Người Việt khắp nơi

Kiến trúc sư Mỹ bày cách trị 'bệnh Ta nói Tây không hiểu'

Cập nhật lúc 04-01-2017 11:55:08 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

 

Sống tại Mỹ, nghiên cứu kỹ về việc học tiếng Anh, kiến trúc sư Đỗ Viết Quý đã chỉ ra nguyên nhân khiến người Việt Nam nói tiếng Anh mà người bản địa không hiểu, đồng thời đề ra 8 giải pháp khắc phục.

 


Khi bắt đầu học một sinh ngữ như tiếng Anh hay tiếng Việt, từ giáo viên đến học sinh thường chỉ tập trung vào hai thành phần chính, ngữ pháp và từ vựng. Không ai có thể chối cãi rằng đó là hai yếu tố tối quan trọng của bất cứ sinh ngữ nào. Tuy nhiên, có một yếu tố cần được nắm vững ngay từ bước đầu, trước cả ngữ pháp và từ vựng. Đó là việc phát âm chuẩn hay là việc đọc cho đúng.

Tiếc thay việc phát âm chuẩn lại bị coi thường và không được luyện tập cho đúng ngay từ đầu, khiến cho việc nói tiếng Anh và tiếng Việt tạo ra rất nhiều trở ngại như hiểu sai, hiểu lầm, hiểu mò, khó hiểu, và không hiểu.

Khi học tiếng Anh, vì không được dạy cách phát âm cho đúng ngay từ đầu, đại đa số học viên người Việt cảm thấy việc phát âm đúng là quá khó nên chỉ đoán mò cách đọc và sau đó là đọc đại cho xong. 

Học viên người Việt thường xem việc học tiếng Anh là một “nhiệm vụ bất khả thi” nên chỉ học cho có để đi thi mà thôi và không bao giờ có khả năng nói tiếng Anh với người nước ngoài. Điều này khiến tiếng Anh từ một sinh ngữ lại trở thành một cổ ngữ, không phải vì nó cổ xưa mà vì nó chỉ được dùng để viết và đi thi, chứ không được sử dụng trong các cuộc nói chuyện hằng ngày, như các tiếng La Tinh và Hy Lạp cổ đại.

So với các ngôn ngữ khác của Tây Âu, tiếng Anh có phần phát âm phức tạp nhất nhưng ngữ pháp và từ vựng thì tương đối dễ. Trong các tiếng Pháp, Italy, Tây Ban Nha, và Đức, chữ viết như thế nào thì đọc như vậy. Nói chung, cách viết và cách đọc tương ứng với nhau một cách chặt chẽ (với một số ngoại lệ trong tiếng Pháp).

Tiếng Anh có những âm rất lạ lùng và khó đọc đối với người Việt, đặc biệt là:

a. Những phụ âm (đơn, cặp đôi, hay cặp ba) ở cuối chữ;

b. Những nguyên âm đôi (diphthongs).

c. Trọng âm cần phải nhấn mạnh trong từng chữ.

d. Những âm không nhấn trong từng chữ thì cần đọc mau, nhẹ, và lướt đi.

Vì hai yếu tố “c” và “d” trên đây tiếng Anh khi đọc lên là một ngôn ngữ có nhịp điệu trầm bổng và đọc mau hơn những ngôn ngữ khác. Một bản văn tiếng Anh thường được đọc xong trước một bản văn tiếng Pháp với cùng nội dung. Học viên người Việt thường không biết những điều này nên đọc và nói không được đúng tốc độ và nhịp điệu như người Mỹ hay người Anh. Đây cũng là lý do khiến người Mỹ và Anh khó hiểu được người Việt khi họ nói tiếng Anh (ngay cả dù họ phát âm đúng từng chữ một).

Các trường dạy Anh tại Việt Nam có thể được phân ra hai loại. Loại thứ nhất chú trọng vào dạy ngữ pháp và từ vựng, với chủ đích là để đi thi. Loại thứ hai có trọng tâm là dạy đối thoại và giao tiếp, để giúp cho những người đi làm và cần sử dụng Anh văn ngay lập tức trong công việc hàng ngày. Tuy khác nhau trong cách dạy, cả hai loại trường này lại có một điểm tương đồng, đó là bỏ qua gần như hoàn toàn việc luyện phát âm cho đúng.

Tuy các phương pháp luyện phát âm có thể nằm trong giáo trình của trường học và các trung tâm dạy Anh Văn, đa số thầy cô chỉ giảng sơ sài về những phương pháp này vì họ cũng không nắm vững phần phát âm.

Không phải chỉ những người Việt trong nước gặp khó khăn trong việc học tiếng Anh, ngay cả nhiều Việt kiều ở nước ngoài như Mỹ mấy chục năm cũng rất kém Anh văn vì học không đúng phương pháp hoặc vì không có thì giờ đi học ở trường lớp hay tự học tại nhà. Họ có thể giao tiếp với người Mỹ hàng ngày trong công việc nhưng vẫn nói tiếng Anh sai. Và sai lầm đầu tiên mà người Mỹ nhận ra ngay lập tức là họ phát âm sai rất nhiều.

Cho nên trong cộng đồng người Việt tại Mỹ xảy ra một hiện tượng đáng buồn là người Việt nói tiếng Anh với những lối đọc sai đặc biệt của họ chỉ để cho nhau hiểu chứ không phải để cho người Mỹ hiểu. Một điều trớ trêu nữa là những Việt kiều này khi về thăm quê hương lại dạy cho người Việt trong nước những cách đọc tiếng Anh sai.

8 đề xuất cho việc dạy tiếng Anh

1. Tiến trình logic nhất cho việc dạy Anh văn nên theo thứ tự sau. Đầu tiên nên luyện phát âm cho đúng bằng cách dùng cách phiên âm quốc tế, tiếng Anh gọi là IPA (International Phonetic Alphabet). Kế đến mới dạy ngữ pháp và từ vựng và đối thoại song song với nhau.

Lý do là dạy ngữ pháp và từ vựng thôi thì học sinh mau nản vì không thấy áp dụng được tiếng Anh trong đời sống hàng ngày. Còn học giao tiếp mà thôi thì cái học dễ mất căn bản lý thuyết về ngữ pháp và từ vựng.

2. Nên dùng phiên âm quốc tế (IPA) vì nó giản dị, dễ hiểu, và dễ sử dụng hơn những cách phiên âm khác như những phiên âm trong các từ điển của Mỹ. Các lối phiên âm của Mỹ thay đổi tùy theo từ điển và dễ làm cho người học bị rối.

3. Nên bắt buộc tất cả trường dạy Anh văn phải dạy cho học sinh phiên âm quốc tế một cách nhuần nhuyễn ngay từ khi bắt đầu giáo trình. Có một số người cho rằng phiên âm chỉ nên dạy cho những nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Họ khuyên nên học tiếng Anh một cách tự nhiên như một trẻ em người Mỹ hay người Anh học tiếng Anh mà không cần đến phiên âm. Phương pháp của họ đọc từng chữ tiếng Anh và cho học viên bắt chước. Điều này mới nghe có vẻ có lý, tuy nhiên lối học này trên thực tế chỉ hiệu quả đối với trẻ em người Mỹ vì chúng bắt chước rất dễ dàng bất cứ âm nào do bố mẹ dạy như là một máy thâu thanh và phát thanh.

Còn những học viên người Việt, nhất là những người từ cấp trung học trở lên, gặp phải một trở ngại rất lớn, đó là họ đã quen những âm tiếng Việt, rất khác các âm trong tiếng Anh và không dễ gì đọc được những âm mới lạ của một ngôn ngữ khác. Khi họ đọc lặp lại một từ mà giảng viên đọc lên mà không nắm vững phiên âm thì không khác gì một ca sĩ hát karaoke mà không biết nhạc lý. Có nghĩa là họ có thể đọc na ná hay gần đúng mà thôi. Nhưng đọc như thế cũng phải được xem là đọc sai. Và khi đọc sai thì người nghe cũng sẽ hiểu sai.

Trong tất cả từ điển Anh Văn như quyển Từ điển Anh - Việt của Viện ngôn ngữ học chúng ta luôn luôn thấy cách phiên âm được liệt kê bên cạnh mỗi từ và bên trên phần định nghĩa. Điều này cho thấy phần phiên âm quan trọng hơn cả phần định nghĩa.

4. Nên đào tạo lại các giảng viên cho tốt về phiên âm để họ có thể chỉ dạy lại cho học sinh. Sau đó nên khảo sát họ về khả năng phát âm.

5. Phiên âm có thể được xem như là cặp nạng tạm thời giúp ta đi lại khi chân còn yếu. Không có nó, ta không thể tập đi được khi mới bắt đầu. Tuy nhiên, khi chân đã đủ sức, đương nhiên ta sẽ bỏ nạng ra để đi với đôi chân khỏe mạnh. Tương tự như vậy, sau khi bộ nhớ của ta đã phát triển đúng mức để giúp ta nhìn mặt chữ là nhớ ngay cách đọc thì lúc đó ta không cần dùng đến phiên âm nữa. Chỉ khi nào gặp những chữ mới thì ta mới cần tra cứu từ điển để tìm phiên âm của chúng.

6. Những khi nào nản chí vì sự phức tạp của cách đọc tiếng Anh, ta nên tự “an ủi” mình như sau: Ít ra cách viết tiếng Anh cũng còn giúp ta đoán được cách đọc, dù là không đúng 100%. Ta không đang phải học một thứ tiếng có cách đọc còn khó hơn tiếng Anh gấp trăm lần vì cách viết hoàn toàn không cho thấy cách đọc. Đó là tiếng Hoa. Vì thế, người ta đã phải tạo ra một phương pháp phiên âm gọi là “bính âm” (hay “pinyin”) để giúp học viên biết cách đọc của từng chữ một. Bính âm dùng những mẫu tự La Tinh cũng khá giống như tiếng Việt ngày nay (hay chữ quốc ngữ) thoát thai từ việc phiên âm chữ Nôm của Việt Nam trước đây bằng cách dùng mẫu tự La tinh.

7. Cả học viên và giảng viên nên chủ động trong việc học tiếng Anh bằng những cách sau đây:

- Tự học miễn phí trên các video của YouTube. Hãy truy cập với các cụm từ sau đây: IPA, phiên âm quốc tế, Elight Learning English…;

- Tự học miễn phí ở các sách hay chương trình miễn phí trên mạng có dạy phiên âm quốc tế như Streamline;

- Đăng ký học ở các trung tâm Anh văn hay các chương trình Anh văn online nào có chú trọng đến phiên âm quốc tế, như Elight Learning English và British Council. Những chương trình học online có lợi điểm là học lúc nào cũng được và rất thích hợp cho tất cả mọi thành phần học viên.

8. Nếu có sự lựa chọn, học viên nên theo học các trường hay phương pháp của Anh thay vì của Mỹ vì hai lý do:

- Người Anh dạy phát âm và ngữ pháp chuẩn và chính xác hơn người Mỹ;

- Người Anh luôn luôn chú trọng đến việc dạy phiên âm quốc tế ngay từ đầu trong khi người Mỹ lơ là việc này.

Nguồn: KTS Đỗ Viết Quý/ Vnexpress

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo