Người Việt khắp nơi

Kêu gọi phóng thích những người Việt bị Mỹ trục xuất

Cập nhật lúc 02-12-2017 08:04:27 (GMT+1)
Nhân viên công lực ICE trước một ngôi nhà ở Atlatan, bang Georgia, trong một chiến dịch truy quét di dân bất hợp pháp và nhữn

 

Các giới chức dân cử liên bang, tiểu bang, và địa phương tại California công khai lên án chiến dịch truy quét, bắt giữ mạnh tay chưa từng có trước nay những người tị nạn gốc Việt bị lệnh trục xuất của chính phủ Mỹ.


Đa số những người bị ảnh hưởng trong chiến dịch này sinh sống tại bang California, vùng đất tập trung đông người Việt nhất ở hải ngoại.

Cao điểm của chiến dịch là tháng 10 năm nay sau khi chính quyền Tổng thống Trump đe dọa sẽ có hành động mạnh nhằm tống xuất các di dân từng có án hình sự và nhận lệnh trục xuất.

Luật sư Khanh Phạm từ Texas làm việc cho Văn phòng Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Mỹ. Từng can thiệp nhiều hồ sơ bị trục xuất, ông Khanh cho biết chiến dịch ‘nhập kho’ để trục xuất của chính quyền Tổng thống Trump leo thang từ tháng 9.

“Bắt đầu từ tháng 9, trước khi ông Trump đi dự APEC, Sở Di trú Mỹ bắt đầu đi gom những người này. Bên California, họ gom khoảng 200 người Việt. Bên bờ Đông, họ gom khoảng 95 người. Và ở Texas này, họ cũng gom khoảng 75-80 người. Tổng cộng khoảng bốn trăm mấy, năm trăm người đang bị giữ bởi Sở Di trú. Đây là lần đầu tiên trong mấy chục năm nay, Sở Di trú không để ý đến ngày những người này qua Mỹ, trước hay sau năm 1995. Họ gom hết lại rồi sẽ gởi hồ sơ cho phía Việt Nam để coi phía Việt Nam có duyệt nhận số này hay không.”

Vận động-can thiệp

Ngày 9/11, dân biểu Alan Lowenthal cùng các bạn đồng viện đã gửi thư tới Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Tòa Bạch Ốc yêu cầu phóng thích những người gốc Việt và Campuchia bị truy quét trong chiến dịch vừa kể. Thư nói những người này và thân nhân của họ có thể trở thành những ‘con tốt chính trị’ trong lúc Hoa Kỳ dàn xếp tranh cãi ngoại giao với Việt Nam và Campuchia về vấn đề trục xuất, và theo các dân biểu đồng ký tên trong thư, việc này gây ra nỗi kinh hoàng cũng như thảm kịch cho các gia đình người tị nạn.

Nhóm Làm việc Pháp lý về người gốc Á và Thái Bình Dương ở California (API) hôm 17/11 trình thư ngỏ tới quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Elaine Duke, bày tỏ quan ngại về tính chất các vụ truy quét, viện dẫn báo cáo từ gia đình các nạn nhân rằng người thân của họ bị bắt giữ bất thình lình, bị giải sang các tiểu bang khác, và không rõ tung tích trong nhiều ngày trời.

Giám sát viên quận hạt Los Angeles, Janice Hahn, trong tuần này cũng đã gửi thư thúc giục Bộ An ninh Nội địa chớ dùng những người tị nạn bị lệnh trục xuất làm ‘con bài mặc cả’ trong các cuộc thương lượng với chính phủ Campuchia hay Việt Nam.

"Đây là lần đầu tiên trong mấy chục năm nay, Sở Di trú không để ý đến ngày những người này qua Mỹ, trước hay sau năm 1995. Họ gom hết lại rồi sẽ gởi hồ sơ cho phía Việt Nam để coi phía Việt Nam có duyệt nhận số này hay không.”

Luật sư Di trú Khanh Phạm

Các giới chức này nói rằng sự đóng góp của cộng đồng di dân gốc Á rất quan trọng đối với California, tiểu bang có dân số gốc Châu Á-Thái Bình Dương nói chung, và cộng đồng người Campuchia và người Việt nói riêng, lớn nhất nước Mỹ.

Các thư ngỏ lập luận rằng đây là những người chạy nạn sau chiến tranh Việt Nam và cuộc diệt chủng của Khmer Đỏ, khi tới Mỹ họ sinh sống trong những khu vực nghèo khó có tỷ lệ tội phạm cao. Trở ngại về ngôn ngữ cộng với những đau thương từ chiến tranh, sự thiếu thốn nguồn lực để hòa nhập với đời sống mới, tất cả những yếu tố đó, thư nói, đã đẩy họ vào con đường phạm pháp. Sau khi thọ án, thư viết tiếp, đa số những người này đã hoàn lương, trở thành những nhân tố tích cực trong xã hội, làm ăn lương thiện để mưu sinh và tuân thủ các điều kiện đặt ra kể cả việc trình báo định kỳ với cơ quan di trú.

Chưa rõ những bức thư ngỏ của các giới chức bang California có được Bộ An ninh Nội địa hồi đáp hay không, nhưng phát ngôn nhân Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE), James Schwab, tuần này tuyên bố: “Luật quốc tế buộc mỗi nước phải nhận lại công dân của mình bị chính phủ Mỹ trục xuất. Hoa Kỳ thường xuyên hợp tác với các chính phủ nước ngoài trong việc lập hồ sơ và nhận lại công dân khi có yêu cầu, cũng như đa số các nước khác trên thế giới.”

Trung tâm Hành động Nguồn lực Đông Nam Á (SEARAC) có trụ sở tại California hoan nghênh các giới chức công cử trong bang đã lên tiếng bênh vực cho cộng đồng tị nạn gốc Đông Nam Á. “Chúng tôi cần thêm nhiều lãnh đạo trên khắp nước Mỹ góp tiếng lên án chiến dịch truy quét này. Chúng tôi cũng cần lãnh đạo Quốc hội có hành động tiếp theo: cải cách các chính sách lỗi thời, bất công đã dẫn tới việc phân ly của các gia đình tị nạn bấy lâu nay,” SEARAC nhấn mạnh trong thông cáo ngày 27/11.

Cảnh sát bắt các nhà hoạt động phong tỏa Đại lộ số 5 trong cuộc biểu tình chống chính sách trục xuất của chính phủ Trump
Cảnh sát bắt các nhà hoạt động phong tỏa Đại lộ số 5 trong cuộc biểu tình chống chính sách trục xuất của chính phủ Trump

Luật sư Khanh cho biết những người bị trục xuất là những người chưa có quốc tịch Mỹ phạm tội hình sự từng bị tuyên án, thọ án và mãn án hoặc những người vi phạm luật di trú, tới Mỹ bất hợp pháp hoặc lưu trú bất hợp pháp sau khi giấy tờ du học, du lịch, hay làm việc đã hết hạn.

Việt-Mỹ vào năm 2008 ký bản ghi nhớ trong đó Việt Nam chỉ đồng ý nhận những người gốc Việt tới Hoa Kỳ sau năm 1995 mà có lệnh trục xuất, nhưng trên thực tế, con số Việt Nam đã tiếp nhận không nhiều.

Biểu tình chống chính sách trục xuất của Tổng thống Trump
Biểu tình chống chính sách trục xuất của Tổng thống Trump

Số phận bấp bênh

Tiến trình thương lượng ‘giằng co’ giữa Mỹ với Việt Nam về vấn đề trục xuất-hồi hương khiến tương lai những người có lệnh trục xuất nhưng chưa thực thi trở nên bất định. Cho tới lúc số phận được định đoạt rõ ràng, họ phải trải qua những chuỗi ngày ‘tạm bợ’. Cứ tới thời hạn định kỳ, họ phải trình diện ICE để được công nhận tình trạng ‘tạm bợ’ đó, được đóng mộc gia hạn giấy phép đi làm 1 năm, được có bằng lái xe để có thể mưu sinh, nuôi sống bản thân và gia đình.

Giờ đây, với kế hoạch truy quét gắt gao dưới chính quyền của Tổng thống Trump, những người có lệnh trục xuất đang rơi vào thế ‘may nhờ rủi chịu,’ buộc phải ‘đánh bạc’ với số phận của mình. Một là tiếp tục tới trình diện ICE để được gia hạn thẻ làm việc, nhưng đối mặt với nguy cơ có thể bị bắt nhốt, chờ ngày trục xuất. Hai là không ra trình diện nữa, coi như họ đánh mất phương kế mưu sinh vì không có giấy phép làm việc để kiếm sống, không có bằng lái xe để sinh hoạt, đi lại thì có khác gì một tương lai trong…bóng tối. Đó là chưa kể, trong khi mạo hiểm ‘sống chui’, nếu chẳng may bị cảnh sát chặn hỏi, họ cũng sẽ bị xử lý, bị gom về trại, chờ ngày trả về Việt Nam.

Theo nguồn tin từ giới hoạt động, trong chiến dịch truy quét hiện nay nhiều người đã bị chuyển tới các trại giam giữ ở các tiểu bang miền Nam chờ ngày trục xuất.

Kristopher Larsen, gốc Việt được nhận làm con nuôi tới Hoa Kỳ trước năm 1995, chưa có quốc tịch Mỹ và có tiền án. Ông đối mặt với khả năng bị trục xuất dù Việt Nam không nhận các công dân Việt đã ra khỏi nước trước năm 1995.
Kristopher Larsen, gốc Việt được nhận làm con nuôi tới Hoa Kỳ trước năm 1995, chưa có quốc tịch Mỹ và có tiền án. Ông đối mặt với khả năng bị trục xuất dù Việt Nam không nhận các công dân Việt đã ra khỏi nước trước năm 1995.

Về đâu?

Luật sư Di trú Khanh Phạm cho biết những người đã có lệnh trục xuất không thể thay đổi được tình trạng của mình trừ phi Mỹ ra luật mới, Việt Nam mở cửa cho họ hồi hương, hoặc có một nước thứ ba đồng ý cho họ tái định cư.

Trong ba điều kiện này, trường hợp thứ nhất được xem là ‘vận may’ mà họ mong đợi nhất, trường hợp thứ hai đối với nhiều người là ‘điều rủi’, trong khi trường hợp cuối cùng hiếm có tựa ‘mò kim đáy bể.’

“Biện pháp duy nhất có thể can thiệp là nói với Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ đại diện cho khu mình ở, đưa tiếng nói lên Hạ viện, Thượng viện để xem họ có thể lập ra luật mới bảo vệ những người này hay không,” luật sư Khanh cho biết.

Kết hôn với công dân Mỹ, một trong những điều kiện thường thấy xưa nay để thay đổi tình trạng di trú, không áp dụng cho những người bị lệnh trục xuất cho dù họ còn lưu trú tại Mỹ, theo luật sư Khanh.

Một điều nữa cần ghi nhớ, luật sư Khanh nhấn mạnh, những người bị trả về Việt Nam sẽ không bao giờ được đặt chân lên đất Mỹ một lần nữa.

“Một khi có lệnh trục xuất mà muốn qua nước Mỹ trở lại, mình phải được quan tòa mở lại hồ sơ, xóa đi án trục xuất vì lý do họ áp dụng luật sai hay vì họ làm gì không đúng. Một khi bị trục xuất rồi, sau này muốn xin qua nước Mỹ, họ sẽ không bao giờ cho.”

Tin cho hay Mỹ đang áp lực Việt Nam nhận thêm người bị trục xuất, kể cả những người tới Mỹ trước năm 1995.

Nguồn: VOA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.
Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo