội
Nguồn: doanhnghiepvn.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo