Người Việt khắp nơi

Hành trình tìm lại đứa con Việt của cựu binh Mỹ

Cập nhật lúc 27-04-2014 22:32:46 (GMT+1)
Quinn đoàn tụ với con trai Gary sau 40 năm

 

Hàng ngàn đứa trẻ đã đã được sinh ra bởi những người mẹ Việt Nam và bố là lính Mỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Giờ đã ở tuổi 60 – 70, nhiều cựu chiến binh Mỹ đang mong mỏi tìm lại những đứa con mà họ chưa bao giờ nhìn thấy mặt.


Một người Mỹ cao, gầy, đội chiếc mũ phớt, cầm chặt cuốn album nhỏ và đi khắp các ngõ nhỏ ở thành phố Hồ Chính Minh. Bên cạnh ông là người phiên dịch Hung Phan, người trong suốt 20 năm qua đã giúp hàng chục cựu binh Mỹ tìm thấy những đứa con lưu lạc.

Khách hàng mới nhất của Hung Phan là ông Jerry Quinn, người quay lại Việt Nam sau mấy chục năm chiến tranh để tìm lại con trai.

“Tôi biết chúng tôi sống ở số 40”, Quinn nói trong lúc nhìn khắp con phố để tìm lại căn nhà nơi ông đã sống với người bạn gái Việt Nam. Nhưng giờ không còn số 40 nữa.


Ông Quinn và Hung Phan đang tìm lại ngôi nhà ông từng sống chung với bạn gái người Việt Nam

Một ông già sống ở khu vực này giải thích rằng khi Sài Gòn đươc giải phóng năm 1975, thành phố đã được đổi tên, và tất cả các con phố, số nhà cũng vậy“.

Jerry Quinn là một trong 2 triệu lính Mỹ được đưa đến hỗ trợ quân đội Sài Gòn. Trong cuộc chiến đó, khoảng 100.000 đứa trẻ đã được sinh ra từ các mối quan hệ giữa phụ nữ địa phương và lính Mỹ. Những người lính đó giờ đã già, và nhiều người trong số họ vì cảm thấy tội lỗi mà muốn tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra với đứa con rơi của mình.

“Nhưng nhiều ông bố thậm chí còn không quan tâm”, ông Brian Hjort nói. Brian Hjort và Hung Phan đang điều hành tổ chức phi lợi nhuận Fathers Founded để giúp các ông bố Mỹ đoàn tụ với những đứa con Mỹ Á của họ.

Hjort là khách du lịch đến Việt Nam trong những năm 1980 và thấy nhiều đứa trẻ lai có hoàn cảnh đáng thương. Một số đứa vẫn giữ ảnh và nhớ tên bố chúng. Vì chính phủ Mỹ còn lưu giữ hồ sơ chi tiết về binh lính và cựu chiến binh, Hjort nhanh chóng xác định tìm được bố cho vài chục đứa trẻ. Nhưng đôi khi ông thấy rùng mình trước những phản ứng của họ.

“Có nhiều người hét lên với tôi: Tại sao ông lại gọi tôi? Ông muốn gì? Tôi không muốn dính dáng gì. Nó không phải con trai tôi. Không phải con gái tôi. Đừng có gọi tôi nữa!”, Hjort kể.

Nhưng Jerry Quinn, một người truyền giáo đang sinh sống và làm việc ở Đài Loan, rất mong mỏi tìm thấy con trai. Quinn nói rằng khi ông được đưa tới làm việc ở Trung Đông, ông nghĩ rằng ý Chúa muốn ông hàn gắn lại quá khứ.


Quinn và bạn gái Brandy trước khi họ ly tán

Năm 1973, bạn gái người Việt Nam của ông tên Brandy có thai và họ tìm cách đăng ký với chính quyền để được kết hôn. Nhưng trong thời gian đó, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đang đàm phán “hòa bình trong danh dự” với lãnh đạo của Bắc Việt Nam. Thỏa thuận cuối cùng đòi hỏi Mỹ phải rút quân ngay lập tức, và Jerry Quinn có mặt trên chuyến bay về nước.

“Tôi cố gắng giữ liên lạc. Tôi gửi cho cô ấy 100 USD mỗi tháng trong vòng 1 năm. Tôi không bao giờ biết cô ấy có nhận được không”, Quinn kể.

Brandy gửi cho ông 3 bức ảnh mà 40 năm sau đó Quinn mang ra để hỏi tất cả mọi người ông gặp trên các con đường ở thành phố Hồ Chí Minh. Ba bức ảnh ấy gồm một bức chụp chân dung Brandy, cô gái Việt Nam ở độ tuổi 20, cao và xinh đẹp; một bức Brandy chụp cùng cậu con trai và một bức cô chụp cùng một phụ nữ mặc áo khoác trắng.

Tìm kiếm đến ngày thứ ba, Quinn tuyệt vọng. Ông và Hung Phan hỏi chủ một quán mỳ gần ngôi nhà mà ông và Brandy từng sống chung. Nhìn thấy người phụ nữ chụp chung với Brandy, chủ quán nhận ra đó là nữ hộ sinh sống gần đó.

“Giờ bà ấy đang sống ở Mỹ nhưng vẫn thỉnh thoảng quay lại đây thăm chúng tôi. Con gái bà ấy vừa ăn mỳ ở đây hôm qua, người chủ quán kể. Quinn nhờ người chủ quán giúp liên lạc, và ngày hôm sau họ gặp được nữ hộ sinh tên Kim. “Tôi nhớ cô ấy. Chúng tôi là bạn thân và tôi đã giúp cô ấy sinh con”, bà Kim nói với Quinn.


Quinn và nữ hộ sinh Kim

Bà Kim nhận ra họ tiếng Việt của Brandy sau một bức ảnh là Bùi, nhưng không biết tên con trai Brandy là gì vì mọi dấu vết liên quan người Mỹ đều đã bị xóa hết.

Vỡ òa nước mắt, ông Quinn đề nghị được cầm tay bà Kim “vì bàn tay này đã giúp đỡ con tôi mà có thể tôi không bao giờ gặp lại con mình nữa”. Câu chuyện tưởng như đã kết thúc ở quán mỳ đó.

Hội ngộ nhờ Facebook

Quinn đã đưa các bức ảnh chụp Brandy và con trai lên Facebook, nói rằng ông đang tìm kiếm một người 40 tuổi họ Bùi. Cách nơi Quinn sinh sống 8.500 dặm, tại Albuquerque, bang New Mexico, một người đàn ông 40 tuổi tên Gary Bui nhận ra những bức ảnh này.

Quinn bay tới Albuquerque. Trên chuyến taxi chạy tới nhà Gary, Quinn rất lo lắng và đôi chút nghi ngờ. “Liệu nó có nhận mình không”, ông băn khoăn. “Nó đã đợi mình 40 năm. Nó có để cho mình ôm nó không?”. Gary nói với ông qua điện thoại rằng anh tự dạy mình không được thể hiện cảm xúc.

Chiếc taxi dừng trước cửa nhà và các thành viên trong gia đình Gary đã đợi trước cửa. Cuộc hội ngộ diễn ra đầy xúc động và Quinn biết mình đã có hai cháu nội.

Câu chuyện cuộc đời Gary dần hé lộ. Giống như bao bà mẹ có con với lính Mỹ, Brandy vì sợ hãi nên đã trao con trai cho những người bạn để họ đưa ra khỏi Sài Gòn.

“Chúng con sống ở rừng, trong một túp lều đất sét”, Gary kể. Anh nói rằng hồi đó anh chẳng bao giờ có đủ thức ăn, luôn bị bọn trẻ bắt nạt. Chúng gọi mẹ anh là gái điếm.

Lên 4 tuổi, Gary được đưa tới trại trẻ mồ côi, rồi 4 năm sau được đưa đến New York theo chương trình đưa hàng ngàn trẻ em Mỹ Á sang Mỹ của chính phủ. Sống cùng cha mẹ nuôi, Gary vẫn giữ những bức ảnh giống như những bức mẹ anh đã gửi cho Quinn.

Nguồn: Bình Giang/ Tienphong

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo