Người Việt khắp nơi

Lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc (2): Vây bắt và trốn chạy...

Cập nhật lúc 12-03-2019 11:34:10 (GMT+1)
Lao động BHP Việt Nam làm việc tại một cánh đồng tỏi. Ảnh: X. Quỳnh

 

Lao động bất hợp pháp (BHP) tại Hàn Quốc đang đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro cao như: bệnh tật, tai nạn lao động, thiếu việc làm, nợ lương.... Bên cạnh đó, những cuộc vây bắt của nhà chức trách khiến lao động BHP luôn sống trong bất an.


Những cuộc vây bắt...

Để giảm thiểu tình trạng người nước ngoài cư trú, lao động trái phép ngày càng tăng, Chính phủ Hàn Quốc thường xuyên mở các đợt truy quét theo từng khu vực được xác định là điểm nóng về tình trạng lao động nước ngoài nói chung, lao động BHP nói riêng tập trung đông đúc.

Bên cạnh đó, cảnh sát địa phương tập trung các địa điểm công cộng như bến xe, ga tàu, trung tâm mua sắm nhằm phát hiện, bắt giữ lao động BHP. Mới đây, cơ quan quản lý người di trú còn xác định sẽ đẩy mạnh truy quét người BHP toàn bộ 365 ngày trong năm.

Trước đây, mỗi đợt truy quét thường chỉ kéo dài 1-3 tháng nên chắc chắn trong thời gian tới, con số người BHP bị bắt, bị trục xuất sẽ tăng lên rất nhiều.

Bên cạnh việc nhận được sự ủng hộ của truyền thông, dư luận khi làm giảm tỷ lao động BHP, kiểm soát tốt tình hình an ninh và các vụ phạm pháp.

Tuy nhiên, việc truy quét gắt gao của lực lượng chức năng cũng vấp phải không ít sự phản đối từ chính người dân bản địa, các tổ chức xã hội và của chính các chủ sử dụng lao động BHP.

Các tổ chức nhân đạo cho rằng, việc truy quét lao động BHP gây ra nhiều vụ việc đáng tiếc, khiến người lao động phải chạy trốn, gây ra không ít tai nạn thương tâm,nặng nề.

Gần đây nhất, ngày 02/2/2019, Cảnh sát di trú TP. KImhea - Busan ập vào vây bắt lao động BHP tại một xưởng cơ khí. Một số lao động BHP người Việt có tìm cách thoát thân.

 

Một trang mạng xã hội tại Hàn Quốc chia sẻ về một cuộc chạy trốn...

Trong đó, anh TR.V.L. (34 tuổi) trong lúc chạy trốn đã bị ngã xuống đất, bất tỉnh phải vào viện cấp cứu, sự việc khiến dư luận Hàn Quốc phản đối gay gắt các cuộc truy quét.

Về phía chủ sử dụng lao động cho rằng, với đặc thù các doanh nghiệp, công xưởng quy mô nhỏ, loại hình công việc nặng nhọc, nguy hiểm nên tuyển dụng được người bản địa vào làm việc là không hề dễ dàng.

Bên cạnh đó, mức lương chi trả cho lao động ngoại quốc cũng thấp hơn khá nhiều so với mức lương chi trả cho người Hàn Quốc làm cùng công việc.

Ngoài ra, một số nghề nghiệp cũng khó tuyển lao động mà chỉ có thể sử dụng lao động BHP .

Theo các chủ lao động, những lao động BHP ở Hàn Quốc lâu năm vốn ngôn ngữ, khả năng thích ứng với công việc, với moi trường làm việc cũng tốt hơn lao động mới. Việc truy quét ,vây bắt gây ảnh hưởng không chỉ trực tiếp đến người lao động mà ngay cả các công ty, doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không ít.

Thậm chí, các công xưởng phải đóng cửa, ngừng hoạt động khi bộ phận lớn công nhân lao động BHP bị bắt, trục xuất, đó là chưa kể đến khoản tiền phạt cho việc sử dụng lao động BHP cũng khá cao.

Chính vì thế, hàng năm vẫn xảy ra không ít các cuộc biểu tình ôn hòa nhỏ lẻ,nhằm phản đối việc truy quét của nhà chức trách. Dù vậy, cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, khó khăn trong tìm kiếm việc làm của chính người bản địa, những hệ lụy mà người cư trú BHP mang lại...

Chạy trốn...liều mạng

Với lao động BHP đa số đều xác định "nếu chẳng may bị bắt thì vui vẻ ra về" nhưng cũng không ít người dẫu bị bắt, bị vây ráp vẫn cố vùng vẫy hòng tìm cho mình một lối thoát, tìm cách bám trụ lại vì những đồng won gửi về cho gia đình, vì những ước mơ dang dở nơi xứ người...

Có người may mắn chạy thoát êm xuôi, người bị bắt, bị trục xuất sau ít ngày tạm giữ. Nhưng cũng có người vì trục trặc, mất mát giấy tờ tùy thân thì đành nằm lại trại tạm giữ hàng tháng trời, trong cảnh sống chẳng khác mấy nhà tù...

Anh T.H. lao động quê Nghệ An vừa được trở về nhà sau 3 tháng 10 ngày bị nhốt ở nhà tạm giữ TP.Hwoagseong cho biết, đang trong chỗ làm thì cảnh sát ập vào kiểm tra giấy tờ tùy thân, mình với một bạn nữa cũng người Việt Nam bị bắt.

"Bọn mình chủ động hợp tác chứ chẳng chạy trốn, chống đối gì nữa bởi thật ra cũng khó có cơ hội chạy thoát...", anh H. nói.

Còn chị H. (quê Tây Ninh), kể lại: "Tuần trước công ty bị cảnh sát vào kiểm tra, lúc này có hơn 10 lao động BHP. Cả đoàn người kéo nhau chạy tán loạn, chạy lên núi, chạy ra đồng...mạnh ai nấy chạy, may mắn thì thoát thôi ạ..."

Nhưng cũng có những trường hợp không may mắn, quá trình trốn chạy bị tai nạn.  Anh TR.V.L trong lúc trốn chạy khỏi cuộc truy quét, bị ngã đập đầu xuống đất, bất tỉnh phải vào viện cấp cứu và sau 5 tiếng mới tỉnh lại.

 

Anh TR.V.L. nhập viện điều trị do tai nạn trong quá trình chạy trốn. Ảnh: Đài KBS

Còn nhiều trường hợp lao động BHP bị tai nạn trong quá trình chạy trốn. Ngoài ra, cũng có trường hợp bị hành hung, ngược đãi bởi lực lượng thực thi pháp luật...

Dù vẫn biết, vẫn hiểu rõ những rủi ro, những hiểm nguy luôn chờ đón, rình rập nhưng vì gia đình, vì chính tương lai hàng ngày ở Hàn Quốc hàng vạn lao động BHP vẫn phải bất chấp thân phận làm những người sống ngoài lề, chấp nhận những cuộc chui lủi chạy trốn, chấp nhận cả những thiệt thòi.

Còn tiếp...

Văn Bình – Xuân Quỳnh (từ Hàn Quốc)
Nguồn: Toquoc.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo