Người Việt khắp nơi

Khát khao nhập quốc tịch Việt của chàng Việt kiều Mỹ

Cập nhật lúc 18-12-2015 17:04:25 (GMT+1)
Hùng trò chuyện với một cụ già ở Thanh Hoá, nhân vật trong chương trình Ước mơ Việt Nam của đài VTV2 năm 2013. Ảnh: Nhân vật

 

Trần Hùng John, chàng Việt kiều Mỹ nổi tiếng với hành trình xuyên đất nước không đem theo tiền, mong từng ngày được nhập quốc tịch Việt, điều anh chưa thể thực hiện do không đủ giấy tờ cần thiết.


Từng không nói sõi tiếng Việt cách đây 5 năm khi còn là một sinh viên trao đổi văn hoá tại Đại học Hà Nội, Hùng đến giờ đã bước những bước dài trên con đường tới thành công tại Việt Nam. 

Anh từng làm biên tập viên và dẫn chương trình ở một đài truyền hình trước khi thực hiện chuyến xuyên Việt đặc biệt để hiểu thêm về quê hương, đất nước và chính bản thân. Cuốn sách anh viết về hành trình mang tên "John đi tìm Hùng" xuất bản năm 2013 đến nay được tái bản đến lần thứ 5, và một phát biểu trong sách từng được đưa vào đề thi đại học. 5 năm sau khi đặt chân đến Việt Nam, chàng trai 26 tuổi hiện cộng tác và tư vấn cho một công ty truyền thông tại Hà Nội.

Với tính xởi lởi, Hùng đi nhiều nơi trên khắp Việt Nam, kết bạn với nhiều người, thuộc mọi thành phần, nghề nghiệp, những người nông dân, ngư dân giáo viên, học sinh, sinh viên, doanh nhân, học giả, quan chức. Đến nay, anh tự nhận mình "hiểu người Việt hơn cả nhiều người Việt".

"Tuy vậy, dù có đi khắp Việt Nam và sống tại đây hơn 5 năm, tôi chưa bao giờ có thể tự gọi mình là người Việt vì tôi không có quốc tịch", Hùng nói.

Bà ngoại Hùng xuất thân từ vùng quê nghèo tại Việt Nam, tới Mỹ mà không có giấy tờ tuỳ thân. Cha mẹ của Hùng rời Việt Nam sau chiến tranh, cả hai đều không còn giấy khai sinh Việt Nam để chứng minh họ là người Việt. Vì vậy, quá trình xin quốc tịch của Hùng gặp nhiều khó khăn do thiếu giấy tờ cần thiết. Không có quốc tịch Việt, cứ hầu như ba tháng, Hùng phải rời Việt Nam một lần. Đây là một trở ngại lớn với công việc và cuộc sống của anh.

Cả bà và mẹ của Hùng đều hoàn toàn ủng hộ và mong anh sớm có quốc tịch Việt Nam."Hồi trước, khi ở Mỹ, Hùng đã có nhiều cơ hội làm việc tốt, nhưng nó vẫn nhất quyết muốn về Việt Nam để vừa phát triển sự nghiệp, vừa giúp đỡ nhiều người khác. Nếu có quốc tịch Việt, Hùng sẽ không phải lo vài tháng lại phải ra khỏi Việt Nam một lần để làm mới thị thực, có thời gian để tập trung công việc hơn", mẹ Hùng trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh do chưa thạo tiếng Việt.

Cách duy nhất để anh được nhập quốc tịch hiện nay là được nhà nước phê duyệt, dựa trên những cống hiến với đất nước.

John Hùng cùng gia đình, gồm mẹ (trái) và bà (chính giữa) trong chuyến thăm quê ngoại Bình Thuận hồi tháng 11. Ảnh: NVCC

Hùng từng truyền cảm hứng về việc "trả ơn chuyển tiếp", sau khi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của mọi người dọc hành trình xuyên Việt. Nhiều độc giả Việt Nam tại nước ngoài, khi đọc được "John đi tìm Hùng" cũng gửi thư cám ơn anh vì giúp họ hiểu thêm về đất nước, con người Việt.

"Chuyến đi của bạn đã truyền cảm hứng cho mình, khiến mình muốn thăm Việt Nam và tìm hiểu thêm về gốc gác của mình. Bạn đã giúp các thanh niên Việt, kể cả ở Mỹ hiểu tầm quan trọng của việc biết chúng ta thực sự là ai", Cam Vuong, một sinh viên người Mỹ gốc Việt học tại trường đại học California (UCLA) ở Los Angeles, viết cho Hùng.

Một tình nguyện viên trường tiếng Việt ở Mỹ thì cho biết việc dạy tiếng Việt cho trẻ em trở nên khó khăn hơn khi các em vẫn luôn đặt câu hỏi: "Tại sao em phải học tiếng Việt trong khi em là người Mỹ?". "Hùng nên suy nghĩ cho xuất bản phiên bản tiếng Anh để có thể cho các em là người Mỹ gốc Việt hay ở bất cứ đất nước nào cũng có sự tự hào hay ít nhất là tình yêu dành cho quê hương như cha mẹ và ông bà các em", tình nguyện viên gửi tin nhắn qua Facebook.

Sau thành công của cuốn sách đầu tay, cuốn sách thứ hai anh viết dự kiến mang tên "Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ" sẽ xuất bản vào ngày 8/3/2016. Sách nói về trải nghiệm của Hùng về phương pháp giáo dục của cha mẹ Việt Nam trong tương quan với cách dạy con ở Mỹ, và ảnh hưởng tới tính cách, thái độ sống sau này của thanh niên. 

Hùng thăm một lớp học ở Thanh Hoá hồi năm 2012 trong chuyến xuyên Việt. Ảnh:NVCC

Hùng cũng thuyết phục cả bà, mẹ lần đầu tiên trở về quê hương sau 4 thập kỷ, dù họ từng là những người phản đối anh về Việt Nam mạnh mẽ nhất. Những ký ức đau buồn về chiến tranh của bà Hùng cùng những thông tin chưa chính xác về Việt Nam khiến cả gia đình lo lắng khi anh quyết định trở về.

"Hãy buông quá khứ và hướng tới tương lai. Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Nếu muốn biết Việt Nam ngày nay như thế nào, chắc chắn phải quay trở về và trải nghiệm", Hùng nói với gia đình ở Mỹ.

Tháng 11 vừa qua, không chỉ có bà và mẹ, 8 thành viên khác trong gia đình Hùng gồm các dì và các cậu trở về thăm quê. "Mỗi lần Hùng về thăm nhà ở Mỹ, nó có kể cho tôi nghe nhiều chuyện ở về Việt Nam. Lần này được về thăm, tôi thấy mừng lắm vì được gặp nhiều họ hàng, tận mắt nhìn thấy Việt Nam phát triển hơn trước. Tôi muốn được về chơi thêm nhiều lần nữa", bà của Hùng, tuổi gần 70, nói.

Hùng tâm sự anh mong sớm có được quốc tịch Việt Nam cũng vì hy vọng điều này sẽ giúp đông đảo người Việt ở nước ngoài có thêm động lực để hướng về quê hương và thấy rằng việc quay về xây dựng đất nước không hề phức tạp, khó khăn như họ vẫn nghĩ.

Nguồn: Trọng Giáp/ Vnexpress

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo